Vinacomin: Ổn định sản xuất, đón đầu giai đoạn mới
Giảm xuất khẩu, hướng tới nội địa
Như vậy, nút thắt lớn nhất với riêng ngành than - khoáng sản đã được tháo gỡ. Vấn đề là hướng đi tiếp theo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sẽ ra sao, thực hiện thế nào trong giai đoạn quá độ đón đầu nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới?
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang là hộ tiêu thụ than lớn nhất của thị trường nội địa. Trong quy hoạch điện VII có điều chỉnh, từ sau 2018, nguồn điện huy động từ thủy điện sẽ giảm dần (nguồn đặt đã hết - PV) trong khi nhiệt điện tăng nhanh, từ 25% hiện tại lên trên 50% tổng công suất hệ thống. Và khi nhiệt điện khí hiện mới chỉ triển khai trong nội bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì đương nhiên nhiệt điện than vẫn không thể né tránh vị trí tiên phong trong tương lai gần. Từng đó than phục vụ quả là điều không đơn giản khi thời điểm 2018 không còn xa.
Lạc quan thợ lò
“Đến 1/8 vừa rồi, các cơ quan chức năng mới quyết định điều chỉnh giá than bán cho điện. Giá bán mới đã đạt 100% giá thành (trước đó chỉ bằng 86%) sản xuất năm 2013. Đó là thông tin dù muộn nhưng hết sức phấn khởi, bởi yếu tố thị trường đã được trả lại cho giá than và giá điện. Điều này giúp khả năng tài chính của Vinacomin được cải thiện và cơ hội đón đầu nhu cầu của nền kinh tế quốc dân trong thời gian tới cũng sáng sủa hơn”, Phó tổng giám đốc, người phát ngôn Vinacomin Nguyễn Văn Biên khẳng định. Xác định rõ thời điểm sau 2018, khi công suất từ các nguồn huy động từ các nhà máy nhiệt điện than tăng nhanh theo chỉ đạo của Chính phủ, nguồn than cung cấp từ Vinacomin sẽ buộc phải tăng lên gấp rưỡi hiện tại.
“Để tăng năng suất từ 40 lên 60 triệu tấn than/năm, không có cách nào khác ngoài việc tăng chậm, chắc. Tăng công suất cũng như bước lên cầu thang vậy, từng bước từng bước một. Sau 40 sẽ là 45, 50 rồi nâng dần lên 55, 60 triệu tấn. Nếu ai đó nói đầu tư mạnh cho Vinacomin năm sau tăng gấp rưỡi năm trước là không đúng”, Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Biên đặt vấn đề. Còn nhớ, suốt một thời gian dài, giá than bán cho điện chỉ đạt 50%, cùng lắm 60% giá thành sản xuất. Tình hình đó khiến ngành than buộc phải khai thác “cố”, nhằm có một lượng dôi dư phục vụ xuất khẩu nhằm bù vào chi phí.
Riêng với xuất khẩu, thông tin của Vinacomin cũng cho hay, sau khi hạn chế từ giữa năm vì không được giá (thuế xuất khẩu tăng), phần lớn khách hàng truyền thống của Tập đoàn đã chuyển hướng sang Indonesia, Nga, Mông Cổ, Triều Tiên, Ukraina... Thực tế đó chứng tỏ, vị trí của Vinacomin trên bản đồ xuất khẩu than thế giới cũng không phải ghê gớm lắm, xuất khẩu than không thể là cái cớ để Vinacomin làm cao với Chính phủ như ai đó ác mồm. Bản thân lãnh đạo Vinacomin cũng xác định, nếu thị trường nội địa tiêu thụ trọn vẹn lượng than sản xuất, đồng thời giá bán được định đoạt theo thị trường thì Tập đoàn này cũng chẳng dại gì mang nguyên liệu thô “hiến” cho nước ngoài, rồi giơ đầu chịu báng. Vấn đề là xuất khẩu vào lúc này cũng có 2 mặt của nó. Ngoài việc tiêu thụ nốt phần than tồn kho, dôi dư, xuất khẩu còn mang lại nguồn ngoại tệ cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt năm nay khi thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, đương nhiên lượng ngoại tệ có được từ xuất khẩu than nghiễm nhiên được coi là bù đắp quan trọng cho thiếu hụt đó…
Giữ chân thợ lò bằng niềm tin
Như vậy, sau khi giá than cho điện đã được giải quyết thì vấn đề lớn nhất của Vinacomin hiện tại là giữ vững nhịp sản xuất, ổn định tinh thần công nhân, đặc biệt là công nhân hầm lò để sẵn sàng tăng tốc sau khi ổn định nguồn lực.
Trong buổi họp báo quý III/2013 mới đây, Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Biên không ngại công khai mức thu nhập trung bình 7,2 triệu đồng/tháng/người lao động toàn Tập đoàn. Theo tìm hiểu thực tế, từ cách đây 2 năm, 10 triệu/tháng không còn là mức lương mong chờ của công nhân hầm lò nữa rồi. Bằng chứng là người Quảng Ninh vào làm việc trong ngành than khoảng 5 năm gần đây dường như đã “vắng bóng”. Thợ lò tuổi nghề ngắn, nguy hiểm bủa vây, bệnh nghề nghiệp rình rập… nếu không trả được một mức lương “đảm bảo cuộc sống” thì quả khó nói đến chuyện họ gắn bó với công việc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sức ép khai thác với công suất năm sau cao hơn năm trước thực chất là do lịch sử để lại. Bản thân lịch sử ngành than lại chịu nhiều thiệt thòi từ chính… chính sách bù giá cho điện. Nguyên Tổng giám đốc Đoàn Văn Kiển từng tâm sự, là người đứng đầu ngành, liệu có đồng chí nào có thể ngẩng cao đầu nếu thu nhập của công nhân ngành mình tụt dần đều không? Với anh em ngành than, ông cũng như vậy, ông không thể “lờ” đi đời sống công nhân khi đó là mối quan tâm hàng đầu của nhiều thế hệ lãnh đạo.
“Giá than bán cho điện được “định hướng” suốt một thời gian dài, chỉ dao động từ 50, cùng lắm là 60% giá thành sản xuất. Trong khi gần 10 vạn con người ngành than luôn là trụ cột gia đình, kéo theo sau lưng gần nửa triệu người tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi lấy đâu làm nguồn bù, nếu đó không phải xuất khẩu than? Ngành than không có lỗi khi vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa phải gồng mình lo an sinh xã hội cho 40% dân số địa phương. Trong 20 năm làm Tổng giám đốc rồi Chủ tịch HĐQT, tôi chưa thấy ngành điện than vãn lấy một ngày vì không đủ than đốt điện cho các nhà máy của họ! Đừng nói đến chuyện lấy thu nhập của anh em để đánh đu với thị trường! Họ xả than vì ngành, làm ra thật nhiều than phục vụ phát triển, họ phải được hưởng những gì tốt nhất” - ông Kiển thể hiện quan điểm một cách mạnh mẽ.
7,2 triệu đồng/tháng là mức lương bình quân 14 vạn người lao động ngành. Quan điểm phát triển chính sách thu nhập của Vinacomin là ưu tiên tối đa cho lực lượng lao động sản xuất trực tiếp, giảm dần khu vực gián tiếp cả về số lượng lẫn mức lương. Giữ gìn lao động cũng chính là gìn giữ sự nghiệp sản xuất than.
Tùng Kiên