Xung đột ở Bắc Phi đe dọa nguồn cung khí đốt cho châu Âu
Đường ống dẫn khí Magrheb-Europe. Ảnh: tư liệu. |
Nguồn cung khí đốt thiên nhiên cho thị trường châu Âu hiện nay đang bị thiếu hụt khí đốt từ nhà cung cấp lớn nhất - Liên bang Nga. Ủy ban châu Âu, Đức và cả Tòa trọng tài quốc tế Hague dường như đang tập trung đến các tuyên bố của chính quyền Nga cũng như tin tức hàng ngày về nguồn cung khí đốt qua đường đống Yamal-Europe, cũng như về đường ống North Stream 2. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng khí đốt tại EU còn đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực đến từ cuộc khủng hoảng chính trị giữa Maroc và Algeria. Nguy cơ thiếu hụt khí đốt cho thị trường Nam Âu (nhất là thị trường Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) là rõ ràng.
Trong những tuần gần đây, một cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế và có thể là trong lĩnh vực an ninh đã xảy ra giữa hai quốc gia Bắc Phi là Morocco và Algeria. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ cuộc xung đột Tây Sahara - Mauritania, vốn kéo dài nhiều thập kỷ (từ năm 1975 đến nay). Trong nhiều thập kỷ, Chính phủ Morocco đã kiểm soát khu vực Tây Sahara, chống lại phong trào nổi dậy có vũ trang Polisario, được chính quyền Algeria hậu thuẫn. Hiện tại, Morocco kiểm soát phần lớn khu vực Tây Sahara và coi đây là sở hữu của mình. Cuộc xung đột kéo dài tiếp tục xuất hiện những leo thang mới khi Algeria tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Morocco vào tháng 8/2021. Xung đột cũng lan sang cả lĩnh vực khí đốt.
Nền kinh tế Algeria đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nạn tham nhũng hoành hành, năng lực quản lý kinh tế yếu kém và những mâu thuẫn chính trị nội bộ càng làm trầm trọng thêm tình hình đất nước. Giới lãnh đạo Algeria cũng ngày càng lo lắng về ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng của Morocco trong khu vực. Bất ổn nội bộ xảy ra, đặc biệt là sau cái chết của cựu lãnh đạo Bouteflika, đã gây ra sự hỗn loạn về kinh tế khiến lĩnh vực dầu khí - nguồn thu nhập chính của Algeria suy giảm.
Đường ống dẫn khí Magrheb-Europe (màu vàng). Ảnh: Tư liệu. |
Trong thập kỷ vừa qua, cả Morocco và Algeria đều tích cực chạy đua vũ trang. Cuộc chạy đua vũ trang kết hợp với sự tranh giành quyền lực trong khu vực giữa hai quốc gia này, thậm chí là có sự tham gia của cả các quốc gia Vùng Vịnh đã khiến tình hình ngày càng leo thang và khó kiểm soát hơn. Cho đến nay, giới chuyên gia đánh giá, cuộc xung đột này vẫn chưa có tác động lớn đến EU. Ủy ban châu Âu, Chính phủ Tây Ban Nha và một số thành viên EU khác luôn theo dõi tình hình cuộc xung đột và những diễn biến trong nội bộ của cả Morocco và Algeria. Diễn biến phức tạp mới đây nhất là việc Algeria quyết định đóng cửa đường ống dẫn khí đốt Maghreb-Europe của công ty dầu khí nhà nước Sonatrach vào ngày 01/11 vừa qua (đường ống dẫn đi qua thành phố Tangier, Morocco) theo lệnh của Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune.
Quyết định trên được đưa ra sau khí phía Morocco từ chối đầu tư vào phần đường ống xuất khẩu khí đốt của mình, trong khi vẫn lấy một phần khí đốt trong đường ống để phục vụ mục đích riêng. Bên cạnh đó, Morocco cũng sử dụng nguồn khí đốt này để sản xuất khoảng 12% sản lượng điện năng của mình. Việc đường ống bị đóng khiến Tây Ban Nha bị ảnh hưởng trực tiếp. Mặc dù Tây Ban Nha được biết đến là nước sản xuất NLTT lớn (chủ yếu là điện gió và điện mặt trời), quốc gia này vẫn dựa vào khí đốt thiên nhiên để đảm bảo cho gần 50% nhu cầu năng lượng của mình. Phần lớn trong số đó được cung cấp qua đường ống Maghreb-Europe. Tuy nhiên, giới cầm quyền Algeria cho rằng, đường ống dẫn khí mới Medgaz (công suất 8 tỷ m3/năm) sẽ là sự thay thế hợp lý, cho phép nước này loại bỏ các bên trung gian và loại bỏ vai trò trung chuyển khí đốt của Morocco.
