Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao tầm nhìn đến năm 2045
Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc
Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định và nhu cầu thực tiễn; bảo đảm công bằng trong tham gia, hưởng thụ của nhân dân các vùng, khu vực trong cả nước; bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm liên kết vùng và liên kết với các kết cấu hạ tầng khác trong phạm vi lãnh thổ.
Mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia được phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ của nhân dân; yêu cầu tập luyện và thi đấu đạt chuẩn quốc tế đối với các môn thể thao trọng điểm, có mục tiêu giành huy chương châu lục, thế giới; đủ điều kiện tổ chức các sự kiện thể thao có quy mô lớn ở khu vực và châu lục.
Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao. Hình thành các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ học tập, rèn luyện suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia. (Ảnh: Internet) |
Tầm nhìn đến năm 2045, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia phát triển cân đối, phân bố không gian hợp lý, trở thành thương hiệu, đại diện cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc; hình thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, có tính biểu tượng cho Việt Nam hội nhập trong thế kỷ XXI, trở thành những dấu ấn lịch sử và di sản dành cho tương lai.
Hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm gắn với các đô thị quan trọng của quốc gia và vùng tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ; tạo lập sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp; đăng cai tổ chức thành công Đại hội thể thao châu Á.
Nghiên cứu, xây dựng mới 2 bảo tàng quốc gia
Quy hoạch đặt ra phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia gồm: Mạng lưới bảo tàng; mạng lưới thư viện; mạng lưới cơ sở điện ảnh; mạng lưới cơ sở nghệ thuật biểu diễn; mạng lưới cơ sở triển lãm văn hóa, nghệ thuật; mạng lưới trung tâm văn hóa ở trong nước; trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật; làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa.
Trong đó, về mạng lưới bảo tàng, hoàn thiện và mở rộng mạng lưới bảo tàng với hạt nhân là các bảo tàng quốc gia. Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa các tài liệu, hiện vật, bảo vật quốc gia, tăng cường kết nối, liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các bảo tàng quốc gia với bảo tàng chuyên ngành và các bảo tàng cấp tỉnh. Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động để xây dựng bảo tàng thành trung tâm thông tin về khoa học, văn hóa, lịch sử và điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách tham quan và trải nghiệm.
Nghiên cứu, xây dựng mới 2 bảo tàng quốc gia (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) và một số bảo tàng chuyên ngành, như: Bảo tàng Tiền Việt Nam, Bảo tàng Kiến trúc Việt Nam, Bảo tàng Giáo dục Việt Nam, Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Xây dựng các tổ hợp trung tâm nghệ thuật biểu diễn sức chứa hơn 3.000 chỗ ngồi tại Hà Nội và Đà Nẵng
Đối với mạng lưới cơ sở nghệ thuật biểu diễn, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật tầm cỡ quốc gia và quốc tế, mang bản sắc đặc trưng của địa phương và vùng miền, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của các dân tộc Việt Nam.
Hình thành các trung tâm nghệ thuật biểu diễn tại các đô thị lớn, các địa phương đóng vai trò trung tâm vùng và các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch; gắn kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch; từng bước tạo dựng các thương hiệu quốc gia.
Nghiên cứu, xây dựng mới 4 công trình trọng điểm đạt quy mô, sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi, gồm: Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Đồng thời, nâng cấp 4 công trình đạt quy mô, sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi, gồm: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam.
Đầu tư xây dựng các trung tâm nghệ thuật biểu diễn theo mô hình các tổ hợp trung tâm nghệ thuật biểu diễn với quy mô đạt cấp đặc biệt, sức chứa hơn 3.000 chỗ ngồi tại Hà Nội và Đà Nẵng; Trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại và Nhà hát tổng hợp quốc gia tại TP Hồ Chí Minh với sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi cho mỗi cơ sở.
Phát triển mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia
Quy hoạch cũng đặt ra phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia gồm: mạng lưới trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao; mạng lưới trung tâm hoạt động thể thao; mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo thể dục, thể thao; mạng lưới cơ sở dịch vụ thể thao và chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng vận động viên.
Trong đó, đối với mạng lưới trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao, theo Quy hoạch sẽ xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện và nâng cao thành tích tại các đại hội thể thao châu lục và thế giới.
Nghiên cứu, đầu tư xây dựng trung tâm huấn luyện quốc gia trọng điểm thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (nếu phù hợp). (Ảnh minh họa: Internet) |
Nghiên cứu, đầu tư xây dựng trung tâm huấn luyện quốc gia trọng điểm thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (nếu phù hợp) để phục vụ huấn luyện vận động viên cho các môn thể thao trọng điểm, xác định mục tiêu huy chương tại Đại hội thể thao châu Á và Đại hội thể thao thế giới.
Tổ chức phân bố mạng lưới các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và trung tâm vệ tinh tại các khu vực, địa phương phù hợp với điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất..., đáp ứng yêu cầu huấn luyện chuyên sâu và tổ chức thi đấu các môn thể thao thế mạnh, trọng điểm; được sắp xếp hợp lý về tổ chức bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Đầu tư các trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao có quy mô, tiêu chuẩn chuyên ngành của công trình đạt cấp I, II, III đáp ứng yêu cầu huấn luyện, giảng dạy và tổ chức thi đấu quốc tế, quốc gia.
8 giải pháp thực hiện
Để thực hiện các mục tiêu, phương hướng nêu trên, Quy hoạch đưa ra 8 giải pháp thực hiện, bao gồm: Giải pháp về cơ chế, chính sách; Giải pháp về huy động và phân bổ vốn đầu tư; Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển; Giải pháp về giáo dục, tuyên truyền; Giải pháp về hợp tác quốc tế; Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; Giải pháp về mô hình quản lý, phương thức hoạt động.
T.T
-
Đà Nẵng đề xuất điều chỉnh quy hoạch Khu bến cảng Liên Chiểu
-
Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển để trở thành "đất lành" cho các hãng tàu lớn
-
Quy hoạch Mũi Nghinh Phong thành tổ hợp du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp
-
[PetroTimesTV] Cuộc sống ở bán đảo Bình Quới - Thanh Đa bị quy hoạch treo hơn 30 năm
-
Khánh Hòa: Nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo