Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Trở lại với “chằm”

08:00 | 11/04/2015

|
Bạn đọc: Trong bài “Thêm cứ liệu để khẳng định từ chằm" trong địa danh gốc "Chằm Chim” (Năng lượng Mới số 406 ngày 20/3/2015), ông An Chi có nói đến bài “1.889 chữ” mà tránh nhắc tên tác giả (có lẽ vì một lý do tế nhị?). Nhưng sau đó, chính tác giả của bài này đã công khai tự giới thiệu trên facebook rằng mình là Nguyễn Thanh Thuận rồi góp ý lại về hai tiếng “Chằm Chim” của ông An Chi. Xin hỏi ông có ý kiến gì về lời góp ý này. Xin cảm ơn. Một nhóm bạn ở Bình Thạnh, TP HCM

Năng lượng Mới số 412

Học giả An Chi: Ý đầu tiên mà ông Nguyễn Thanh Thuận góp cho An Chi là:

“Thứ nhứt, ở nhận định của ông (An Chi) “Cho đến cách đây trên 20 năm, khi đất nước mở cửa, du lịch phát triển, công cuộc bảo vệ môi trường sinh thái càng ngày càng được chú trọng, Internet càng ngày càng phổ biến, v.v... thì “trầm chim” lại đổi đời một lần nữa (…)” là sai! Bởi vì như tôi (Nguyễn Thanh Thuận) đã chứng minh trong sách vở viết trước 1954 đã có nhắc đến địa danh “Tràm Chim” nghĩa là địa danh nầy không phải chỉ mới có “cách đây trên 20 năm”. Ông đồng ý về cái sai nầy chứ?”.

Ông Nguyễn Thanh Thuận đã hỏi như thế còn An Chi thì xin trả lời: “Sao lại không?”. Mới đây thôi, trên Năng lượng Mới số 406, chúng tôi cũng đã nhận là mình sai nên mới viết: “Trước đây, tại mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của Kiến thức Ngày nay số 599 (1/4/2007), chúng tôi cũng đã sai vì cho rằng “Tràm Chim” là do “Đầm Chim” bị nói trại mà ra”. Tính chính trực của người tranh luận là ở chỗ phải có đủ can đảm và sự lương thiện mà thừa nhận cái sai của mình. Thực ra, trong thâm tâm, chúng tôi đã muốn thừa nhận cái sai này (về cái ý “cách đây trên 20 năm”) từ lâu nhưng lại có ý chờ một dịp thật sự thích hợp và cái dịp đó đã được ông Nguyễn Thanh Thuận đưa đến. Xin cám ơn ông. Cái lỗi của chúng tôi là đã vội vàng, hấp tấp đưa ra lời khẳng định do không có điều kiện tham khảo và tìm hiểu kỹ lưỡng. Đây là một cái dở rất đáng chê. Nhưng cũng xin nhấn mạnh với ông rằng cái sai, cái dở này, dù có tệ đến đâu, cũng không trực tiếp ảnh hưởng đến chuyện đúng sai trong lập luận chặt chẽ của An Chi về địa danh gốc “Chằm Chim”. Cho nên dù “Tràm Chim” chỉ mới xuất hiện chưa đầy 1 năm hay đã có cách đây 100 năm thì nó cũng vẫn cứ là hậu quả của một sự méo mó, trẹo trọ từ “Chằm Chim” mà ra. Còn bây giờ thì chúng tôi lại góp ý về cái sai của ông. Ông viết:

“Tràm ở đây là một loài cây mọc hoang thành rừng, khi người đi khai hoang tới mới gọi nó để đặt tên địa danh chớ vườn cây ăn trái như xoài, nhãn, mít (do con người trồng và làm chủ) thì có mọc hoang thành rừng bao giờ để mà trở thành địa danh, nếu có chăng người ta chỉ gọi vườn xoài ông X, vườn nhãn bà Y, vườn mít ông Z… chớ mắc gì phải gọi “Xoài Chim”, “Mít Chim” cho nó lố bịch? Ý nầy ông nêu ra chưa thỏa đáng!”.

Thỏa đáng hay không thì ông sẽ biết liền ngay sau đây. Ông đã không biết rằng, khi người đi khai hoang thấy “tràm ở đây là một loài cây mọc hoang thành rừng” thì, nếu muốn đặt tên, họ phải gọi đó là “Rừng Tràm” chứ mắc gì lại đưa “chim” vô cho nó lố bịch? Và ông cũng hoàn toàn sai vì cứ ngỡ rằng phải mọc hoang thành rừng thì mới có địa danh. Chúng tôi xin cung cấp một loạt địa danh liên quan đến cây trồng và vườn cây cho ông được biết (mà mới chỉ riêng tại TP HCM thôi đó nha). Trong Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh do Tiến sĩ Lê Trung Hoa chủ biên (Nxb Trẻ, 2003), ta thấy có các địa danh: Vườn Bầu, Vườn Bông, Vườn Cau, Vườn Chanh, Vườn Chuối, Vườn Dừa, Vườn Điều, Vườn Lài, Vườn Măng, Vườn Mít, Vườn Ngâu, Vườn Nhãn, Vườn Thơm, Vườn Tiêu, Vườn Trầu, Vườn Xoài. Xin mời ông vui lòng chứng minh rằng, ở đây, “bầu”, “bông”, “cau”, “chanh”, “chuối”..., là cây mọc hoang còn “vườn” chẳng qua chỉ là “rừng”. Xin mời. Ông lại viết:

