Tin tức kinh tế ngày 7/6: Sắp đưa vào vận hành hơn 30 nhà máy điện mặt trời
Đưa vào vận hành hơn 30 nhà máy điện mặt trời trong tháng 6
Hệ thống pin nhà máy điện Mặt Trời trên hồ thủy điện Đa Mi. (Ảnh: TTXVN) |
Theo báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 6, Tập đoàn dự kiến sẽ đưa tiếp hơn 30 nhà máy điện Mặt Trời vào vận hành, nâng tổng số lên khoảng hơn 80 nhà máy.
Hiện nay, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) đã chuẩn bị các phương án thi công đấu nối và thử nghiệm các nhà máy điện Mặt Trời; chuẩn bị nguồn dự phòng riêng cho miền Trung và miền Nam tùy theo khả năng của các dự án năng lượng tái tạo. Đồng thời, A0 cũng có chế độ vận hành phù hợp các đường dây 500 kV, giám sát chất lượng điện năng... đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện.
Tính đến ngày 31/5, cả nước đã có 50 nhà máy điện Mặt Trời vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 2.481,4 MW, sản lượng đã phát trong tháng Năm là 185,33 triệu kWh; 7 nhà máy điện gió đã được đưa vào vận hành với tổng công suất lắp đặt là 331 MW và các nhà máy điện gió đã phát trong tháng 5 là 14,5 triệu kWh.
Với nhận định tháng 6 là tháng cao điểm mùa khô và nắng nóng, EVN dự kiến sản lượng điện bình quân toàn hệ thống trong tháng 6/2019 dự kiến ở mức 701 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất khoảng 39.040 MW. Mục tiêu vận hành là đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc-Nam trong điều kiện truyền tải cao cho miền Nam; tiếp tục huy động cao các nguồn nhiệt điện than, tuabin khí, đồng thời khai thác các hồ thủy điện theo nước về, đảm bảo yêu cầu cấp nước cho hạ du cho các địa phương.
Đề xuất đầu tư nửa tỷ USD làm xe buýt điện 17 chỗ ở TP HCM
Một chiếc buýt điện chạy thử tại Seoul (Hàn Quốc) vào tháng 11/2018. (Ảnh: Digital Chosun) |
Theo biên bản ghi nhớ hợp tác giữa DATAM (Hàn Quốc) và Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (Sở Giao thông Vận tải TP HCM) được ký sáng 7/6, DATAM đại diện cho một liên doanh đề xuất triển khai dự án BRT xe buýt điện tại TP HCM với tổng vốn đầu tư 525 triệu USD.
Về phía DATAM cho rằng, làm BRT (buýt nhanh) mà không mở rộng thêm đường thì rất khó triển khai nên trong điều kiện đường sá chật hẹp của TP HCM. Vì vậy giảm bớt kích cỡ xe buýt, với chiều rộng chỉ to hơn ôtô một chút để không lấn chiếm lòng đường, là giải pháp.
Trong tổng vốn 525 triệu USD, 300 triệu USD sẽ dùng để sản xuất 20.000 xe buýt điện và 225 triệu USD để trang bị đèn đường LED năng lượng mặt trời tích hợp camera AI và wifi miễn phí. Trong giai đoạn đầu, chi phí đầu tư thí điểm cho một tuyến đường 2 chiều với khoảng cách 30 km là 10 triệu USD.
Nhận xét về đề xuất, lãnh đạo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ) đánh giá cao ý tưởng nhưng băn khoăn về việc loại xe buýt này vẫn cần làn đường riêng, vốn rất khó với điều kiện đường sá tại TP HCM, nhất là vào giờ cao điểm.
Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM đánh giá giải pháp này là phù hợp với định hướng phát triển, hạ tầng của thành phố cũng như chủ trương giảm phát thải; đồng thời cho biết sẽ tập trung trao đổi, nghiên cứu cụ thể hơn để dự án phù hợp với quy định đầu tư, hạ tầng các tuyến và thói quen đi lại cũng người dân.
Hội đồng quản trị CCL miễn nhiệm đại gia xăng dầu miền Tây
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long (mã CK: CCL) vừa thông báo biên bản họp Hội đồng quản trị, thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Trịnh Sướng kể từ ngày 6/6.
Lý do được Hội đồng quản trị CCL đưa ra là ông Trịnh Sướng bị khởi tố điều tra vụ án kinh tế riêng của cá nhân ông. Đồng thời, ban lãnh đạo CCL cũng khẳng định việc này không liên quan và ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.
Theo báo cáo quản trị mới công bố, tính tới cuối năm 2018, ông Sướng là cổ đông có sở hữu lớn nhất trong ban lãnh đạo của CCL, nắm 5 triệu cổ phiếu, tương đương 10,53% vốn điều lệ doanh nghiệp. Với thị giá cổ phiếu CCL ở mức 4.280 đồng, lượng cổ phần này có giá trị khoảng 21,4 tỷ đồng.
Ở miền Tây, ông Trịnh Sướng cũng được biết đến là đại gia có hệ thống kinh doanh xăng dầu ở Sóc Trăng. Thời gian gần đây, ông còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và có hàng hóa lưu kho tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Đăk Nông.
Chiều 3/6, Công an tỉnh Đăk Nông đã thông báo quyết định khởi tố ông Trịnh Sướng cùng 22 người khác về hành vi Sản xuất và buôn bán hàng giả là xăng dầu.
Xuất khẩu trên 13.000 tấn vải quả tươi qua cửa khẩu Tân Thanh
Từ giữa tháng Năm đến nay, hơn 13.000 tấn quả vải tươi đã được xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. (Ảnh: TTXVN) |
Ngày 7/6, Chi cục Hải quan Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ 13/5/2019 đến nay, Chi cục đã làm thủ tục xuất khẩu cho trên 13.000 tấn vải quả tươi sang Trung Quốc, với kim ngạch đạt gần 3,5 triệu USD.
Mặt hàng vải quả tươi xuất khẩu qua Tân Thanh chủ yếu vào thời điểm giữa tháng Năm đến cuối tháng Sáu hằng năm. Để chủ động tránh việc ách tắc hàng hóa, nhất là thời điểm chính vụ thu hoạch vải, các lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu đã có kế hoạch phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng vải quả tươi nhanh chóng trong ngày.
Lãnh đạo Chi cục Hải Quan Tân Thanh cho biết thêm, năm nay, phía Trung Quốc chỉ chấp nhận làm thủ tục nhập khẩu đối với những lô quả vải không còn lá và có cuống chùm dài khoảng 5cm. Đối với những lô vải có lẫn lá và cuống dài sẽ bị trả lại do lo ngại sâu bệnh gây hại. Sau khi nhận được thông tin trên, Hải quan Tân Thanh đã chủ động thông báo tới cộng đồng doanh nghiệp để chủ động trong việc xuất khẩu.
Thị trường thực phẩm chế biến sẵn sôi động dịp Tết Đoan Ngọ
Rượu nếp, nếp cẩm là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: Vietnam+) |
Ghi nhận tại thị trường TP HCM ngày 7/6, tức mùng 5/5 Âm lịch-Tết Đoan Ngọ, thị trường thực phẩm chế biến sẵn có sức mua tăng cao và bán buôn sôi động so với ngày thường; trong đó, có thể kể đến những mặt hàng như bánh ú, cơm rượu, nếp cẩm, chè, trái cây.
Năm nay, bánh ú được bán với giá dao động từ 40.000-120.000 đồng/chục (10 đến 12 cái, tùy loại nhân). Cơm rượu, nếp cẩm có giá bán phổ biến 60.000 đồng/kg, còn ở một số cửa hàng đặc sản có giá cao hơn, với mức chênh lệch từ 10.000-30.000 đồng/kg, tùy nguồn cung cấp và thương hiệu sản phẩm.
Với người Nam Bộ, bánh ú, cơm rượu, nếp cẩm, chè, trái cây, hoa tươi, bó lá xông… là những sản vật không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ. Vì vậy, tại thị trường TP HCM tiêu thụ hàng ngàn sản phẩm bánh ú; trong đó xóm bánh ú thuộc khu vực quận 8 cung cấp ra thị trường bình quân khoảng 200.000 sản phẩm.
Theo một số đơn vị kinh doanh, sức mua những mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn đã tăng 10-20% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, sức mua sẽ tiếp tục tăng trong phiên chợ cuối ngày, mang lại doanh thu cao cho các đơn vị bán buôn trong ngành hàng thực phẩm chế biến sẵn.
Lâm Anh (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 27/10: Thanh, kiểm tra các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 26/10: Nợ nước ngoài của Chính phủ giảm nhanh
-
Tin tức kinh tế ngày 25/10: Thu ngân sách cả năm 2024 ước tăng trên 10%
-
Tin tức kinh tế ngày 22/10: Nhập khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Tin tức kinh tế ngày 28/10: Tín dụng bất động sản chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế
-
Không khoan nhượng trong “cuộc chiến” thương mại điện tử
-
190 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024
-
Tổng thống Putin: Nga không từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu
-
Tin Thị trường: Giá dầu giảm sốc phiên đầu tuần