Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (18-23/9/2023)
Ngày 22/9, Liên minh công đoàn và Chevron đã chấp nhận các đề xuất về lương và điều kiện làm việc từ trọng tài công nghiệp của Úc đối với nhà máy LNG Gorgon và Wheatstone, đồng thời các công nhân chuẩn bị chấm dứt đình công. Thỏa thuận này sẽ chấm dứt cuộc chiến tiền lương, đã làm sôi động thị trường khí đốt toàn cầu trong 6 tuần và khiến giá LNG tăng tới 35% trong tháng 8. Thị trường dịu bớt sau khi tranh chấp liên quan đến nhà máy LNG lớn nhất nước do Woodside Energy điều hành được giải quyết.
Repsol đã bắt đầu các thủ tục khiếu nại nhà xuất khẩu khí đốt Venture Global của Mỹ với cáo buộc không thực hiện hợp đồng khí đốt tự nhiên hóa lỏng, Reuters đưa tin, trích dẫn các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này. Theo báo cáo, tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha muốn Phòng Thương mại Quốc tế buộc Venture Global phải đáp ứng các nghĩa vụ hợp đồng hoặc bồi thường cho họ. Venture Global được cho là đã thông báo với Repsol rằng họ sẽ không thể cung cấp hàng hóa cho đến cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Repsol cùng với các đối tác châu Âu là BP, Shell và Eddison tuyên bố rằng Venture Global đã phá vỡ hợp đồng dài hạn của họ để cung cấp LNG từ một nhà máy đã hoạt động được 18 tháng. Công ty Mỹ cho biết thiết bị điện bị lỗi đang khiến nhà máy không thể hoạt động hết công suất.
BP và Shell đã đạt được thỏa thuận với Trinidad và Tobago để thăm dò 3 lô nước sâu và khai thác hydrocarbon ở quốc gia Caribe này, Bộ trưởng Năng lượng Stuart Young cho biết vào thứ Năm 21/9. Thỏa thuận này sẽ giúp Trinidad tăng tốc hoạt động thăm dò và khai thác ngoài khơi để có thêm khí đốt tự nhiên nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp hóa dầu và LNG.
Tập đoàn năng lượng Eni của Ý đang lên kế hoạch cho những động thái tích cực hơn ở Indonesia sau loạt thương vụ mua lại gần đây tại đây khi công ty này tìm cách giảm lượng khí đốt của Nga trong danh mục đầu tư của mình, Nikkei Asia đưa tin. Eni vào tháng 7 đã công bố mua lại cổ phần từ ông lớn dầu mỏ Mỹ Chevron trong dự án Deepwater của Indonesia, một dự án khí đốt ngoài khơi lớn ở lưu vực Kutai ngoài khơi tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Thỏa thuận đó theo sau thông báo của Eni vào tháng 6 rằng họ đang hợp tác với Var Energy của Na Uy để mua lại Neptune Energy với giá 4,9 tỷ USD. Việc mua lại bao gồm tài sản khí đốt của Neptune ở Indonesia, nơi công ty này đã chia sẻ giấy phép với công ty có trụ sở tại Ý.
Exxon Mobil dự kiến thu nhập từ nhiên liệu động cơ và hóa chất sẽ đạt 16 tỷ USD vào năm 2027, tăng khoảng 4 tỷ USD so với mức hiện tại khi nhu cầu tiếp tục tăng, các giám đốc điều hành cho biết hôm thứ Tư 20/9. Exxon đã kết hợp các hoạt động kinh doanh hóa chất và lọc dầu từng tách biệt của mình để nhanh chóng chuyển đổi giữa nhiên liệu và hóa chất, dựa trên đó mang lại lợi nhuận cao nhất. Chính phủ Mỹ cho biết triển vọng về nhiên liệu của nước này khác với nhóm các quốc gia tiêu thụ dầu, dự kiến việc sử dụng dầu làm nhiên liệu vận tải tại đây sẽ giảm sau năm 2026. Việc sử dụng xăng của Mỹ đã đạt đỉnh vào năm 2018.