“Trường hợp mà chúng ta đang bàn là trường hợp một địa danh cụ thể ở một địa phương nên nó có những nét riêng (do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhứt là điều kiện tự nhiên) không giống với các nơi khác nên dĩ nhiên cách hình thành địa danh cũng không nhứt thiết phải đúng “công thức chung” ở những địa danh ở địa phương khác”.

Xin thưa với ông rằng, trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh nào, việc tạo địa danh cũng phải tuân theo những quy tắc ngôn ngữ có sẵn và đây là một điều dứt khoát. Điều kiện tự nhiên dù có quan trọng đến cỡ nào cũng không thể quyết định cấu trúc ngôn ngữ của địa danh. Nó chỉ thích hợp với bài viết về địa lý hoặc địa chí, có khi cũng chỉ cần cho một bài văn tả cảnh mà thôi. Trong bài “1.889 chữ” ông đã tự nhận mình “không phải là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học nên xin được miễn bàn sâu về ngôn ngữ”. Đây là mặt ngôn ngữ của địa danh mà ông lại không bàn sâu về ngôn ngữ thì ta chỉ còn có nước… “bế mạc”. Thảo nào TS Huỳnh Công Tín cũng đã viết trong bài trả lời cho Tạp chí Xưa & Nay và cho rằng “có lẽ cũng khó để trao đổi nhiều với ông Nguyễn Thanh Thuận, khi nói về địa danh mà ông lại tự nhận không bàn sâu về ngôn ngữ”.

Vì không bàn sâu về ngôn ngữ nên ông Thuận còn viết tiếp:

“Ông (An Chi) nên để ý rằng ở Đồng Tháp chúng tôi có rất nhiều tên địa danh bắt đầu từ cây mọc hoang (mà phải là cây phổ biến thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây như tràm, gáo...) như Tràm Dơi (khu căn cứ ở Huyện Cao Lãnh), Tràm Sình (huyện Tân Hồng), Cây Gáo Lồng Đèn (huyện Tân Hồng), Gáo Giồng (Huyện Cao Lãnh), Cây Gáo Đền Xương (Lấp Vò), Cây Gáo Đôi (huyện Thanh Bình), Tràm Thầy Ba Vỹ (huyện Thanh Bình)… vậy thì thưa ông, tất cả đều là “siêu chỉnh” hết sao? [...]. Bởi thế mới xuất hiện những địa danh như Tràm Một (cây tràm mọc một mình, cao nhứt), Gáo Đôi (Cây gáo mọc đôi cao nhứt). Do đó, việc dùng tên cây để đặt cho địa danh cũng là điều dễ hiểu, không phức tạp như ông nghĩ đâu!”.

Nhưng “Cây Gáo Lồng Đèn”, “Gáo Giồng”, “Cây Gáo Đền Xương” và “Cây Gáo Đôi” tự nó đã là những địa danh đặt đúng quy tắc ngôn ngữ nên chúng tôi đâu có điên mà đặt vấn đề siêu chỉnh hay không siêu chỉnh. Chúng tôi chỉ đặt vấn đề siêu chỉnh khi nói về “Tràm Chim” và “Chằm Chim” mà thôi. Và chúng tôi cũng có bao giờ phủ nhận việc dùng tên cây để tạo địa danh. Có điều là chúng tôi bàn luận bằng cách phân biệt những biện pháp dùng từ khác nhau chứ không gộp chúng chung thành một thứ. Còn ông thì cứ ngỡ “Tràm Dơi” và “Tràm Một” - hai thí dụ này đều do ông đưa ra - là cùng một kiểu cấu tạo trong khi chúng khác nhau rất xa. Trong “Tràm Một” thì “tràm” đúng là thực vật (cây) chứ trong “Tràm Dơi” thì “tràm” lại bị ép uổng để chỉ một vùng trũng ngập nước đầy bùn lầy. Nếu không thấy được sự khác nhau này thì không thể - mà có lẽ cũng không nên - bàn luận với nhau làm gì. Và nếu trong “Tràm Dơi” mà “tràm” thực sự là một từ trực tiếp chỉ thực vật thì nó chỉ có thể có cùng một kiểu cấu tạo:

- Hoặc với “tràm gió”, “tràm nước”, “tràm trà”, “tràm bông vàng”, “tràm lá dài”, “tràm lá rộng”, v.v... (kiểu 1); 

- Hoặc với “Tràm Một” là địa danh do chính ông đưa ra (kiểu 2).

