TKV giữ chân người lao động: Thách thức trong thời kỳ mới!
Năng lượng Mới số 298
Xã hội mở, ngành than hẹp
Trong 5 năm trở lại đây, nhân công bỗng trở thành “vấn đề lớn” với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Có lẽ chưa khi nào ngành than lại khổ sở mỗi khi nghĩ đến chuyện thu hút lao động đến vậy. Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, Chủ tịch TKV Trần Xuân Hòa nêu rõ, tình trạng công nhân, đặc biệt là những người làm việc trực tiếp trong hầm lò đơn phương bỏ việc vì cho rằng, điều kiện làm việc không tương xứng với thu nhập, không đủ trang trải cuộc sống thực sự là sức ép với các đơn vị sản xuất trực tiếp.
“Thậm chí hồi năm 2010-2011, ở một số nơi, lượng công nhân hầm lò tuyển mới và số công nhân hầm lò bỏ việc là ngang nhau, rất căng thẳng. Nguy cơ “vỡ” nhân công lúc nào cũng thường trực với các đơn vị sản xuất, kể cả những “điểm sáng” - nơi có điều kiện làm việc, sinh hoạt cho công nhân, lao động tốt như mỏ Hà Lầm, Quang Hanh, Hạ Long... cũng không mấy sáng sủa hơn”.
Ngoài thu nhập, đảm bảo an toàn lao động và tinh thần cho thợ lò là mối quan tâm hàng đầu của TKV
Theo ông Nguyễn Ngọc Lân, Phó chánh văn phòng TKV, hiện nay xã hội đã thay đổi nhiều, hầm lò không còn là “mơ ước” của giới thợ nữa. “Rõ ràng người lao động có nhiều sự lựa chọn hơn là chui vào hầm lò, nếu mức lương chỉ dậm chân tại chỗ trong lúc lạm phát tăng như hiện tại. Thêm nữa, các nghề nghiệp khác trong xã hội cũng ít nguy hiểm hơn và có khi người lao động lại được ở gần gia đình, gần quê hương”.
Cùng chung quan điểm, Phó giám đốc Công ty Than Hồng Thái Nguyễn Văn Thưởng cho rằng: “Nếu không lo được 2 điều cơ bản nhất “nơi ăn, chốn ở” cho người lao động thì thật khó mà nói chuyện giữ chân họ trong thời điểm nền kinh tế nhiều cơ hội việc làm như hiện tại. “Thuận mua vừa bán”, quy luật trên cũng không khác công tác tổ chức thời buổi kinh tế thị trường là mấy. Tuy nhiên, mỗi đơn vị giờ đã hạch toán độc lập, chẳng ai dám chắc người lao động có thể gắn bó mãi nếu đơn vị đó không cho họ tâm lý thoải mái cùng một mức sống tương xứng với công sức mình bỏ ra”, ông Thưởng phân tích dựa trên thực tế.
Không chỉ là thù lao
Theo chỉ đạo của Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn, từ ngày 1/1 năm nay, tất cả các đơn giá áp dụng trong các bước công việc khai thác, đào lò tại các đơn vị sẽ đồng loạt được tăng 5%. Điều này đồng nghĩa với việc, tiền lương sản phẩm của thợ lò sản xuất trực tiếp sẽ tăng 5% so với năm ngoái. Đây là một trong những biện pháp trong chủ trương của Tập đoàn nhằm quan tâm hơn nữa đến đội ngũ thợ lò, khuyến khích thợ lò hăng say trong lao động sản xuất, gắn bó với nghề.
“Mặc dù còn nhiều khó khăn do tình hình tiêu thụ than vẫn chưa có dấu hiệu bền vững, nhất là công tác xuất khẩu. Than có thể phải tồn đọng, nhưng Tập đoàn sẽ chỉ đạo linh hoạt để thợ lò không phải ngừng việc. Trái lại, lương của thợ lò còn được tăng cao để thu hút giới trẻ yêu nghề hơn” - Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn đã khẳng định như vậy tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 vừa qua.
Những năm gần đây, tình trạng thợ lò chuyển việc từ đơn vị này sang đơn vị khác có chiều hướng gia tăng. Mặt khác, công tác tuyển sinh thợ lò cũng gặp khó khăn hơn tại một số vùng. Tuy nhiên, với chính sách ưu đãi và chăm lo tốt, cùng với việc cải thiện đáng kể điều kiện làm việc tại các mỏ nên chưa có mỏ than nào thiếu thợ lò, chỉ có tình trạng thợ lò chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác trong cùng Tập đoàn.
Theo nguyên Tổng giám đốc TKV Đoàn Văn Kiển, bấy lâu ngành than tồn tại và có vị thế phát triển ổn định như ngày hôm nay là do người lao động có truyền thống thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. “Bởi đặc thù vất vả, thợ mỏ làm việc trong điều kiện sự sống cái chết cận kề, khiến người lao động ngành than luôn yêu thương, đùm bọc nhau. Nhiều gia đình ở Hòn Gai, Cẩm Phả cả 3-4 thế hệ là công nhân mỏ. Thợ lò luôn là đối tượng lao động gian khổ nhất trong ngành và cũng được chăm sóc chu đáo nhất.
Tôi nhớ mãi hình ảnh những người phụ nữ hậu cần lo cơm dẻo canh ngọt, chăm sóc cho thợ lò từ cái tăm đến đôi đũa, hằng ngày các chị lo hàng vạn suất cơm cho công nhân, đến ngày tôi về hưu vẫn chưa thấy có vụ ngộ độc nào xảy ra. Đơn giản họ là những người mẹ, người vợ, người chị, người em của thợ lò... họ nấu không chỉ vì đồng lương mà còn vì tình yêu thương, ruột rà, máu mủ thấm đẫm trong bữa cơm ấy. Nay, vì sức ép cuộc sống mà nhiều người không còn muốn con cái mình làm thợ đào than nữa!”.
Liên quan đến tình hình tài chính của TKV, từ tháng 1/2013 vừa rồi, các cơ quan chức năng đã điều chỉnh giá than bán cho điện. Giá bán mới đã đạt 100% giá thành (trước đó chỉ bằng 86%) sản xuất năm 2013. Đó là thông tin, dù muộn nhưng hết sức phấn khởi, bởi yếu tố thị trường đã được trả lại cho giá than và giá điện. Điều này giúp khả năng tài chính của TKV được cải thiện và cơ hội đón đầu nhu cầu của nền kinh tế quốc dân trong thời gian tới cũng sáng sủa hơn.
Theo kế hoạch của TKV thì sau 2018, khi công suất từ các nguồn huy động từ nguồn nhiệt điện than tăng nhanh theo chỉ đạo của Chính phủ, nguồn than cung cấp từ TKV sẽ buộc phải tăng lên gấp rưỡi hiện tại. Tình hình đó buộc TKV cần phải triển khai những nhóm giải pháp đồng bộ hơn nữa để làm sao ít nhất giữ chân số lượng gần 10 vạn thợ lò đang sản xuất trực tiếp, hoặc ít nhất phải đào tạo đủ nhân lực để bù đắp cho 2.000-3.000 công nhân bỏ việc mỗi năm như hiện tại. Một bài toán không dễ dàng!
Lê Tùng