Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (20-25/11/2023)
Gazprom hôm thứ Năm tuần trước thông báo rằng họ đang xem xét giảm 20% khoản đầu tư trong năm 2024, một dấu hiệu cho thấy những khó khăn mà gã khổng lồ khí đốt Nga đang gặp phải, do ảnh hưởng từ việc đóng cửa thị trường châu Âu và sự cố tại các đường ống Nord Stream. Việc cắt giảm chương trình đầu tư năm 2023, khoảng 3,4 tỷ euro, đã phản ánh tình trạng tài chính mỏng manh của tập đoàn, trụ cột chính của nền kinh tế Nga đã bị phương Tây trừng phạt gần hai năm qua. Trong 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận ròng của Gazprom giảm 44% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 4,6 tỷ euro. Gã khổng lồ khí đốt bị ảnh hưởng nặng nề bởi quyết tâm trừng phạt của người châu Âu, khách hàng chính của họ ở nước ngoài trước cuộc xung đột giữa của Nga và Ukraine, nhằm chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow. Vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 vào tháng 9/2022 đã khiến việc cung cấp khí đốt của Nga sang Liên minh châu Âu gần như bị đình trệ hoàn toàn.
Cũng trong tuần qua, Forbes công bố Gazprom đã đứng đầu bảng xếp hạng các nhà đầu tư lớn nhất nước Nga của tạp chí này trong năm thứ hai liên tiếp. Ngoài ra, ba công ty hàng đầu còn bao gồm cả tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga với khoản đầu tư 12,7 tỷ USD và công ty con của tập đoàn năng lượng hạt nhân khổng lồ Rosatom, Atomenergoprom, với 8,8 tỷ USD.
Eni của Ý sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào việc phát triển mỏ Baleine ngoài khơi Bờ Biển Ngà, sẽ diễn ra theo ba giai đoạn từ 2023 đến 2027, Bộ trưởng Năng lượng Mamadou Sangafowa Coulibaly cho biết hôm thứ Năm 23/11. Mỏ Baleine, nơi có trữ lượng được chứng nhận ước tính khoảng 2,5 tỷ thùng dầu và 3,3 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên, được tập đoàn năng lượng Ý phát hiện vào năm 2021 ngoài khơi bờ biển phía đông của quốc gia Tây Phi này. Bộ trưởng Năng lượng cho biết sản lượng dầu thô của mỏ này sẽ đạt 200.000 thùng/ngày vào năm 2027, so với 30.000 thùng/ngày vào năm 2023.
Cơ quan bảo vệ môi trường Brazil Ibama dự kiến sẽ quyết định vào đầu năm tới liệu công ty dầu khí nhà nước Petrobras có thể khoan gần cửa sông Amazon hay không, Chủ tịch Ibama Rodrigo Agostinho cho biết vào thứ Tư 22/11. Khu vực này là một phần Rìa Xích đạo của Brazil, nơi Petrobras coi là biên giới mới đầy hứa hẹn nhất cho hoạt động thăm dò dầu khí. Quyết định khoan trong khu vực này đã gây ra nhiều tranh cãi do tính đa dạng sinh học và vị trí gần rừng nhiệt đới Amazon.
Tập đoàn Chevron (Mỹ) đang có một bước ngoặt chiến lược lớn. Gần đây, công ty đã đình chỉ hoạt động phát triển tài sản đá phiến ở một khu vực trọng điểm, đánh dấu một bước đi tiềm năng trong chiến lược tái cơ cấu tổng thể của mình. Động thái này diễn ra sau một số thương vụ mua lại quan trọng, nêu bật những lựa chọn chiến lược của Chevron trong một lĩnh vực không ngừng phát triển.
Equinor (EQNR) đang tìm cách đưa sản lượng dầu tại các cơ sở sản xuất ở Na Uy về mức tương đương của năm 2020 vào cuối thập kỷ này, đồng thời mở rộng mục tiêu sản xuất đó đến năm 2035, Reuters đưa tin hôm thứ Ba, dẫn lời người đứng đầu hoạt động của Công ty tại Na Uy, Kjetil Hove. Equinor dự định khoan khoảng 30 giếng thăm dò dầu khí ở Na Uy vào năm 2024 và 5 đến 6 giếng ở nước ngoài, Hove và người đứng đầu hoạt động quốc tế của công ty, Philippe Mathieu, cho biết bên lề một hội nghị được tổ chức ở Na Uy.
Hơn 165 triệu euro tiền phạt (1,84 tỷ dirham) đối với 9 công ty dầu mỏ bị cáo buộc có hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường phân phối hydrocarbon ở Maroc. Quyết định này được công bố tuần qua bởi hội đồng cạnh tranh, cuộc điều tra đã phát hiện ra sự thông đồng giữa các công ty này. TotalEnergies, Afriquia, Vivo Energy của Pháp và 6 công ty dầu khí khác được xác định sẽ phải trả tổng số tiền tương đương hơn 165 triệu euro.
Nh.Thạch
AFP
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới dự kiến sa thải 17.000 nhân viên
-
Ấn Độ trên hành trình trở thành gã khổng lồ về “vàng trắng”
-
Nga dự kiến chi hơn 500 triệu USD xây dựng kho dự trữ kim loại quý
-
Trung Quốc “kiềm chế” mua vàng tháng thứ năm liên tiếp