Trước việc Algeria từ chối gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt qua Morocco, phía Tây Ban Nha đã tính đến các giải pháp bổ sung thêm nguồn khí đốt khác. Giải pháp đầu tiên là tăng cường nhập khẩu LNG, nhưng việc cạnh tranh mua LNG trên thị trường giao ngay không hề dễ dàng. Các nhà nhập khẩu Tây Ban Nha phải cạnh tranh với những khách hàng châu Âu và châu Á khác, những người sẵn sàng trả giá cao để nhập các chuyến hàng LNG bổ sung. Giải pháp thứ hai là nhập khẩu khí đốt từ các quốc gia EU khác. Tuy nhiên, bán đảo Iberia (Tây Ban Nha) không có kết nối đủ mạnh với mạng lưới khí đốt của châu Âu. Nguồn cung cấp khí đốt thiên nhiên từ Algeria vẫn là nguồn chính và là lựa chọn khả thi nhất hiện nay. Sản lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống Magrheb-Europe đến Tây Ban Nha là khoảng 6 tỷ m3/năm (bằng 50% công suất chung của đường ống). Việc bù đắp công suất nêu trên sau khi đường ống này bị đóng là một thách thức rất lớn.
Do đó, giải pháp khác duy nhất là tăng công suất vận chuyển của đường ống dẫn khí Medgaz. Đường ống Medgaz đã đi vào vận hành 10 năm qua và thuộc sở hữu của Nhà nước Algeria và công ty năng lượng Naturgy (Tây Ban Nha) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 51% và 49%. Thông thường, Medgaz cung cấp khoảng 25% sản lượng khí đốt thiên nhiên cho Tây Ban Nha. Trong điều kiện hiện nay, phía Algeria đã cam kết tăng công suất vận hành của đường ống này từ 8 lên 10 tỷ m3 mỗi năm. Nước này vẫn cần thêm công suất khoảng 4 tỷ m3 nữa để bù đắp hoàn toàn cho đường ống Magrheb-Europe. Một hướng bổ sung khí đốt nữa là chuyển một số LNG xuất khẩu của Algeria sang Tây Ban Nha. Tuy nhiên, giá của những lô LNG giao ngay chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với giá khí đốt đường ống.
Từ những phân tích trên có thể thấy, tác động tổng thể từ cuộc xung đột giữa Morocco và Algeria là đáng kể. Nguồn khí đốt thiên nhiên không chỉ được sử dụng để sưởi ấm hoặc trong công nghiệp, mà còn là nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện khí chu trình hỗn hợp, vốn tạo ra khoảng 30-33% sản lượng điện năng của Tây Ban Nha. Trữ lượng khí đốt chiến lược hiện có của Tây Ban Nha cũng có hạn. Theo Bộ trưởng năng lượng của nước này Teresa Ribera, Tây Ban Nha có trữ lượng khí đốt thiên nhiên tương đương với 43 ngày tiêu thụ. Bộ năng lượng Tây Ban Nha cũng kỳ vọng Algeria sẽ bổ sung nguồn cung khí đốt lớn hơn cho nước này trong trường hợp cần thiết.
Theo Oilprice, thị trường đang bày tỏ sự hoài nghi về năng lực sản xuất dầu khí của Algeria hiện nay. Sự thiếu minh bạch trong ngành dầu khí nước này là đáng báo động, trong khi năng lực sản xuất nói chung đang chịu nhiều áp lực. Một số chuyên gia thị trường còn cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện tại ở Algeria có thể là một cách để nước này che dấu những hạn chế về nguồn cung, cũng như sự thiếu hụt sản lượng khí đốt cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, phía Algeria bày tỏ sự tự tin khi tuyên bố nhắm tới 30% thị phần khí đốt ở Liên minh châu Âu. Trước đó vào ngày 02/10, Bộ trưởng năng lượng Algeria Mohamed Arkab cho biết, tham vọng của Algeria là tăng cường hơn nữa sự hiện diện của mình trên thị trường EU bằng cách gia tăng sản lượng khí đốt xuất khẩu. Giới thị trường bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng này của Algeria trong vòng 2-5 năm tới, mặc dù Algeria đang sản xuất khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày; khai thác 130 tỷ m3 khí đốt mỗi năm và trở thành nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất châu Phi.
Tiến Thắng
-
Châu Phi đã “nhanh tay” giành thị trường khí đốt châu Âu như thế nào?
-
Công nhân LNG của Chevron chuẩn bị tổng đình công 2 tuần
-
Thị trường năng lượng thế giới sôi động trong tuần Tết
-
Thị trường khí đốt châu Âu dậy sóng khi Nga "siết" nguồn cung
-
Căng thẳng Châu Âu gia tăng do các biện pháp cấm vận và trả đũa về khí đốt
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới
-
Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