Ba Lan, Bulgaria bị cắt nguồn cung khí đốt sau "tối hậu thư" của Nga
Nga là nguồn cung khí đốt chính cho châu Âu (Ảnh minh họa: Reuters). |
Reuters đưa tin, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria từ hôm nay 27/4 với lý do các nước này không đồng ý thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp. Phía Bulgaria và Ba Lan đều đã xác nhận thông tin trên.
Công ty khí đốt nhà nước Ba Lan PGNiG cho biết, họ nhận được thông báo rằng, tất cả hoạt động giao khí đốt sẽ bị tạm dừng từ 6h ngày 27/4. Công ty này cũng trấn an, điều này sẽ không làm gián đoạn đến nguồn cung khí đốt cho người tiêu dùng ở Ba Lan do Ba Lan vẫn còn nguồn dự trữ và sẽ được bù đắp từ các nguồn thay thế khác.
Cùng ngày, Bộ Năng lượng Bulgaria cho biết, họ được thông báo việc giao hàng sẽ bị đình chỉ từ 27/4. Các hợp đồng của Bulgaria với Gazprom có thời hạn đến cuối năm nay, tuy nhiên, Bộ Năng lượng Bulgaria cho hay, nước này sẽ không hoàn tất hợp đồng nếu buộc phải thanh toán bằng đồng rúp bởi điều đó có thể kéo theo rủi ro lớn với Bulgaria.
Ba Lan và Bulgaria là hai quốc gia đầu tiên bị Nga cắt nguồn cung khí đốt kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Cũng giống như hầu hết các nước trong Liên minh châu Âu (EU), Ba Lan và Bulgaria phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga, trong đó, Bulgaria phụ thuộc tới 90%.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây leo thang do cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 3 đã ký sắc lệnh yêu cầu các quốc gia, vùng lãnh thổ "không thân thiện" phải thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng rúp từ ngày 1/4. Đây cũng là cách để Nga khôi phục giá trị của đồng nội tệ vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây thời gian qua.
Sau sắc lệnh của Tổng thống Putin, khí đốt của Nga vẫn "chảy" về châu Âu. Lý giải về điều này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các khoản thanh toán cho khí đốt được giao từ ngày 1/4 sẽ đến hạn vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, do vậy, Moscow chưa ngay lập tức cắt nguồn cung. Ông cũng nhấn mạnh, Nga có thể đảo ngược quy định thanh toán bằng đồng rúp "nếu các điều kiện khác xuất hiện" và Moscow không muốn làm khó các đối tác.
Một số khách hàng của Nga phát tín hiệu sẵn sàng thanh toán các hợp đồng khí đốt bằng đồng rúp, trong khi số khác phản đối và cho rằng đây là yêu cầu "vô lý" và họ có thể tìm nguồn cung khác để thay thế.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây leo thang căng thẳng. Mỹ và EU liên tiếp áp các gói trừng phạt nhằm vào Moscow. Mỹ đã cấm vận dầu mỏ và khí đốt Nga từ tháng 3, EU cũng đang thảo luận một lệnh cấm vận tương tự nhưng khó đạt được sự đồng thuận của tất cả thành viên do khu vực này phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Ví dụ, các chuyên gia cảnh báo, nếu bị Nga đột ngột cắt nguồn cung khí đốt, kinh tế Đức có thể suy thoái sâu.
Theo Dân trí
-
Lo ngại bị đối xử thiếu bình đẳng trong dự thảo quy định hoàn thuế GTGT
-
Giá vàng hôm nay (25/10): Tăng trở lại
-
Giá dầu hôm nay (25/10): Dầu thô tăng trong phiên
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 25/10: Nhiều nhà máy lọc dầu ở California cân nhắc đóng cửa
-
Tin tức kinh tế ngày 24/10: Thương mại điện tử 9 tháng tăng gần 38%