Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Không khoan nhượng trong “cuộc chiến” thương mại điện tử

20:22 | 28/10/2024

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thương mại điện tử, nền tảng giải trí… là những lĩnh vực đang phát triển nóng tại Việt Nam trong những năm gần đây với doanh thu và lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng. Bởi vậy các lĩnh vực này đang trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ xâm nhập, bất chấp sự cảnh báo của cơ quan chức năng Việt Nam.

Temu “đại náo” thị trường Việt Nam

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, vừa yêu cầu Temu - sàn thương mại điện tử giá rẻ Trung Quốc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và trong trường hợp cần thiết, có thể có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.

thương mại điện tử
Việc Temu hoạt động tại Việt Nam là sự xâm lược trắng trợn trong hoạt động thương mại điện tử.

Các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… thời gian qua đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng trong nước và trở thành chủ đề nóng trên nhiều nền tảng xã hội lẫn các hội nhóm. Tuy nhiên, nhiều nền tảng chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương, theo văn bản công bố ngày 26/10 về đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Với Temu - nền tảng thương mại điện tử đến từ Trung Quốc mới vào thị trường Việt Nam gần đây, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu, yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Trong trường hợp cần thiết, Cục này có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp. Bộ Công Thương yêu cầu cần giải quyết vấn đề liên quan đến Temu như trên trong tháng 10/2024.

Ngoài ra, trong tháng này, Bộ cũng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688 nói riêng.

Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng giao Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.

Công ty iQIYI ngang nhiên hoạt động dù đã bị cảnh báo

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng vừa phát đi yêu cầu Công ty iQIYI tuân thủ nghiêm quy định pháp luật Việt Nam về hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên nền tảng xuyên biên giới iQIYI.

thương mại điện tử
Công ty iQIYI vẫn ngang nhiên hoạt động kinh doanh tại Việt Nam dù đã được cảnh báo từ cơ quan chức năng Việt Nam.

Ngày 28/4/2023, Công ty iQIYI có văn bản báo cáo Bộ Thông tin & Truyền thông về việc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam về phát thanh, truyền hình. Theo đó, công ty đã gỡ bỏ hoàn toàn các nội dung không phải là phim trên dịch vụ iQIYI cung cấp tại Việt Nam, không cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền và chuyển sang việc cung cấp dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam theo quy định pháp luật về điện ảnh.

Tuy nhiên, mới đây qua công tác giám sát, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phát hiện, dịch vụ iQIYI tái diễn việc cung cấp các chương trình truyền hình, không thực hiện đúng quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Trong buổi làm việc với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Công ty iQIYI cam kết không để xảy ra tình trạng tương tự và nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên nền tảng xuyên biên giới.

Đồng thời, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng yêu cầu các doanh nghiệp/ nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật của Chính phủ Việt Nam.

Đừng để "tiền mất, tật mang" khi mua sắm từ các nền tảng xuyên biên giới

Vừa qua, Cộng đồng An ninh mạng Việt Nam (WhiteHat.vn) cũng đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ mất thông tin và tài khoản cá nhân khi mua sắm từ các nền tảng xuyên biên giới… Theo WhiteHat.vn, gần đây, nhiều nền tảng TMĐT xuyên biên giới đã tiến hành các hoạt động kinh doanh khá rầm rộ, thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng tại Việt Nam.

thương mại điện tử
Người dân cần luôn nâng cao cảnh giác khi mua sắm trên không gian mạng.

Các sàn này tung ra nhiều chương trình mua/bán hàng hấp dẫn, giới thiệu 1 số mô hình hoa hồng nhiều cấp để khuyến khích nhiều người tiêu dùng Việt Nam tham gia. Khi một thành viên mới tham gia và mua hàng thông qua đường link cụ thể, người giới thiệu sẽ được số tiền nhất định. Thêm vào đó, cả người giới thiệu bậc trên cũng được nhận thêm 20% hoa hồng.

Việc người tiêu dùng dễ dàng nhấp vào đường link sẽ tạo cơ hội để tin tặc cài sẵn mã độc và thực hiện một số hành vi lừa đảo nhắm đến người tiêu dùng.

Do đó, WhiteHat.vn khuyến cáo người tiêu dùng cần đề phòng các đường link, website giả mạo. Cụ thể, tin tặc có thể tạo ra các đường link có tên miền nhái hoặc giao diện nhái với sản phẩm mới, gửi cho người tiêu dùng với những lời chào mừng hấp dẫn, nhằm dụ người tiêu dùng cung cấp thông tin nhạy cảm như tên đăng nhập, mật khẩu, hoặc thông tin thẻ tín dụng.

Một khi người dùng cung cấp thông tin, tin tặc có thể sử dụng chúng để xâm nhập vào các tài khoản hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo tài chính.

Bên cạnh đó, kẻ lừa đảo có thể yêu cầu nạn nhân cài ứng dụng qua các liên kết được chia sẻ, dẫn người dùng đến các chợ không chính thống, cài đặt mã độc và chiếm quyền điều khiển điện thoại người dùng. Từ đó, chúng âm thầm thu thập thông tin, điều khiển điện thoại, chiếm đoạt tài khoản, tiền, thậm chí mã hóa dữ liệu tống tiền.

Đặc biệt, WhiteHat.vn khuyến cáo người tiêu dùng: Mời gọi đầu tư, nhập hàng để hưởng hoa hồng cao, thực chất là các chương trình lừa đảo hoặc không tồn tại, dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền rồi cắt liên lạc.

Để phòng tránh việc mất tiền/thông tin cá nhân, các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người tiêu dùng cần: Nâng cao cảnh giác, phòng tránh các nguy cơ an ninh mạng từ những liên kết mời gọi hoặc sản phẩm công nghệ mới.

Kiểm tra tính hợp pháp của liên kết: Trước khi nhấp vào bất kỳ liên kết nào, hãy kiểm tra nguồn gốc, xác minh xem liên kết có phải từ nguồn đáng tin cậy hay không; Sử dụng phần mềm bảo mật bằng việc cài đặt phần mềm diệt virus và các công cụ bảo mật khác để bảo vệ thiết bị khỏi phần mềm độc hại; Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài chính, đặc biệt thông tin thẻ tín dụng qua các liên kết không rõ ràng hoặc các trang web không bảo mật.

Tùng Dương