Tin tức kinh tế ngày 7/7: Vietnam Airlines được hỗ trợ vay 4.000 tỉ đồng từ 3 ngân hàng
Cảnh báo rủi ro khai gian giá chuyển nhượng nhà đất để trốn thuế
Cục Thuế Hà Nội vừa có thư ngỏ gửi đến các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân về việc chấp hành pháp luật khi thực hiện thủ tục mua, bán, đăng ký nhà và chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo Cục Thuế Hà Nội, bất động sản đất đai, nhà cửa là tài sản lớn, gắn liền với đời sống của gia đình, cá nhân. Pháp luật quy định đây là tài sản phải đăng ký sở hữu và quyền sử dụng đất. Vì vậy, khi mua bán chuyển nhượng bất động sản, việc thiết lập hồ sơ cẩn thận, chính xác, đầy đủ rất quan trọng. Hồ sơ chuyển nhượng và đăng ký là cơ sở pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người sử dụng, sở hữu và các giao dịch dân sự nếu có.
Thời gian qua, vì nhiều nguyên nhân khác nhau có những trường hợp khai không đúng giá giao dịch mua bán bất động sản đất đai, nhà, trong đó có cả các trường hợp do tư vấn trái pháp luật. Hậu quả có thể ảnh hưởng lâu dài tới tất cả bên mua - bán và liên quan.
Việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản không phù hợp trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng hay trên các tờ khai xác định nghĩa vụ thuế nhằm mục tiêu giảm số thuế phải nộp, đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Cục Thuế Hà Nội chỉ rõ "hành vi này tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nội dung pháp lý phát sinh trong quá trình sử dụng bất động sản như khi phát sinh khiếu nại, kiện cáo, tố co, đền bù, và các tình huống pháp lý khác".
Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của cá nhân là 2%. Ngoài ra, còn nhiều loại phí, lệ phí khác.
Vietnam Airlines được hỗ trợ vay 4.000 tỉ đồng từ 3 ngân hàng
Sáng 7/7, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tổng số tiền 4.000 tỉ đồng.
Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng MSB, SeABank, SHB |
Về phía Vietnam Airlines đánh giá cao sự chấp thuận cho vay của 3 ngân hàng thương mại, thể hiện sự chia sẻ với hãng trong quá trình ứng phó, vượt qua khủng hoảng cũng như tin tưởng khả năng phục hồi, phát triển sau đại dịch.
Bên cạnh gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, Vietnam Airlines đang triển khai nhiều giải pháp tự thân nhằm tiết kiệm chi phí để ứng phó khó khăn như: Tái cơ cấu doanh nghiệp; thu hẹp sản xuất kinh doanh theo quy mô thị trường; tối ưu hóa hoạt động bảo dưỡng tàu bay; đàm phán với các nhà cung ứng giãn, hoãn thanh toán và áp dụng chính sách tiền lương trong giai đoạn Covid-19.
Việt Nam nhận hỗ trợ 4,6 triệu đô từ ADB
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phê duyệt khoản hỗ trợ kỹ thuật trị giá 4,6 triệu USD để giúp Chính phủ Việt Nam tăng cường các quan hệ đối tác công - tư (PPP), phát triển khu vực tư nhân và cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phê duyệt khoản hỗ trợ kỹ thuật trị giá 4,6 triệu USD để giúp Chính phủ Việt Nam |
Hỗ trợ kỹ thuật này sẽ cung cấp tư vấn về chính sách, giúp chuẩn bị dự án cơ sở hạ tầng, và tăng cường năng lực thể chế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Khoản tài trợ bao gồm 2,7 triệu USD viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Canada và 1,9 triệu USD viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Australia, cả hai đều do ADB quản lý.
Theo đánh giá, Việt Nam đã đạt được thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng trong 3 thập niên vừa qua với việc duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhờ những cải cách thể chế.
Từ năm 2011 tới 2020, Việt Nam đã đầu tư khoảng 117 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước khác trong khu vực. Việt Nam sẽ cần huy động khoảng 237 tỉ USD trong giai đoạn từ 2021 tới 2030 để bù đắp sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng; con số này cao hơn 49 tỉ USD so với quỹ đạo chi tiêu trước đây.
