Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (24-28/7/2023)
Tập đoàn dầu khí OMV của Áo ngày 28/7 công bố "phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất nước Áo trong 40 năm qua" với hy vọng hạn chế phụ thuộc năng lượng vào Nga. Nhân dịp công bố lợi nhuận kinh doanh, OMV đã báo cáo kết quả thăm dò một mỏ khí ở bang Lower Austria, phía đông bang Vienna, sau 5 tháng làm việc. Mỏ khí này được khoan ở độ sâu 5.000m, dự kiến chứa 28 triệu thùng dầu tương đương, giúp "tăng sản lượng nội địa lên 50%", theo một thông cáo báo chí.
Tập đoàn năng lượng BP và công ty dầu khí tích hợp OMV của Áo đã ký một thỏa thuận mua bán dài hạn (SPA) để cung cấp tới 1 triệu tấn LNG mỗi năm. Theo hợp đồng này, BP sẽ cung cấp LNG cho OMV bắt đầu từ năm 2026. LNG sẽ được lấy từ danh mục đầu tư toàn cầu của BP, được nhận và tái hóa khí thông qua kho cảng Gate LNG ở Rotterdam, Hà Lan - nơi OMV tái hóa khí hoặc các cảng khác ở Châu Âu.
Công ty TNHH Phát triển Dầu khí Pakistan (OGDCL), Công ty TNHH Dầu khí Pakistan (PPL), Công ty Dầu mỏ Nhà nước Pakistan (PSO) và Công ty TNHH GHPL, sẽ hợp tác với Saudi Aramco trong dự án nhà máy lọc dầu Greenfield khổng lồ trị giá 10 tỷ USD tại cảng Gwadar. Dự án có khả năng đảm bảo nguồn cung cấp dầu cho Pakistan từ một quốc gia thân thiện hơn. Thỏa thuận mới thuận lợi cho Pakistan khi nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu dự trữ ngoại hối nghiêm trọng và có nguy cơ vỡ nợ đối với các nghĩa vụ nợ của mình. Pakistan từ lâu đã là một đồng minh thân cận của phương Tây và là đối thủ không đội trời chung của nước láng giềng Ấn Độ, quốc gia đã ồ ạt nhập khẩu dầu Urals giá rẻ.
Tập đoàn TotalEnergies của Pháp, vừa công bố 4,1 tỷ USD lợi nhuận ròng trong quý hai, vẫn là khách hàng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai của Nga. Hôm thứ Năm, tổ chức phi chính phủ Global Witness đã kêu gọi châu Âu cấm giao dịch này để tránh tiếp nhiên liệu cho cái mà họ gọi là "cỗ máy chiến tranh" của Nga. Tổ chức phi chính phủ cáo buộc tập đoàn này thu được lợi nhuận một phần nhờ nhập khẩu LNG từ Nga, nơi họ ký kết một hợp đồng dài hạn với mỏ khí đốt khổng lồ ở Yamal, phía Bắc Siberia. Global Witness trong một tuyên bố nhắc lại "kêu gọi EU và các quốc gia thành viên, bao gồm cả Pháp, cấm nhập khẩu và buôn bán LNG của Nga". Kể từ đầu năm đến nay, "Total đã mua gần 4,2 triệu m3 LNG của Nga", khiến doanh nghiệp trở thành "người mua LNG lớn thứ hai tại quốc gia này", tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại London cho biết.
Cũng trong tuần qua, TotalEnergies đã bắt đầu khoan các giếng dầu đầu tiên ở Uganda trong khuôn khổ siêu dự án Tilenga. Tuy nhiên dự án này đang vấp phải sự chỉ trích của các hiệp hội môi trường và nhân quyền, theo nhiều nguồn tin.