Thuộc kiểu 1 là những danh ngữ chỉ những loài thực vật thuộc chi Tràm (Melaleuca), một chi thực vật có hoa trong họ Đào kim nương (Myrtaceae). Trong kiểu 1 thì “tràm” là danh từ trung tâm chỉ loài còn “gió”, “nước”, “trà”, v.v... là định ngữ chỉ loại (classifier - chữ của M.A.K. Halliday). “Tràm Dơi” không thuộc kiểu này. Còn trong kiểu 2 thì “tràm” tuy cũng là danh từ trung tâm nhưng lại không chỉ loài mà chỉ nhắm vào riêng một cá thể nhất định của loài còn “một” là định ngữ hạn định (restrictive adjunct) cho biết đặc điểm của cá thể đó. “Tràm Dơi” cũng không thuộc kiểu này. Nếu ta cứ cưỡng duyên ép phận nó vào kiểu 2 thì “Tràm Dơi” sẽ chỉ có thể được hiểu là “(một) cây tràm (nhất định) có nhiều dơi đậu” chứ không thể có bất cứ nghĩa nào khác. Thực ra, trong các địa danh mà ông đã nêu thì “Cây Gáo Lồng Đèn”, “Gáo Giồng”, “Cây Gáo Đền Xương”, “Cây Gáo Đôi” và “Tràm Một” là những địa danh thuộc kiểu 2; không có địa danh nào thuộc kiểu 1; còn “Tràm Dơi”, “Tràm Sình”, “Tràm Thầy Ba Vỹ” thì không thuộc kiểu nào cả vì chỉ là những địa danh méo mó, trẹo trọ mà việc tầm nguyên là một công việc phải làm.

Trở lại với “Tràm Chim”, xin nói rằng duyên phận của nó cũng y chang như của “Tràm Dơi”. Nó hiển nhiên không thuộc kiểu 1; còn nếu bị ép vào kiểu 2 thì cấu trúc cú pháp - ngữ nghĩa của nó chỉ cho phép hiểu đó là một cá thể tràm (duy nhất) có nhiều chim đậu mà thôi. Không thể khác được. Sở dĩ bây giờ người ta hiểu “Tràm Chim” là một “vùng đầm lầy có nhiều loài chim sinh tụ” là vì danh từ trung tâm gốc (tạm gọi là X…) dùng để chỉ đầm lầy trong địa danh gốc “X… Chim” đã bị từ “tràm” tiếm vị nên mới sinh ra cái địa danh “Tràm Chim” lố bịch. Rồi giẫm chân theo sự lố bịch đó, một số người cũng đã làm một trong hai việc lố bịch sau đây: 

- Hoặc nói rằng “tràm” là một vùng đầm lầy có nhiều cây tràm mọc”;

- Hoặc, đơn giản hơn, “tràm” là một từ dùng để chỉ vùng đầm lầy.

Tiếc rằng cả hai cách “giảng” này đều đại phi lý và cực vô duyên vì không có bất cứ cách dùng từ hoặc biện pháp tu từ nào cho phép hiểu như thế. Trong bài “Vẫn là do «Chằm Chim» mà ra” (Năng lượng Mới, số 328, ngày 6-6-2014), chúng tôi đã khẳng định một cách dứt khoát: “Từ xưa đến nay, dân Nam Bộ tuyệt đối, vâng, tuyệt đối không bao giờ dùng âm “tràm” này để chỉ bất kỳ thứ địa hình, địa vật nào. Tuyệt đối không!”. Nếu cứ bám vào “nghĩa” của tiếng “tràm” thì sẽ tuyệt đối không thể tìm ra bất cứ một cách hiểu/giảng nào hợp lý, trừ phi ta chịu tầm nguyên để thấy rằng nó là do từ “chằm” bị trẹo trọ mà ra.  “Chằm” là một từ thông dụng trong tiếng Việt ngày xưa, từ Đàng Ngoài đến Đàng Trong và còn để lại lưu tích trong một số địa danh, như chúng tôi đã dẫn chứng trong bài đã nói trên Năng lượng Mới, số 328. “Chằm Trích” ở trong Nam (Năng lượng Mới số 406) và “Chằm Cò” ở ngoài Bắc (Năng lượng Mới số 328) chính là một cặp đôi hoàn hảo cùng sánh vai nhau để kết bạn từ nguyên với trước nhất là “Chằm Chim”, rồi “Chằm Dơi”, “Chằm Thầy Ba Vỹ” và “Chằm Sình”. Nếu ông Nguyễn Thanh Thuận cứ khư khư khẳng định rằng “Tràm Dơi”, “Tràm Thầy Ba Vỹ” và “Tràm Sình” mới vốn vẫn chánh cống là những địa danh gốc thì ông phải cho biết nghĩa chính xác của chữ “tràm” trong ba trường hợp này; điều mà chắc chắn ông không thể nào làm được. Nói thế chứ chúng tôi cũng xin báo để bạn đọc thông cảm là sau bài này của mình, dù ông Thuận có viết, có đăng cái gì đi nữa thì An Chi cũng xin tuyên bố “phoọc-phe”.

A.C