Cấp phép khai thác khoáng sản: Có tiêu cực không?
Rút kinh nghiệm đã muộn
Tại phiên chất vấn của Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) Nguyễn Minh Quang chiều 20/8 vừa qua, nhiều đại biểu đã lên tiếng về tình trạng sai phạm tràn lan trong việc cấp phép khai thác khoáng sản dẫn đến tài nguyên bị cạn kiệt, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Bộ TNMT, hiện cả nước có khoảng 450 mỏ khai thác khoáng sản do nhà nước quản lý, khai thác nhưng mới chỉ mang về chưa đến 3,5% GDP, trong khi đó các hoạt động khai thác khoáng sản có tác động rất lớn tới diện tích rừng. Đặc biệt, diện tích chiếm dụng đất rừng cho hoạt động khai thác khoáng sản ở một số tỉnh hiện nay xảy ra khá phổ biến, nguyên nhân chính là do buông lỏng việc quản lý, nhiều tỉnh “sẵn sàng” cấp phép cho cả doanh nghiệp không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đầu tư…
Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang
Trong 957 giấy phép có từ 50% trở lên vi phạm Luật Khoáng sản như: Cấp phép thăm dò khoáng sản trong khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng không thông qua hình thức lựa chọn các tổ chức, cá nhân, vi phạm điểm 3, điều 36 và khoản 2, điều có 128/163 giấy phép, chiếm 78,57%; cấp phép khi hồ sơ không có giấy chứng nhận đầu tư, vi phạm khoản 1 điều 59, có 345/682 giấy phép,chiếm 50,59% hoặc cấp phép không đúng thẩm quyền, cấp phép nhưng không có đánh giá tác động môi trường.
“Lãng phí, vi phạm cấp phép như thế mà chưa thấy xử lý được ai, chưa biết bên trong có tiêu cực không. Tôi cho là có đấy. Vai trò quản lý Nhà nước ở đâu. Cứ để như thế thì những tài nguyên sẽ mất đi, môi trường bị phá hoại, nên cần thực hiện nghiêm minh hơn"” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Xong có lẽ giải pháp nhằm nhắc phục tình trạng trên thông qua việc công khai và đề nghị phê bình tỉnh, đơn vị chưa làm tròn nhiệm vụ kiểm soát việc cấp phép, khai khoáng vào cuối năm nay - theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường - là quá muộn, khi hoạt động khai khoáng tràn lan đang diễn ra từng giờ, hàng ngày trên cả nước.
Về trách nhiệm đối với các sai phạm nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định: “Sai phạm chủ yếu là ở địa phương, trong đó có những địa phương đã cố tình làm trái. Còn ở trên này (Bộ TNMT - PV) số giấy phép cấp rất ít và theo đúng quy định của pháp luật”. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời một số vụ hủy hoại môi trường nghiêm trọng trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản; vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản vẫn diễn ra đáng lo ngại…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phần phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho rằng: “Cấp hàng ngàn giấy phép mà tới trên 50% có vi phạm. Tham nhũng, tiêu cực, phá hoại môi trường cũng từ đây. Vậy thì vai trò của thanh tra, của quản lý nhà nước ở đâu? Sai phạm như vậy mà không ai bị xử lý. Bộ trưởng nói phải hỏi địa phương mới biết nhưng tôi tin là có tiêu cực đấy!… Vi phạm về cấp giấy phép khoáng sản nhiều như thế, vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nhiều như thế mà vẫn chưa thấy xử lý được ai. Cứ để như thế này, tài nguyên khoáng sản còn đâu. Trời cho, tạo hóa cho chúng ta tài nguyên, khoáng sản, bản thân chúng ta không làm sinh sôi nảy nở ra được. Chúng ta chỉ làm mất đi, môi trường thì bị phá hoại”.