Novatek, công ty khí đốt độc lập lớn nhất của Nga, đã công bố kết quả tài chính trong hai quý đầu tiên của năm nay, đánh dấu lần đầu tiên công ty này công bố số liệu hàng quý kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm ngoái, Upstream Online đưa tin. Lần cuối cùng Novatek công bố kết quả kinh doanh là quý 4/2021 và sau đó ngừng đưa ra bất kỳ dữ liệu nào vào năm 2022. Công ty được cho là lợi dụng quyết định của Chính phủ Nga cho phép các doanh nghiệp ngừng công bố thông tin nếu họ tin rằng việc đó có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt quốc tế. Trong báo cáo lần này, công ty ghi nhận tổng doanh thu 315 tỷ rúp (3,5 tỷ USD) trong cả quý đầu tiên và thứ hai của năm nay, với lợi nhuận ròng lần lượt là 63 tỷ rúp và 93 tỷ rúp.
Hai ông lớn dầu khí lớn Exxon Mobil Corp. và Chevron Corp. đều dự đoán báo cáo lợi nhuận quý II/2023 giảm đáng kể khi công bố vào ngày 28/7 do sự sụt giảm mạnh giá dầu khí so với một năm trước. Trong khi đó, Chevron cũng dự kiến kết quả hoạt động không tốt, khi công ty thông báo với các nhà đầu tư vào đầu tuần này rằng họ dự kiến thu nhập quý II sẽ giảm gần 50% so với quý trước đó.
PT Pertamina (Persero) đã chuyển sang sử dụng công nghệ khoan phi truyền thống vì có vẻ như sẽ đạt được mục tiêu khai thác của mình. Công ty đã đánh dấu một cột mốc quan trọng bằng việc triển khai công nghệ này tại giếng thăm dò đầu tiên ở mỏ Duri thuộc Lô Rokan.
Ngày 25/7, Eni đã công bố việc mua lại cổ phần của đối thủ cạnh dầu khí Chevron (Mỹ) tại 3 mỏ khí đốt ngoài khơi Indonesia, giúp Eni tăng cường sự hiện diện tại quốc gia Đông Nam Á này. Eni sẽ tiếp quản 62% cổ phần do Chevron nắm giữ trong các lô Ganal PSC và Rapak PSC cũng như 72% cổ phần trong Makassar Straits PSC, thuộc lưu vực Kutei, ngoài khơi phía đông Kalimantan (Đảo Borneo), tập đoàn cho biết trong một thông cáo báo chí. Tập đoàn Eni của Ý hiện nắm giữ 20% cổ phần trong các lô Ganal và Rapak, giống như Makassar Straits PSC, đây là một phần trong dự án khai thác khí đốt nước sâu của Indonesia. Số tiền giao dịch không được công bố. Vào cuối tháng 6 vừa qua, Eni đã hoàn tất giao dịch thu mua tập đoàn năng lượng Neptune Energy của Anh tại Indonesia với giá 4,9 tỷ USD.
Công ty Indonesia Pertamina và công ty Malaysia Petronas hôm thứ Ba đã ký một thỏa thuận với Shell để tiếp quản 35% cổ phần của họ trong các mỏ khí đốt tự nhiên Masela với mức giá lên đến 650 triệu USD, thúc đẩy dự án tiến triển sau nhiều năm bị trì hoãn. Pertamina Hulu Energi sẽ nắm giữ 20% và Petronas Masela Sdn Bhd 15% cổ phần của dự án, các công ty cho biết trong lễ ký kết tại hội nghị Hiệp hội Dầu khí Indonesia. Số tiền phải thanh toán ngay là 325 triệu USD, cộng thêm 325 triệu USD sẽ được thanh toán khi quyết định đầu tư cuối cùng (FID) được đưa ra cho dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Abadi, Shell cho biết trong một tuyên bố. Abadi LNG, do công ty Inpex của Nhật quản lý, sẽ sử dụng khí đốt từ các mỏ Masela để sản xuất 9,5 triệu tấn LNG mỗi năm. Shell cho biết thêm, giao dịch dự kiến sẽ kết thúc vào quý 3, tùy thuộc vào một số điều kiện, bao gồm cả sự chấp thuận của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (10-15/7/2023) |
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (16-22/7/2023) |
Nh.Thạch
AFP
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới dự kiến sa thải 17.000 nhân viên
-
Ấn Độ trên hành trình trở thành gã khổng lồ về “vàng trắng”
-
Nga dự kiến chi hơn 500 triệu USD xây dựng kho dự trữ kim loại quý
-
Trung Quốc “kiềm chế” mua vàng tháng thứ năm liên tiếp