Vinacomin tăng tốc cuối năm
Khó khăn vẫn chưa dừng lại
Tháng 7 và 8/2013, xuất khẩu than đạt quá thấp, cả Tập đoàn xuất khẩu than chưa được 300 ngàn tấn/tháng. Vấn đề này dư luận cũng đã bàn nhiều về việc Chính phủ đột ngột tăng thuế xuất khẩu than từ 10% lên 13% khiến cho nhiều hợp đồng mua than bị đình trệ. Từ tháng 9, Chính phủ đã điều chỉnh thuế xuất khẩu xuống mức 10%. Nhưng nhiều chuyên gia nhận định, thời gian đã quá trễ cho năm kế hoạch 2013. Do vậy, hiện nay lượng than tồn kho đã lên tới 7,9 triệu tấn. Nếu cứ theo tình hình này, dự kiến kết thúc năm, lượng than tồn kho có thể lên đến gần 10 triệu tấn. Tập đoàn phải chỉ đạo một số đơn vị kho vận mở rộng kho để cố gắng bằng mọi giá, duy trì sản xuất đảm bảo việc làm cho người lao động, nhất là đội ngũ thợ lò.
Thợ lò làm việc trong mỏ vất vả nhưng cũng có nguy cơ mất việc làm
Theo tổng hợp tình hình sản xuất, tháng 8/2013, sản xuất 2,8 triệu tấn than nguyên khai, bóc 14 triệu m3 đất đá, đào 27.000m lò, trong đó có 3.800m lò xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, công tác tiêu thụ chỉ đạt 1,9 triệu tấn, trong đó chủ yếu là than bán trong nước, than xuất khẩu chỉ đạt 280.000 tấn. Riêng trong tháng 7, xuất khẩu chỉ đạt 235.000 tấn. Đây là mức tiêu thụ thấp nhất nhiều năm gần đây. Dự kiến, tháng 9/2013, toàn Tập đoàn điều hành sản xuất 3,2 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ phấn đấu đạt 2,9 triệu tấn.
Theo đánh giá của lãnh đạo Tập đoàn, mặc dù Tập đoàn đã sớm có nhìn nhận, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, song vẫn không lường hết được diễn biến và sức tác động ghê gớm của tình trạng suy thoái kinh tế thế giới và trong nước mà trực tiếp là thị trường tiêu thụ than và các sản phẩm khoáng sản khác. Trong nước, các hộ tiêu thụ lớn như: điện, xi măng, vật liệu xây dựng… đều giảm sản xuất, dẫn đến lượng tiêu thụ than trong nước giảm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng than tồn kho và những khó khăn trước mắt của Vinacomin chỉ là tạm thời. Để đảm nhận tốt vai trò là một trong ba trụ cột an ninh năng lượng quốc gia đòi hỏi Tập đoàn phải có những bước đột phá mới đảm bảo đủ sản lượng than cho Quy hoạch điện VII mà Chính phủ đã phê duyệt.
Những giải pháp tình thế
Để CBCNV hiểu được những khó khăn, có thái độ và hành động ứng xử đúng, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Điều hành Tập đoàn đã có nghị quyết để quán triệt trong đảng viên, CBCNV từ cơ quan Tập đoàn cho đến các đơn vị thành viên; đồng thời phân công lãnh đạo đến từng đơn vị để tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, thợ lò và người lao động. Thực tế trên cũng “buộc” Tập đoàn phải giảm sản lượng, cắt giảm quyết liệt chi phí và những hạng mục đầu tư chưa thực sự cấp bách, san sẻ việc làm, giảm thu nhập…
Vinacomin đã vận động toàn thể người lao động phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” cùng nhau vượt khó được đông đảo CBCNV hưởng ứng và đồng thuận. Đồng thời Vinacomin đồng loạt triển khai nhiều giải pháp điều hành linh hoạt để sản xuất phù hợp với tiêu thụ. Tại các đơn vị đã triển khai giảm bóc đất đá, thực hiện các giải pháp giảm ngày làm việc, bố trí làm việc luân phiên, giải quyết cho người lao động nghỉ phép, giảm và dừng hẳn thuê ngoài.
Vinacomin đã triển khai nhiều giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, vật tư, động lực… nhằm tối đa đảm bảo thu nhập cho người lao động. Về tiết kiệm điện năng, Vinacomin áp dụng các giải pháp để giảm các tổn hao kỹ thuật trong khâu phân phối và cung cấp điện năng như đưa điện áp truyền tải cao đến gần hơn các cực phụ tải; thiết bị tự động điều chỉnh điện áp dưới tải, các biến áp tự chỉnh áp; hạn chế vận hành các trạm bơm nước vào giờ cao điểm, ưu tiên vận hành bơm nước vào giờ thấp điểm; thay động cơ không đồng bộ có tải thấp bằng động cơ có công suất bé hơn; lắp đặt biến tần, khởi động mềm cho các động cơ điện…
Trong những tháng cuối năm này, Vinacomin chỉ đạo các đơn vị tiếp tục kiểm soát chặt chẽ sản xuất, tập trung đào lò, củng cố thiết bị; đẩy mạnh tiêu thụ những loại than còn đang tồn kho lớn; khuyến khích các đơn vị tăng sản lượng tiêu thụ so với kế hoạch điều hành đồng thời ưu tiên tiêu thụ than của các đơn vị có giá thành thấp, nhằm đảm bảo cân đối tài chính trong Tập đoàn. Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, số lượng giao cho khách hàng để tránh tối đa những khiếu nại. Vinacomin chỉ đạo các đơn vị chỉ sản xuất các loại than cám từ 6b trở lên, không sản xuất các chủng loại than có phẩm cấp thấp. Ngoài ra, Vinacomin cũng quan tâm đặc biệt đến công tác an toàn lao động. Tập trung kiểm tra, đôn đốc công tác an toàn. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan địa phương thực hiện tốt quản lý khai thác, bảo vệ ranh giới mỏ, đảm bảo an ninh trong quản lý khai thác, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ than.
Theo nhiều chuyên gia, một mình Vinacomin không thể giải quyết được hết mọi vấn đề. Các bộ, ngành, địa phương và cả xã hội không thể thờ ơ. Cần phải có sự chung tay, giúp sức của cả hệ thống chính trị. Vấn đề đặt ra là muốn tháo gỡ thì giá than phải bán theo giá thị trường. Mặt khác, ngành than phải tìm mọi cách tăng cường hàm lượng xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ lượng than có nhiệt lượng thấp và đầu tư cơ giới hóa đẩy mạnh năng suất, người lao động hầm lò được quan tâm, chăm lo hơn nữa.
Về phía nhà nước, các chuyên gia nhấn mạnh, cần hỗ trợ Vinacomin bằng nhiều cách như phát hành trái phiếu, vốn ODA hoặc các nguồn vốn khác để ngành than đầu tư xây dựng mỏ mới, mở rộng các mỏ than cũ, phát triển nguồn nhiệt điện mà Chính phủ giao cho trong Tổng sơ đồ điện VII đến năm 2020 là than phải đáp ứng 65 triệu tấn. Đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, tạo mọi điều kiện thuận lợi cấp đầy đủ giấy phép theo chủ trương của Chính phủ để ngành than triểu khai, mở rộng, thăm dò khai thác…
Nguyễn Kiên