Cần quan tâm đầu tư vào phối trộn than
Theo báo cáo Tổng kết năm 2019, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) xuất khẩu than khoảng 1,2 triệu tấn, ước tính chỉ bằng 59% kế hoạch/năm. Ngoài ra, Tổng công ty Đông Bắc thông tin thêm, năm 2019, doanh nghiệp này được phép xuất khẩu 50 nghìn tấn, nhưng dự kiến chỉ bán được 10 nghìn tấn.
Sản xuất và phối trộn than cần phải được đầu tư song hành. |
Đánh giá về nguyên nhân của sự “ế ẩm” của than xuất khẩu, các đơn vị trên cho hay, hiện nay, thị trường xuất khẩu than truyền thống của TKV và Tổng công ty Đông Bắc chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khu vực châu Âu với yêu cầu cao về chất lượng than và tiến độ giao hàng. Đầu năm 2019, giá than thế giới đồng loạt tăng cao nên than Việt Nam (giá rẻ) có sức bán tăng với các khách hàng nước ngoài. Đặc biệt, 2019 là năm thứ 3 liên tiếp xuất khẩu không hết lượng 2 triệu tấn than được Chính phủ cho phép. Ngoài ra, ngay từ đầu năm, TKV cũng ước tính con số nhập khẩu than là khoảng 5 triệu tấn.
Nhiều người cho rằng tình trạng “vừa xuất khẩu than vừa phải nhập than” là một “nghịch lý” theo hàm nghĩa “có tiêu cực”. Trong thực tế, đây là vấn đề rất bình thường. Theo phân tích của Bộ Công Thương, năm 2017 và 2018, khối lượng than xuất khẩu của hai đơn vị trên là hơn 4 triệu tấn, bao gồm hơn 2 triệu tấn than cục, tham cám 1-2-3 cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Ngoài ra, có 2 triệu tấn than cám khu vực Vàng Danh - Uông Bí (là loại than có chất lượng bốc thấp, lưu huỳnh cao, nhu cầu sử dụng trong nước ít) cho thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc.
Cũng theo thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay, Trung Quốc áp dụng quy định về hàng rào chất lượng nghiêm ngặt đối với than nhập khẩu. Theo đó, các loại than nhập khẩu vào Trung Quốc trước khi pha trộn, sử dụng phải được giám định lại chất lượng theo hàng rào tiêu chuẩn các nguyên tố vi lượng như thủy ngân, arsen, clo, flo... Theo đánh giá của Bộ Công Thương, than antraxit của Việt Nam không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn trên. Do đó, TKV đã phải liên hệ với đối tác ngoài Trung Quốc để xuất khẩu và pha trộn với các chủng loại than khác để tiêu thụ trong nước.
Xét về kỹ thuật của các nhà máy điện hiện đại, chất lượng than tùy thuộc vào công nghệ đốt của mỗi nhà máy. Đơn cử như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, chỉ hoạt động tối ưu khi nguyên liệu than được đốt kiệt và trong thời gian nhanh nhất. Chính vì vậy mà lượng than sản xuất hiện nay có thể đáp ứng đủ về số lượng nhưng không thể đáp ứng về chất lượng cho toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than trong nước.
Hiện nay, than sản xuất trong nước chủ yếu phục vụ cho sản xuất điện, khối lượng than sản xuất trong nước cung cấp cho sản xuất điện chiếm 70-80% lượng tiêu thụ toàn ngành. Ngoài ra, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018, Việt Nam nhập khẩu tới 23,78 triệu tấn than, trong đó chủ yếu là than bitum và á bitum dùng cho sản xuất điện.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, sau khi hàng loạt các nhà máy nhiệt điện than ào ạt ra đời như Mông Dương, Uông Bí, Cẩm Phả (Quảng Ninh), Duyên Hải (Trà Vinh),… hoạt động nhập khẩu than đá của Việt Nam tăng mạnh. Bên cạnh đó, việc nguồn than trong nước đang ngày một cạn kiệt khiến xu thế nhập khẩu than sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới.
Đến năm 2030, lượng than nhập khẩu, phối trộn sẽ gấp đôi lượng than sản xuất trong nước. |
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 xét đến năm 2030 (Quy hoạch phát triển điện VII, theo Quyết định 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ), để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước, năm 2020, nước ta phải có tổng công suất các nhà máy điện đạt 75.000 MW, trong đó, các nhà máy nhiệt điện than chiếm 48% tổng công suất. Mặt khác, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phải đạt 146.800 MW và tỷ trọng của các nhà máy nhiệt điện than được nâng lên 51,6% với tổng công suất lên đến gần 76.000 MW.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020 triển vọng đến năm 2030 tại Quyết định 403/QĐ-TTg, nhu cầu than dành cho nhiệt điện là 64,1 triệu tấn vào năm 2020 và lên đến 131,1 triệu tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, cũng theo quy hoạch trên, sản lượng khai thác than trong nước được tính toán chỉ đạt từ 47 đến 50 triệu tấn vào năm 2020 và 55 đến 57 triệu tấn vào năm 2030. Nhưng số lượng khai thác được không chỉ dùng cho nhiệt điện than mà còn phải dành cho nhiều lĩnh vực khác như luyện kim, xi măng, phân bón và hóa chất.... Riêng 4 nhóm đối tượng trên đã ước tính cần 25,5 triệu tấn than vào năm 2030.
Qua những con số “biết nói” có thể thấy, tổng nhu cầu sản lượng than cả nước vào năm 2030 là gần 157 triệu tấn, trong khi năng lực khai thác trong nước chỉ được tối đa 57 triệu tấn. Do đó, Việt Nam đứng trước việc phải nhập khẩu, phối trộn lượng than tới 100 triệu tấn than – gấp 20 lần hiện nay vào năm 2030.
Bởi vậy, có thể thấy rằng ngành than trong nước đang cần gấp rút đầu tư lớn vào các doanh nghiệp sàng tuyển và phối trộn than. Đây là thời điểm sống còn của TKV để có thể đáp ứng nhu cầu than nguyên liệu trong cả nước cũng như xuất khẩu than ra nước ngoài.
Theo QH 403/2016, nhu cầu vốn đầu tư để phát triển ngành than đến năm 2030 khoảng 269.003 tỷ đồng, bình quân 17.934 tỷ đồng/năm, trong đó giai đoạn đến 2020 bình quân là 19.313 tỷ đồng/năm. Số vốn đó là theo tỷ giá VND/USD cuối năm 2015. Nếu tính theo tỷ giá đầu năm 2019 thì vốn đầu tư bình quân hàng năm sẽ là 19.076 tỷ đồng, riêng cho giai đoạn đến 2020 là 20.543 tỷ đồng/năm. |
Thành Công
| Sản lượng điện nhập khẩu tháng 1/2020 giảm hơn 21% |
| TKV sẽ đấu thầu nhập khẩu than |
| Lợi nhiều mặt |
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Tin tức kinh tế ngày 25/9: Xuất khẩu than tăng mạnh
-
TKV nỗ lực đảm bảo sản xuất trong thời tiết khó lường
-
Tin tức kinh tế ngày 3/9: Dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực
-
Thúc đẩy xây dựng hiệp định mua bán than với Lào