Tình hình nhập khẩu dầu của Cuba hiện giờ
Một tàu chở dầu của Cuba tại Mexico |
Sau hàng ngày dài xếp hàng đổ đầy bình xăng và mất điện, Cuba – một đất nước do đảng cộng sản lãnh đạo và phải đang gánh chịu nhiều đòn trừng phạt kinh tế khắc nghiệt của Mỹ, đã mở rộng hoạt động nhập khẩu dầu. Đây là một động thái đóng góp vào việc làm thuyên giảm tình trạng khan hiếm nhiên liệu, bổ sung nguồn dự trữ và giảm lệ thuộc vào nguồn cung dầu quen thuộc và lớn nhất của họ: Venezuela. Trên thực tế, Washington cũng đã trừng phạt ngành dầu mỏ của Venezuela từ năm 2019 vì những cáo buộc về gian lận bầu cử.
Từ đó, Mexico nổi lên như một nhà cung cấp hàng đầu, vận chuyển dầu cho Cuba qua một con tàu thuộc sở hữu của công ty dầu mỏ nhà nước Petroleos Mexicanos (Pemex), và một đội tàu do Cuba quản lý. Theo thống kê của Reuters dựa trên dữ liệu theo dõi tàu chở dầu, trong 4 tháng qua, có 2 triệu thùng dầu đã được giao đến Cuba.
Kể từ tháng 7, tàu chở dầu Vilma treo cờ Cuba đã có hai chuyến đi từ cảng Pajaritos của Mexico đến các nhà máy lọc dầu ở hai thành phố Cienfuegos và Havana của Cuba. Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, tàu Vilma đã từng chở dầu thô và nhiên liệu của Venezuela đến Cuba.
Dữ liệu cho thấy, tàu chở dầu Delsa (treo cờ Cuba) cũng đã vận chuyển dầu thô của Mexico từ cảng Pajaritos đến thành phố Cienfuegos vào tháng 6, sau đó lên đường đến Venezuela để lấy dầu.
Bộ Ngoại giao Cuba, Bộ Ngoại giao Mexico và Pemex không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Miễn phạt
Vilma và Delsa là hai trong số ít tàu chở dầu của Cuba chưa bị Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ xử phạt.
Trong những năm gần đây, những tàu khác của Cuba thường được sửa chữa hoặc kiểm tra tại một xưởng đóng tàu ở Veracruz (Mexico), bao gồm cả chiếc Esperanza nằm trong danh sách đen của Mỹ. Chiếc tàu này hiện đang ở đó.
Vào tháng 4, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters rằng Washington "biết Cuba mua dầu từ nhiều quốc gia khác nhau, kể cả nước bị trừng phạt lẫn không bị trừng phạt”.
Theo dữ liệu, tàu chở dầu Bicentenario của Pemex đã hoàn thành ít nhất 4 chuyến đi từ Mexico đến Cuba trong năm nay.
Tính từ tháng 4, Mexico cung cấp cho Cuba tổng cộng khoảng 13.000 thùng dầu thô nhẹ Olmeca mỗi ngày. Loại dầu thô này có tính chất phù hợp cho những nhà máy lọc dầu cũ kỹ của Cuba, so với dầu thô nặng của Venezuela.
Hơn nữa, trong những năm gần đây, Venezuela đã chật vật trong việc khai thác đủ nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu trong nước, làm giảm năng lực xuất khẩu. Tính từ đầu năm cho đến tháng 7/2023, Venezuela chỉ vận chuyển được 55.000 thùng/ngày đến Cuba, so với 80.000 thùng/ngày vào năm 2020.
Trong thập niên 90, Mexico và Venezuela là những nước cung cấp dầu thô ổn định cho Cuba theo Hiệp ước San Jose. Trong khi Venezuela mở rộng xuất khẩu sang Cuba thông qua hiệp định thương mại song phương ký kết vào năm 2000, Mexico chỉ gửi hàng hóa lẻ tẻ đến Cuba vì lý do nhân đạo, cho đến năm nay.
Cần sự giúp đỡ
Theo dữ liệu của Eikon, Nga đã cung cấp cho Cuba khoảng 12.000 thùng dầu/ngày, chủ yếu là dầu thô, trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 7.
Cuba gần như thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu nhiên liệu, nhưng tình trạng này đạt đỉnh điểm giữa mùa hè oi bức ở Caribe. Người dân bật điều hòa nhiệt độ, làm cạn kiệt nguồn dự trữ.
Năm nay, chính phủ Cuba đã bắt đầu tân trang lại những nhà máy điện chạy bằng dầu đã xuống cấp. Những hoạt động sửa chữa đó và mở rộng nguồn cung nhiên liệu từ Nga và Mexico đã góp phần sản xuất điện năng ổn định hơn. Do đó, trong năm nay, Cuba trải qua ít đợt mất điện hơn so với năm trước.
Tuy nhiên, nguồn sản phẩm dầu mỏ tinh chế đã trở nên khan hiếm từ tháng 3, buộc chính phủ phải hạn định tiêu thụ. Tại Cuba, dầu mỏ tinh chế là nhiên liệu cần thiết cho nhiều phương tiện đi lại cá nhân và công cộng, cũng như trong một số nhà máy sản xuất điện.
Ngọc Duyên
AFP
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới dự kiến sa thải 17.000 nhân viên
-
Ấn Độ trên hành trình trở thành gã khổng lồ về “vàng trắng”
-
Nga dự kiến chi hơn 500 triệu USD xây dựng kho dự trữ kim loại quý
-
Trung Quốc “kiềm chế” mua vàng tháng thứ năm liên tiếp