Cũng trong tuần qua, Exxon sẽ tăng sản lượng dầu thô ở Nigeria thêm 40.000 thùng/ngày, người phát ngôn của Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, Ajuri Ngelale, cho biết. Nigeria từ lâu đã có nguyện vọng tăng sản lượng dầu thô, gần đây nhất hứa hẹn sẽ tăng sản lượng lên 1,7 triệu thùng/ngày vào tháng 11 năm nay. Thời điểm hiện tại, Exxon đang cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy khai thác. Lời hứa của Exxon có thể tạo thêm sức nặng cho việc tăng sản lượng đã được công bố.
Tập đoàn TotalEnergies của Pháp hôm thứ Tư 20/9 công bố rằng họ đang đầu tư 300 triệu USD vào việc thành lập một liên doanh phát triển năng lượng gió và mặt trời với tập đoàn Adani của Ấn Độ, nhằm “tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường năng lượng tái tạo Ấn Độ”. Khoản đầu tư được TotalEnergies công bố cho thấy sự tự tin của tập đoàn Pháp bất chấp những sự kiện này, với việc TotalEnergies đã hợp tác đầu tư cùng với Adani trong vài năm. "TotalEnergies và Adani Green Energy Limited (AGEL) đã thông báo rằng họ đã ký một thỏa thuận ràng buộc để thành lập một liên doanh mới, thuộc sở hữu ngang nhau" của hai công ty "và có danh mục đầu tư", "cả năng lượng mặt trời và năng lượng gió là 1.050 MWac", TotalEnergies nêu rõ trong thông cáo báo chí.
Người đứng đầu Equinor tại Canada cho biết hôm thứ Ba 19/9, ông có nhiều lạc quan về việc công ty Na Uy sẽ tiến hành dự án ngoài khơi Bay du Nord, 4 tháng sau khi trì hoãn do chi phí tăng cao. Bay du Nord, nằm xa bờ biển Newfoundland và Labrador của Đại Tây Dương, có thể là một trong những dự án dầu mỏ lớn nhất của Canada trong nhiều năm. Dự án đã nhận được sự ủng hộ hiếm hoi từ chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau. Ông vốn cho rằng Bay du Nord sẽ tạo ra lượng khí thải tương đối thấp. Trước đó, Equinor đã lên kế hoạch khai thác dòng dầu đầu tiên vào cuối những năm 2020 và trữ lượng 500 triệu thùng có thể phục hồi của họ có thể kéo dài 20 năm. Ước tính chi phí được công khai cuối cùng cho Bay du Nord là 16 tỷ đô la Canada (11,90 tỷ USD) trước khi có quyết định hoãn lại. Ông Løseth cho biết ước tính riêng cho dự án này đã tăng cao hơn đáng kể.
Cũng trong tuần qua, Equinor đã quyết định phát triển một phát hiện ngoài khơi đã 45 năm tuổi gần mỏ Gina Krog để kéo dài tuổi thọ mỏ này và tăng cường an ninh năng lượng châu Âu, theo Upstream Online. Khoản đầu tư trị giá 4 tỷ Krone (373 triệu USD) sẽ giúp phát triển trữ lượng có thể thu hồi được là 27,6 triệu thùng dầu tương đương, phần lớn trong số đó là khí đốt. Eirin, được phát hiện vào năm 1978, sẽ được phát triển như một kết nối dưới biển với giàn khoan Gina Krog. Dự án này dự kiến sẽ đi vào khai thác năm 2025.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (4-9/9/2023) |
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (11-16/9/2023) |
Nh.Thạch
AFP
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới dự kiến sa thải 17.000 nhân viên
-
Ấn Độ trên hành trình trở thành gã khổng lồ về “vàng trắng”
-
Nga dự kiến chi hơn 500 triệu USD xây dựng kho dự trữ kim loại quý
-
Trung Quốc “kiềm chế” mua vàng tháng thứ năm liên tiếp