Nhận thấy tiềm năng của khu vực tư nhân trong việc đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng còn thiếu hụt, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 của Việt Nam đã ưu tiên gỡ bỏ những rào cản để mở cửa cho cạnh tranh và xây dựng một môi trường hỗ trợ nhằm tăng cường sự đóng góp của khu vực tư nhân vào nền kinh tế, gồm cả vai trò lớn hơn trong phát triển cơ sở hạ tầng.
OPEC+ đàm phán thất bại, giá dầu tại Mỹ bị ảnh hưởng
Thất bại trong việc đạt thỏa thuận sản lượng dầu từ tháng 8 đến tháng 12 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (gọi chung là OPEC+) đã tạo ra làn sóng ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường xăng dầu tại Mỹ.
Cuộc họp của nhóm OPEC+ không đạt được thỏa thuận về sản lượng đã dẫn tới những ảnh hưởng không nhỏ đối với giá dầu thế giới, đặc biệt tại Mỹ.
CNBC cho biết, phiên giao dịch 6/7 tại New York, giá dầu thô đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 năm qua sau khi cuộc họp giữa OPEC và đồng minh bị hoãn vô thời hạn. Điều này có nghĩa sản lượng sản xuất dầu của nhóm từ tháng 8 tới cuối năm không xác định. Khi sản lượng không tăng, trong khi nhu cầu hồi phục, sẽ khiến giá dầu tăng.
Bloomberg đưa nguồn tin từ giới chủ ngân hàng và dầu lửa Mỹ, các công ty sản xuất dầu đá phiến nước này, đối thủ không đội trời chung với OPEC+, đã tận dụng đợt tăng giá ban đầu để chốt tăng sản lượng trong tương lai của họ.
Khi 23 nước thuộc nhóm sản xuất dầu lớn nhất thế giới không thể đạt được thỏa thuận về giới hạn đầu ra, có nghĩa họ muốn giữ giá dầu tăng cao lên. Thế nhưng giá dầu tăng quá cao lại là kẻ thù đối với các chính sách hồi phục kinh tế của nước Mỹ.
Cuộc họp của nhóm OPEC+ không đạt được thỏa thuận về sản lượng đã dẫn tới những ảnh hưởng không nhỏ đối với giá dầu thế giới, đặc biệt tại Mỹ |
CNN giải thích, nếu nhóm này không tăng sản lượng thì giá xăng dầu tại Mỹ, vốn đang ở mức cao trong 7 năm qua, sẽ còn tăng cao hơn. Không vị tổng thống nào muốn điều đó, bởi nó sẽ làm lạm phát leo thang, ảnh hưởng tới túi tiền của người Mỹ khi đang phải đi lại nhiều hơn, giúp khôi phục kinh tế hậu Covid-19.
Vì vậy theo Bloomberg, nếu thỏa thuận tăng sản lượng không được kéo dài giữa 23 nước thuộc OPEC+, giá dầu sẽ vẫn ở quanh ngưỡng 70 USD. Đây sẽ là mức giá quá hấp dẫn với các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ.
Theo JPMorgan, các hãng dầu đá phiến sẽ sẵn sàng khởi động guồng sản xuất trở lại.
Nhật báo phố Wall tiết lộ phía Mỹ trước đó đã thúc giục các nước nhanh chóng đạt được thỏa thuận để tăng sản lượng, khiến giá dầu giảm. Các quan chức Mỹ thậm chí còn làm việc với từng nước để mong nhóm đạt được giải pháp gia tăng sản lượng. Điều đó có nghĩa phía Mỹ tăng sản lượng là điều bất khả kháng để bảo vệ thành quả hồi phục kinh tế, dù Mỹ chỉ đang chiếm 20% thị phần xuất khẩu dầu lửa thế giới.
Đây là bước đi khiến nhóm OPEC+ buộc phải lựa chọn hoặc là tiếp tục không tăng sản lượng, chấp nhận giảm thị phần, nhưng có được mức giá cao hơn, hoặc tăng sản xuất, giành lại thị phần nhưng thu về được ít lợi nhuận hơn.
M.C (tổng hợp)
-
Tổng thống Putin: Nga không từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu
-
Tin Thị trường: Giá dầu giảm sốc phiên đầu tuần
-
Giá vàng hôm nay (28/10): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá dầu hôm nay (28/10): Bất ngờ giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Liên minh Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm giải pháp thuế quan xe điện