Vì cái lợi trước mắt
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua đợt giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường năm 2012 đã nêu rõ: Tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra thường xuyên ở hầu hết các dự án khai thác khoáng sản, do công tác lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư dự án thiếu cơ sở, chưa tính toán đến các chi phí, lợi ích về mặt xã hội và môi trường; thời gian dự án kéo dài, thủ tục hành chính phiền hà và qua nhiều công đoạn; năng lực nhà thầu, tư vấn còn nhiều hạn chế…
“Để xảy ra việc cấp phép sai, khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nhiều có một phần trách nhiệm của chúng tôi, chúng tôi xin nhận khuyết điểm. Tới đây chúng tôi sẽ kiểm tra nhiều hơn. Nhưng phải nhấn mạnh vai trò kiểm soát của địa phương, trách nhiệm của các chủ tịch tỉnh là rất quan trọng” - Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Quốc hội ngày 20/8 vừa qua. |
Nhiều địa phương quá chú trọng vào việc phát triển kinh tế, nên tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi gây suy thoái môi trường và làm mất cân bằng hệ sinh thái đang diễn ra ở nhiều nơi, nhất là các hoạt động của các mỏ khai thác than, quặng kim loại và vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp nhỏ, tư nhân.
Các khu mỏ đang khai thác hiện nay, hầu hết nằm ở vùng núi và trung du cùng với công nghệ khai thác chưa hợp lý, nhất là đối với các kim loại nên mức động gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, phá hủy rừng, hủy hoại về mặt đất, ô nhiễm nguồn nước, đất canh tác, không khí… đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và du lịch.
Trước hết phải nói đến vai trò quản lý của địa phương. Vì lợi ích trước mắt, muốn tăng thu ngân sách, đã buông lỏng hoặc quá dễ dãi khi cấp phép. Nếu như hơn 10 năm trước, UBND các tỉnh cấp bình quân 350 giấy phép thăm dò - khai thác khoáng sản mỗi năm thì 2 năm sau, khi Luật Khoáng sản (sửa đổi) có hiệu lực đến nay, con số này lại tăng lên thành 480. Như vậy để thấy mục tiêu hạn chế cấp phép thăm dò - khai thác khoáng sản đã bị nhiều địa phương bỏ qua. Điều này còn thể hiện qua việc xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm còn quá nhẹ.
Khai thác vàng trái phép ở xã Long Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình
Trong số 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, ngoài những cái tên quen thuộc như Vinacomin, Vinachem, VN Steel… là những doanh nghiệp tập trung đầu tư máy móc hiện đại, có khả năng chế biến sâu nhằm thu hồi triệt để nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường thì số còn lại chỉ đầu tư ngắn hạn kiểu “ăn sổi, hái ngọn”, khai thác kiểu tận diệt, đem bán thô với giá rẻ hòng nhanh thu hồi vốn. Hậu quả mà các doanh nghiệp này để lại đã quá rõ, môi trường bị tàn phá một cách không thương tiếc và không mang lại một lợi ích nào cho đất nước.
Theo các chuyên gia môi trường, nếu không có biện pháp khắc phục vấn đề nêu trên thì tình trạng mất đất, mất rừng, suy giảm tài nguyên và đa dạng sinh học sẽ ngày càng gia tăng, gây hậu quả nghiêm trọng tới phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Với những cách khai thác bừa bãi như hiện nay Việt Nam sẽ phải nhập khẩu nhiều loại khoáng sản, thậm chí nhập khẩu đúng lượng khoáng sản mà doanh nghiệp đang bán tống, bán tháo hiện nay.
Hy vọng rằng, việc sớm hoàn tất Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản với mức phạt cao nhất lên đến 2 tỷ đồng/trường hợp, cùng việc gấp rút ban hành Biểu thuế suất thuế tài nguyên để nâng thuế đối với 17/54 loại tài nguyên kể từ 1/1/2014 và hoàn thiện Biểu thuế xuất khẩu khoáng sản để áp mức thuế kịch trần (40%) đối với nhiều loại khoáng sản… sẽ hạn chế bớt tình trạng khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên quốc gia như hôm nay, đừng vì cái lợi trước mắt kẻo gánh họa lâu dài.
M. Kiên