Tin tức kinh tế ngày 6/7: Covid-19 làm giảm 1% thu nhập bình quân của người dân
Chỉ số ngành công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ
Theo Bộ Công Thương, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,6%, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp.
Ngoài ra, tính chung 6 tháng, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%. Riêng ngành khai khoáng giảm 6% trong 6 tháng qua.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 6/2021 ước tính tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái; tương tự, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,6% và tăng 8,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9% và tăng 6%. Riêng chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm 2,3% so với tháng trước và giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản xuất kinh loại tăng cao so với cùng kỳ |
Cũng theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như sản xuất kim loại tăng 37%; sản xuất xe có động cơ tăng 33,1%; sản xuất máy móc, thiết bị tăng 17,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12,9%.
Ngoài ra, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 12,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 11,2%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 10,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,1%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số giảm như khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,1%; khai thác than cứng và than non giảm 4,4%.
Covid-19 làm giảm 1% thu nhập bình quân của người dân
Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 được Tổng cục Thống kê công bố hôm nay (6/7) cho thấy, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019. Nguyên nhân được cho dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập. Đáng chú ý, mức sống vẫn có sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa các vùng.
Covid-19 làm giảm 1% thu nhập bình quân của người dân |
Theo đó, trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng tăng bình quân 8,2%. Tuy nhiên, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2020 ở khu vực thành thị vẫn cao hơn so với khu vực nông thôn 1,6 lần.
Trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,4%, thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 11,2%, thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,9%, thu khác chiếm 10,5%.
Mặc dù thu nhập giảm nhẹ trong năm 2020 nhưng chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước vẫn tăng 13% so với 2018 (l2,89 triệu đồng/người/tháng). Tuy nhiên, do năm 2020 là một năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nên chi tiêu năm này tăng chậm hơn so với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016).
Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng, chênh lệch giữa hai khu vực là 1,6 lần.
Quy chế giao dịch chứng khoán mới tại HOSE
Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vừa ban hành Quyết định 352/QĐ-SGDHCM về quy chế giao dịch chứng khoán tại HOSE. Quy chế giao dịch mới này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 5/7/2021.
Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vừa ban hành Quyết định 352/QĐ-SGDHCM về quy chế giao dịch chứng khoán tại HOSE |
Quy chế mới do HOSE ban hành sẽ không có nhiều thay đổi so với quy chế giao dịch đang được áp dụng trước đó.
Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF được quy định là 7% so với giá tham chiếu.
Biên độ dao động giá đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF trong ngày giao dịch đầu tiên là 20% so với giá tham chiếu.
Đối với trường hợp trả cổ tức hoặc thưởng bằng cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu, biên độ dao động giá của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng trong ngày giao dịch không hưởng quyền là 20% so với giá tham chiếu.
Trường hợp chào bán cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu thì sẽ không thực hiện điều chỉnh biên độ dao động giá vào ngày giao dịch không hưởng quyền.
Giao dịch lô chẵn đối với phương thức khớp lệnh là 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền. Mỗi lệnh giao dịch lô chẵn không được vượt quá khối lượng tối đa là 500.000 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền.
Quy chế cũng quy định thêm về việc sửa, hủy lệnh đối với giao dịch khớp lệnh. Trong trường hợp cần thiết, HOSE có quyền yêu cầu công ty chứng khoán thành viên tạm ngừng việc sửa, hủy lệnh trong thời gian khớp lệnh liên tục sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Cũng kể từ ngày 5/7, HOSE sẽ đưa hệ thống giao dịch mới do Công ty cổ phần FPT cung cấp (giải pháp xử lý sự cố giao dịch) vào vận hành chính thức.
Hệ thống mới đặt mục tiêu năng lực 3-5 triệu lệnh/ngày và bỏ cơ chế phân bổ lệnh, các công ty chứng khoán đẩy lệnh theo đúng năng lực, làm chủ năng lực công nghệ.
Ngân hàng nào đang có lãi suất tiết kiệm hấp dẫn nhất tháng 7/2021?
Về bảng xếp hạng mức lãi suất cao nhất tháng 7/2021, ngân hàng OCB vẫn duy trì ở vị trí thứ 1 với lãi suất 8,2%/năm. Mức lãi suất này áp dụng cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng và được dựa theo biểu lãi suất cơ sở của ngân hàng.
Ngân hàng OCB vẫn duy trì ở vị trí thứ 1 với lãi suất 8,2%/năm |
Tiếp sau là ACB với mức 7,4%/năm. Ngân hàng này áp dụng cho các khoản tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng.
Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng, mức tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên và khách hàng cam kết không được tất toán trước hạn được Techcombank ưu đãi mức lãi suất 7,1%/năm.
Một số ngân hàng cũng có mức lãi suất tiết kiệm cao như MSB với 7,0%/năm; LienVietPostBank với 6,99%/năm; HDBank với 6,95%/năm; MBBank và VietABank cùng 6,9%/năm… Tuy nhiên, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên.
Ở phía cuối của bảng xếp hạng là nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Trong đó BIDV, VietinBank, Agribank cùng có lãi suất cao nhất là 5,6%/năm.
Riêng Vietcombank trong tháng 7 có động thái tăng lãi suất tại nhiều kỳ hạn gửi. Song mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này vẫn ghi nhận được ở mức 5,5%/năm. Đồng thời đây cũng đang là mức lãi suất huy động thấp nhất trong số 30 ngân hàng được khảo sát.
M.C
-
Giá điện có thể được điều chỉnh tăng gần 10%
-
TP HCM: Khai mạc Hội thi tay nghề thanh niên năm 2024
-
Giá bán lẻ điện tăng 4,8% từ 11/10: EVN khẳng định mức tăng hài hòa an sinh xã hội
-
Người lao động "thắt chặt" chi tiêu dù thu nhập bình quân tháng tăng 7,4%
-
Những điểm mới của Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần