Xuất nhập khẩu của Việt Nam vào châu Mỹ tăng mạnh
Nửa đầu tháng 10, nhập siêu gần 400 triệu USD |
Tổng trị giá hàng hoá xuất nhập khẩu tăng mạnh trong nửa cuối tháng 9 |
Việt Nam xuất siêu 5,57 tỷ USD trong nửa đầu tháng 9 |
Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, hết tháng 9, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Mỹ đạt 70,72 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2018, là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu lục này đạt 54,02 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ 2018; chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Xoài Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ |
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch từ châu Mỹ đạt 16,7 tỷ USD, tăng 10,6% và chiếm 8,9% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Đáng chú ý, ở châu Mỹ, Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 44,65 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 22,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nếu tính riêng thị trường châu Mỹ, Mỹ chiếm gần 83% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu lục này.
Theo thống kê 9 tháng đầu năm, cả nước chi 10,69 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ, tăng 12% so với cùng kỳ 2018.
Tương tự, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (65,3%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu trong 9 tháng qua giữa Việt Nam với khu vực châu Á đạt 249,71 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó trị giá xuất khẩu là 99,33 tỷ USD, tăng 3,3% và trị giá nhập khẩu là 150,38 tỷ USD, tăng 8,5%.
Tại châu Á, các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN. Trong đó, thị trường Trung Quốc đạt gần 84 tỷ USD (Việt Nam xuất khẩu 28,25 tỷ USD, nhập khẩu 55,43 tỷ USD). Hàn Quốc đạt trên 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 14,8 tỷ USD và nhập khẩu 35,3 tỷ USD.
Thị trường Nhật Bản đạt hơn 29 tỷ USD với kim ngạch khá cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu với các con số lần lượt là 14,99 tỷ USD và 14,18 tỷ USD.
Gần 43 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực ASEAN trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, xuất khẩu là 19,18 tỷ USD, nhập khẩu là 23,77 tỷ USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: Châu Âu đạt 49,19 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái; châu Đại Dương đạt 7,16 tỷ USD, tăng 5,7% và châu Phi đạt 5,38 tỷ USD, giảm 2,7%.
Nhìn vào cơ cấu xuất nhập khẩu những tháng đầu năm có thể thấy, Việt Nam chịu thâm hụt lớn với các bạn hàng ở châu Á, trong khi đạt thặng dư thương mại lớn với châu Mỹ và nhiều thị trường còn lại.
Tuy nhiên, con số lạc quan về xuất nhập khẩu như vậy chủ yếu lại thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…
Theo Tổng cục Hải quan, riêng tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của giới doanh nghiệp FDI đạt 29,22 tỷ USD. Qua đó, nâng tổng kim ngạch trong 9 tháng đầu năm lên 242,28 tỷ USD, tăng 5,1%, tương ứng tăng 11,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 63,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong 9 tháng đầu năm đạt 133,42 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 68,5%.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 108,85 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 58% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. 9 tháng đầu năm 2019 đạt con số xuất siêu 24,57 tỷ USD.
Nguyễn Hưng
-
Tin tức kinh tế ngày 28/10: Tín dụng bất động sản chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế
-
Không khoan nhượng trong “cuộc chiến” thương mại điện tử
-
190 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024
-
Tổng thống Putin: Nga không từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu
-
Tin Thị trường: Giá dầu giảm sốc phiên đầu tuần