An toàn lao động là nhiệm vụ hàng đầu
Năng lượng Mới số 294
Trong năm vừa qua, Trung tâm Cấp cứu mỏ (TKV) luôn phải hoạt động trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt tình hình thời tiết luôn biến động, diễn biến phức tạp khiến cho công việc lao động trong hầm lò gặp nhiều trở ngại. Do điều kiện khai thác hầm lò ngày càng xuống sâu, địa chất phức tạp, công tác quản lý kỹ thuật an toàn còn hạn chế cho nên vẫn còn nhiều sự cố, tai nạn xảy ra. Lao động ngành than luôn bị rình rập bởi ba nguy cơ tai nạn chính: Áp lực mỏ, cháy nổ khí và bục nước.
Trước giờ vào ca
Ðáng lưu ý là một số vụ tai nạn có tính chất lặp lại, phức tạp gia tăng so với năm trước. Nguyên nhân chính xảy ra các vụ tai nạn thương tâm là sự chủ quan của người lao động, nhất là những công nhân trẻ, mới vào nghề. Người lao động thường có tâm lý chủ quan, không chủ động phòng, chống. Công tác an toàn, bảo hộ lao động trong các mỏ than cần được coi trọng, nâng cao hơn nữa, không thể đổ lỗi cho việc chạy theo năng suất, sản lượng. Xác định rõ tầm quan trọng trong công tác an toàn lao động, mới đây, tại buổi lễ triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Tập đoàn, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đặc biệt lưu ý đến công tác an toàn lao động. Phó thủ tướng nhấn mạnh, ngành than phải xác định trách nhiệm cá nhân từ Hội đồng Thành viên, giám đốc các đơn vị. Nhất là trong trong công tác an toàn lao động phải quyết liệt hơn nữa.
Bước sang năm 2014, điều kiện sản xuất của ngành than, nhất là diện khai thác lộ thiên dần thu hẹp khiến việc khai thác hầm lò ngày càng mở rộng và xuống sâu, vì thế các nguy cơ sự cố luôn tiềm ẩn rất lớn và khó lường. Điều này khiến nhiệm vụ đặt ra đối với Trung tâm Cấp cứu mỏ càng trở nên cấp thiết. Để thực hiện phương châm “Phòng hơn chống”, trung tâm luôn coi trọng và đẩy mạnh công tác kiểm tra phòng ngừa sự cố tại các mỏ, phối hợp với các mỏ thỏa thuận kế hoạch thủ tiêu sự cố đạt tỷ lệ 100% kế hoạch đặt ra từng quý. Đồng thời, trung tâm cùng Tập đoàn kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy; an toàn vệ sinh lao động; phòng chống mưa bão định kỳ; phát hiện những sơ hở, thiếu sót, các lỗi vi phạm và nguy cơ mất an toàn để kịp thời đối phó với những tình huống xảy ra bất ngờ.
Bên cạnh việc liên tục kiểm tra phòng ngừa sự cố, trung tâm đã tổ chức nghiêm ngặt chế độ huấn luyện, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị, xe máy… phục vụ tốt yêu cầu công tác cấp cứu mỏ của ngành, địa phương. Các cán bộ, nhân viên thường xuyên được đi thực tế mỏ, nắm bắt công nghệ khai thác hiện đại giảm thiểu rủi ro. Cùng với đó, trung tâm đặc biệt chú trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cấp cứu mỏ chuyên trách cũng như lực lượng cấp cứu mỏ bán chuyên ở các công ty, xí nghiệp ngành than, giúp các mỏ có lực lượng cấp cứu bán chuyên đủ mạnh, sẵn sàng giải quyết sự cố tại chỗ hiệu quả.
Với các vùng sản xuất trọng điểm như Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, lực lượng cấp cứu mỏ luôn được bố trí trực 24/24 nhằm sẵn sàng cao nhất xuất phát đi ứng cứu giải quyết sự cố khi được huy động, đảm bảo nhanh nhất và hiệu quả nhất. Các đội, trạm thường xuyên tổ chức tự báo động kiểm tra ít nhất 4 lần/tháng với các tình huống, sự cố khác nhau để rèn cho các thao tác kỹ thuật cấp cứu mỏ thành thạo và thường xuyên tham gia diễn tập xử lý các tình huống cháy, cứu nạn do Tập đoàn tổ chức để có thêm kinh nghiệm và chủ động ứng cứu kịp thời hiệu quả các tình huống xảy ra trong mọi điều kiện, hoàn cảnh một cách tinh thông. Năm 2013 vừa qua, trung tâm đã tổ chức giải quyết kịp thời một số sự cố: Ngạt khí ở Xí nghiệp Than Cao Thắng, tại lò tư nhân ở địa bàn Công ty Than Hồng Thái… và tổ chức tự rút kinh nghiệm vụ cháy cây xăng số 2 Trần Hưng Đạo - TP Hà Nội để sẵn sàng, chủ động cao nhất khi giải quyết sự cố.
Nói về điều này, ông Phạm Văn Huyên, Bí thư Đảng ủy, kiêm Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ - TKV cho biết: “Bên cạnh việc duy trì các biện pháp đã và đang thực hiện, cũng như các kết quả đạt được, thời gian tới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công nhân viên đơn vị không ngừng nỗ lực rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn. Đội ngũ cán bộ chỉ huy không ngừng tự học, tự nâng cao năng lực, trình độ để điều hành công việc ngày càng hiệu quả; tiếp tục phối hợp với chuyên gia Nhật Bản để xây dựng, huấn luyện, diễn tập các phương án cấp cứu mỏ với các tình huống phức tạp, khắc nghiệt hơn trong thực tế để các đội viên rèn luyện, có đủ bản lĩnh thực hiện cứu hộ khi cần thiết; tiếp tục học tập những kinh nghiệm của Hiệp hội Cấp cứu mỏ quốc tế mà chúng tôi là thành viên để áp dụng vào điều kiện cụ thể của ngành mỏ Việt Nam”.
Theo báo cáo của ngành than, năm 2013, tai nạn lao động (TNLĐ) toàn ngành có giảm so với năm trước 12% về số vụ, số thương vong nhưng vẫn còn ở mức cao với 26 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 30 người. Trong đó, tai nạn trong hầm lò 22 vụ, làm chết 26 người, ngoài lò 4 vụ chết 4 người. Nếu xem xét từ số liệu tổng hợp tại 50 đơn vị trong Tập đoàn, đã để xảy ra 522 vụ TNLĐ làm bị thương 536 người, trong đó, số người bị thương nặng là 289 người, bị thương nhẹ là 217 người, số người chết là 30. Điều đó chứng tỏ, giải pháp tuy nhiều và mạnh nhưng TNLĐ vẫn chưa có dấu hiệu đẩy lùi, thậm chí có nhiều chỉ mục gia tăng. Nhiều đơn vị để xảy ra tai nạn làm nhiều người thiệt mạng. Điển hình như Công ty CP Than Vàng Danh 2 vụ, chết 4 người; Công ty Than Uông Bí 3 vụ chết 5 người. |
Hiền Anh