BHXH tự nguyện đang có sự phát triển vượt bậc
Chú trọng "của để dành"
Sau 11 năm triển khai, BHXH tự nguyện có thời điểm gặp khá nhiều khó khăn bởi sự "hờ hững" của không ít người dân. Cụ thể, trong vòng 10 năm đầu thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, từ năm 2008 đến hết năm 2018, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ đạt khoảng 280 nghìn người tham gia.
Chính sách BHXH là lựa chọn tối ưu và an toàn nhất của người dân |
Nếu như năm 2017, chỉ có hơn 200 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện thì đến năm 2018, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 28 cùng với định hướng thực hiện “BHXH toàn dân”, chính sách này đã bứt phá ngoạn mục, toàn quốc đạt trên 277 nghìn người (tăng 23,6% so với năm 2017).
Trong năm 2019, quá trình phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ghi nhận sự đột phá ấn tượng, với số người tăng mới gần 300 nghìn người. Tổng số người tham gia BHXH tự nguyện tới nay đã đạt tới 580 nghìn. Điều đó đồng nghĩa với việc, chỉ trong 1 năm triển khai, số lượng phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã bằng 1,07 lần của cả giai đoạn 10 năm.
Tính riêng năm 2020 (năm đại dịch Covid-19 được đánh giá là cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng nhất của nhiều thập kỷ gần đây, tạo bước thụt lùi trong phát triển kinh tế của tất cả các quốc gia), số người tham gia BHXH tự nguyện trên toàn quốc tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Trong đó, số người tham gia tăng mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người vận động được của 10 năm trước đó...
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện trên cả nước có trên 1,128 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, bằng cả 12 năm trước cộng lại. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, đã có 1.205.961 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 361.220 người (42,76%) so với cùng kỳ năm 2020.
Trước những kết quả vượt bậc này, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá, người tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 đã đạt tỷ lệ 2,31% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa kế hoạch đề ra và gần bằng kế hoạch đến năm 2025 trong Nghị quyết số 28.
Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Chính phủ, Bộ lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), BHXH Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội. Chung nhận định, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá: “Chính sách BHXH tự nguyện đang có sự phát triển vượt bậc. Với những con số đạt được, có thể nói rằng, hai năm vừa qua chúng ta đã phát triển chính sách này gấp mấy lần so với hơn 10 năm trước đó. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng”.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân
Có thể nói, thành công của ngành BHXH Việt Nam trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện đặt trong bối cảnh nhiều khó khăn “khủng hoảng toàn cầu” 2020-2021 có một ý nghĩa đặc biệt. Với số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động, giải thể tăng cao, việc phát triển nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc quy định của Luật BHXH cũng gặp không ít khó khăn.
Trong khi đó, việc tham gia BHXH tự nguyện hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức của người dân, vào mong muốn của nhóm lao động yếu thế (thu nhập thấp, không ổn định, làm việc tại khu vực phi chính thức...) được gia nhập vào hệ thống an sinh xã hội nhân văn này. Tuy nhiên, có lẽ càng trong khó khăn, càng nhìn rõ nguy cơ đe dọa tương lai của mình, họ càng nhận thức sâu sắc hơn việc cần có một điểm tựa an toàn, và lựa chọn chính sách BHXH là lựa chọn tối ưu và an toàn nhất.
Những năm gần đây, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, ấn tượng. Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, với mục tiêu phấn đấu để ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động, chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2018, tạo cơ hội cho mọi người lao động thuộc khu vực phi chính thức đều được tham gia BHXH.
Để đạt được kết quả tăng trưởng BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam xác định “chìa khóa” trong thực hiện hiệu quả công tác này nằm ở việc thay đổi được nhận thức của người dân, người lao động, từ đó chủ động tham gia.
Do đó, BHXH Việt Nam đã không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá: Chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đã ngày càng phát triển, hoàn thiện hơn, phù hợp với sự tiến bộ của xã hội qua từng thời kỳ. Qua 26 năm xây dựng và phát triển, BHXH Việt Nam với trọng trách được Chính phủ giao đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện hiệu quả các chính sách BHXH, BHYT, đảm bảo an sinh cho người tham gia và đạt được nhiều kết quả đáng chú ý.
Mô hình tổ chức hệ thống BHHX, BHYT của BHXH Việt Nam ngày càng được hoàn thiện theo chủ trương của Đảng về cải cách, tinh gọn bộ máy. Công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT.
Các hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam những năm qua đã bám sát nội dung các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT. Qua đó, công tác truyền thông đã trở thành cầu nối để truyền tải, đưa các thông tin về BHXH, BHYT đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân; góp phần nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân, doanh nghiệp trong việc tham gia và hưởng thụ chính sách BHXH, BHYT…
Ngành BHXH đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp truyền thông trực tiếp và truyền thông trực tuyến phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại từng địa phương và xu thế hiện nay. Bên cạnh đó, 26 nghìn hội nghị truyền thông trực tiếp về BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện tổ chức trong năm 2020, thu hút khoảng 1,4 triệu người tham gia; ngành BHXH Việt Nam thực hiện truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội với việc sản xuất, phát hành các sản phẩm truyền thông online.
Đến nay, tổng số kênh truyền thông mạng xã hội Fanpage Facebook, Zalo OA, Youtube của BHXH các tỉnh, thành phố và của cá nhân trong toàn ngành là 6.780 trang, thu hút trên 135 nghìn lượt chia sẻ, tiếp cận thông tin của người dân, người lao động về các chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, ngành BHXH phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, nhóm người truyền thông được hướng đến là nông dân, ngư dân, diêm dân, người lao động trong các làng nghề, xã viên hợp tác xã.
Minh Châu