Vì sao ngành công nghiệp vật liệu xây dựng xuống dốc?
Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp VLXD Việt Nam” do Hội VLXD Việt Nam tổ chức tại TP HCM tuần qua.
TS. Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam nhận định: Cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo theo ngành VLXD “tụt dốc”. Lượng hàng tiêu thụ nội địa liên tục giảm, hầu hết các doanh nghiệp không khai thác hết năng lực sản xuất. Cụ thể như: xi măng chỉ sản xuất dưới 80%, gốm sứ dưới 70%, kính xây dựng dưới 50%, vật liệu không nung dưới 55%... công suất.
Ngoài ra, không ít doanh nghiệp gặp khó phải dừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, thua lỗ và phá sản. Trước tình trạng sụt giảm tiêu thụ trong nước, có doanh nghiệp tìm đường xuất khẩu ra nước ngoài nhưng do tổ chức chưa tốt nên hiệu quả xuất khẩu chưa cao.
Cần quy hoạch phát triển ngành VLXD
Có thể nói, ngành VLXD đang trong cơn khủng hoảng mà nguyên nhân không chỉ khách quan từ khủng hoảng chung của nền kinh tế và bất động sản mà trong đó còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan khi ngành phát triển chưa theo quy hoạch, “trên định hướng một đường, dưới đi một nẻo”. Hiện nay, một số địa phương có đưa ra quy hoạch phát triển nhưng phần lớn chồng chéo với quy hoạch của Trung ương.
Ngoài ra, bên cạnh các nhà máy quy mô lớn, công nghệ tiên tiến thì phần lớn các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng đều có công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu tốn nhiều năng lượng, tiêu hao nhiều nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đổi mới sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, giá cả chưa cạnh tranh với hàng nhập khẩu…
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, ngành công nghiệp VLXD muốn tồn tại và phát triển bền vững cần đầu tư phát triển theo quy hoạch trên cơ sở cân đối cung cầu thị trường trong nước và thế giới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến công nghệ mới trong ngành VLXD hiện nay như: sử dụng VLXD không nung thay thế gạch đất sét nung; triệt để sử dụng chất thải công nghiệp, chất thải dân dụng làm nhiên liệu, nguyên liệu sản xuất giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Và cuối cùng, để phát triển bền vững, cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước trong ban hành cơ chế, chính sách quy hoạch phát triển để triển khai thực hiện.
Trong các giải pháp trên, TS. Lương Đức Long - Viện trưởng Viện VLXD Bộ Xây dựng nhấn mạnh đến giải pháp quy hoạch. Vì theo ông, ngành VLXD là ngành sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, quá trình sản xuất dễ gây tác động xấu đến môi trường. Do đó, rất cần quy hoạch phát triển chung của ngành, của các địa phương và quy hoạch phát triển cho một số loại sản phẩm VLXD nhất định.
Mai Phương
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Bài cuối: Động lực để phát triển lên tầm cao mới
-
Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học
-
Đà Nẵng đề xuất điều chỉnh quy hoạch Khu bến cảng Liên Chiểu
-
Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao tầm nhìn đến năm 2045
-
Tin tức kinh tế ngày 22/10: Nhập khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh
-
[Infographic] Ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam
-
Qatar phải cạnh tranh với các nhà cung cấp LNG linh hoạt
-
Xem xét bỏ phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc