Tỷ phú Thái đứng sau loạt thương hiệu Việt vừa tăng hơn 1.000 tỷ đồng hôm qua
Thị trường chứng khoán vừa kết thúc phiên giao dịch ngày 5/7 với kết quả đầy khởi sắc cả về diễn biến giá lẫn thanh khoản. Cụ thể, VN-Index tăng 12,65 điểm tương ứng 1,32% lên 973,04 điểm (đây cũng là mức cao nhất trong phiên) còn HNX-Index tăng 0,66 điểm tương ứng 0,64% lên 104,34 điểm.
Trên quy mô thị trường, số mã tăng giá hoàn toàn áp đảo so với số mã giảm. Có 373 mã tăng, 49 mã tăng trần so với 236 mã giảm và 32 mã giảm sàn.
Trong phiên, chỉ số chính VN-Index nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của VCB, VHM và VIC. Riêng VCB đóng góp cho VN-Index tới 3,18 điểm; VHM là 2,97 điểm và VIC là 1,09 điểm.
Khối lượng giao dịch trên HSX phiên hôm qua với sự cải thiện đáng kể, đạt 189,89 triệu cổ phiếu tương ứng 4.385,24 tỷ đồng. Con số này tại sàn HNX là 20,36 triệu cổ phiếu tương ứng 256,99 tỷ đồng.
"Ông chủ" thực sự của Sabeco đang nắm cổ phần của nhiều doanh nghiệp đóng tại Việt Nam |
Cổ phiếu SAB của Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hôm qua tiếp tục tăng mạnh 3.000 đồng tương ứng 1,1% lên 279.000 đồng/cổ phiếu. Mã này đang tiến sát mức đỉnh giá của 1 năm giao dịch vừa qua.
Hiện tại, giá SAB đã tăng hơn 25% so với thời điểm này của một năm về trước và đã tăng gần 83.000 đồng mỗi cổ phiếu tương ứng tăng giá 42,33% so với mức đáy hồi đầu tháng 8/2018 (lúc đó, SAB đã xuống dưới mốc 200.000 đồng).
Và theo đó, tài sản của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi - ông chủ thực sự của Sabeco đã tăng 28.522 tỷ đồng so với thời điểm cổ phiếu xuống đáy của năm và tăng hơn 1.000 tỷ đồng chỉ tính riêng trong phiên hôm qua.
Tên tuổi tỷ phú Thái Lan Charoen không còn xa lạ với người Việt Nam. Tại đây, doanh nghiệp của ông Charoen hiện diện với việc nắm cổ phần của nhiều doanh nghiệp như Sabeco, Vinamilk; MM Mega Market (trước là Metro Cash & Carry); Phú Thái, B’s Mart; khách sạn Melia Hà Nội, cao ốc văn phòng Mê Linh Point Tower…
Theo thống kê của Forbes, đến ngày 4/7/2019, ông Charoen Sirivadhanabhakdi đang sở hữu 16,5 tỷ USD tài sản ròng, xếp thứ 4 Thái Lan.
Theo ghi nhận của VDSC, nhóm ngân hàng đã có một “màn trình diễn” khá ấn tượng trong phiên hôm qua và là một yếu tố quan trọng giúp thị trường bứt phá. Dẫn đầu là VCB (tăng 2,9%), VHM (tăng 3%), VIC (tăng 1,1%), BID (tăng 0,7%)…
Dòng tiền lan toả khá đều, không chỉ tập trung ở nhóm bluechips mà còn có ở nhóm khu công nghiệp như NTC, SZC, D2D và nhóm chứng khoán như SSI, HCM, VND… Nhóm ngành thép có sự phân hoá mạnh bởi dư âm thông tin áp thuế của Mỹ: HPG tăng nhẹ 0,15% trong khi HSG, NKG, TLH vẫn trong đà giảm.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng 146 tỷ đồng (trong đó mua 559,5 tỷ đồng và bán 413,3 tỷ đồng) trong phiên hôm qua. Khối nhà đầu tư này tập trung mua ròng PLX với 67,8 tỷ đồng, E1VFVN30 với 53,3 tỷ đồng, PDR, VCB, VJC và tập trung bán ròng HPG với giá trị 28,9 tỷ đồng, VHM với 27,7 tỷ đồng và VRE với 19,7 tỷ đồng.
VDSC nhận xét, sau hai phiên rung lắc khá mạnh, thị trường đã trở lại quỹ đạo tăng điểm và tiệm cận vùng tranh chấp xu hướng mạnh. Cơ hội để thị trường thoát khỏi xu hướng điều chỉnh kéo dài là có nhưng theo VDSC, cũng cần lưu ý rủi ro vẫn còn tồn tại tại vùng tranh chấp này.
Theo Dân trí
-
Người tiêu dùng thế hệ mới: Động lực đẩy mạnh tiêu dùng “xanh”
-
Ấn tượng vì sự đầu tư siêu nhà máy của Vinamilk để làm ra mỗi hộp sữa
-
Cộng đồng góp 1, Vinamilk góp thêm 1 để nhân đôi hỗ trợ học sinh các tỉnh gặp thiên tai
-
Nỗ lực bền bỉ của Vinamilk trong việc hình thành bể hấp thụ carbon từ rừng, hướng đến Net Zero
-
Vinamilk và FPT hợp tác chiến lược nâng tầm quản trị tài chính toàn diện bằng giải pháp công nghệ
-
Tin tức kinh tế ngày 15/11: Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT 6 tháng đầu năm 2025
-
Kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm rủi ro thiên tai và khuyến nghị cho Việt Nam
-
Đánh giá điểm nổi bật của thị trường dầu mỏ toàn cầu trong tháng 10/2024
-
COP29: Azerbaijan bảo vệ quyền khai thác dầu khí trước áp lực quốc tế
-
EU đề xuất tăng nhập khẩu khí đốt từ Mỹ để giảm phụ thuộc vào Nga