Tỷ phú Quyết “gây bão”, cổ phiếu nhà chồng Hà Tăng… mất đà
Phiên giao dịch đầu tuần mới đã diễn ra trong sự giằng co của chỉ số. Tuy vậy, VN-Index vẫn đóng cửa trên mức tham chiếu, tăng nhẹ 0,74 điểm tương ứng 0,08% lên 969,62 điểm trong khi còn tới 150 mã giảm so với 130 mã tăng trên HSX.
Tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” tương tự cũng diễn ra trên sàn HNX khi chỉ số đạt mức tăng nhẹ 0,04 điểm, nhích lên 108,06 điểm dù số lượng mã tăng chỉ là 62 mã so với 83 mã giảm giá.
Thanh khoản thị trường đạt khá. Có tổng cộng 180,83 triệu cổ phiếu đã được giao dịch trên HSX trong phiên, tương ứng giá trị giao dịch đạt 4.006,38 tỷ đồng. HNX có 30,8 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng 399,11 tỷ đồng.
Trong khi cổ phiếu Sasco tiếp tục trượt dốc thì FLC lại hồi phục ấn tượng cả về giá và thanh khoản |
Về mặt thanh khoản, mã được khớp lệnh mạnh nhất trong ngày chính là FLC. Khối lượng khớp lệnh tại mã này lên tới 20,6 triệu cổ phiếu, gấp hơn 3 lần phiên cuối tuần trước. Trong khi đó, thị giá vẫn tăng 3,4% lên 6.330 đồng.
Trong tuần trước, tập đoàn của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã chính thức ra mắt hãng hàng không Bamboo Airways sau 4 năm chuẩn bị “kỹ lưỡng” và trên cơ sở “nghiên cứu, tham khảo mô hình các hãng hàng không trên thị trường quốc tế”.
Ông Quyết tuyên bố Bamboo là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam hoạt động theo mô hình Hybrid, kết hợp linh hoạt giữa mô hình hàng không truyền thống và mô hình hàng không giá hợp lý, mục tiêu là đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi phân khúc.
Như vậy, vị tỷ phú sinh năm 1975 vẫn kiên định với “khát vọng bay” của mình bất chấp những lo ngại và hoài nghi của giới quan sát khi thị trường hàng không vốn được đánh giá là rất khốc liệt, khiến không ít đại gia trước đó đã phải lao đao.
Thị trường phiên đầu tuần cũng ghi nhận diễn biến tích cực tại HAG và HNG – hai mã chứng khoán của Hoàng Anh Gia Lai và HAGL Agrico sau khi doanh nghiệp của bầu Đức công bố việc nâng diện tích trồng mới cây chuối và giảm diện tích trồng ớt từ nguồn vốn huy động được qua đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi vừa qua của HNG.
Theo đó cả hai mã này đều tăng trần và có khối lượng khớp lệnh cao, riêng HNG không hề có dư bán cuối phiên, dư mua trần còn gần 124 nghìn đơn vị.
Mặc dù diễn biến tại HAG, HNG, FLC có ý nghĩa tích cực với thị trường, thế nhưng để chỉ số “bẻ lái” và đạt được mức tăng nhẹ cuối phiên thì VN-Index phải nhờ vào GAS, VNM và một số mã lớn khác như PLX, BID, VIC, MSN… Trong đó, riêng GAS tăng 2.000 đồng đã đẩy VN-Index tăng 1,19 điểm, VNM tăng 1.100 đồng giúp VN-Index tăng 0,72 điểm.
Chiều ngược lại, ACV và SAS giảm khá mạnh. ACV giảm 1.200 đồng (1,4%) còn SAS giảm 800 đồng (3%). Cả hai mã này đều đang trong đà trượt dốc và đều có phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Riêng SAS – mã cổ phiếu của Sasco (doanh nghiệp do vợ chồng ông Jonathan Hạnh Nguyễn quản lý) mới chỉ có 3 phiên tăng giá kể từ đầu tháng 8 đến nay.
Ngoài ra, các “ông lớn” ngân hàng như VPB, VCB, CTG, MBB, HDB… đỏ giá cũng đã khiến tình hình thị trường thêm lình xình.
Đưa ra nhận định về thị trường trong những tuần sắp tới, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp đang niêm yết sẽ là yếu tố hỗ trợ chính trong ngắn hạn đối với thị trường chung.
Tuy nhiên trong bối thị trường vẫn đang tương đối “miễn nhiễm” với tin tức hỗ trợ, VCBS cho rằng, nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục quan sát đồng thời giữ tỉ trọng tiền mặt ở mức cao, và chỉ nên xem xét giải ngân một tỉ trọng vừa phải vào một số cổ phiếu vốn hóa trung bình với triển vọng kinh doanh tốt và mức định giá thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường.
Theo Dân trí
-
Châu Âu diễn tập đối phó sự kết thúc của thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga
-
Những bất ổn mới cho giá dầu thế giới?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 11/11 - 16/11
-
Hoa Kỳ sẽ không thực hiện các hợp đồng LNG trị giá hàng chục tỷ đô la cho châu Âu
-
Đánh giá điểm nổi bật của thị trường dầu mỏ toàn cầu trong tháng 10/2024