Tín dụng “đen“ và những chiêu trò hút máu dân nghèo
Nặng lãi - bóng ma đoạt mạng
Ông Y., (ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) là một trong số các nạn nhân của nhóm người cho vay nặng lãi quê Hải Phòng. Theo lời kể của ông Y., trước đó mấy tháng, gia đình ông cần tiền gấp để xoay xở làm ăn. Thông qua tờ rơi quảng cáo “cho vay lãi suất thấp”, ông đã liên hệ số điện thoại trên tờ rơi và gặp nhóm Bùi Văn Thịnh (26 tuổi, quê Hải Phòng).
Sau đó, nhóm của Thịnh gồm Vũ Văn Mạnh (26 tuổi), Hoàng Văn Cương (27 tuổi), Lê Trung Hiếu (30 tuổi, cùng quê TP Hải Phòng) vào nhà ông Y. để xem xét tài sản và viết giấy cho vay số tiền 100 triệu đồng.
Tín dụng "đen" tạt sơn khủng bố nhà một phụ nữ do không còn khả năng trả nợ. |
“Mặc dù trong giấy vay nợ ghi vay 100 triệu nhưng nhóm của Thịnh chỉ đưa 80 triệu đồng. Họ cho biết, thu lại số tiền 20 triệu đồng cho 20 ngày lãi suất đầu và trong 50 ngày tiếp theo, tôi phải tiếp tục trả cả gốc lẫn lãi cho số tiền 100 triệu đồng”, ông Y. kể lại.
Do lãi suất quá cao, gia đình Y. không xoay xở kịp để trả nợ nên nhóm người này liên tục vào nhà đe dọa, đòi cưỡng đoạt tài sản. Ngày 1/10, các đối tượng tiếp tục đến nhà ông Y. để cưỡng đoạt tài sản thì bị lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk bắt quả tang, xử lý. Thông tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị này đã khởi tố 4 đối tượng gồm: Bùi Văn Thịnh, Vũ Văn Mạnh, Hoàng Văn Cương, Lê Trung Hiếu để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng và cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, ngày 1/10, phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk, bắt giữ đối tượng Thịnh khi đối tượng này đang có hành vi cưỡng đoạt hơn 100 triệu đồng của ông Y.
Theo cơ quan điều tra, nhóm của Thịnh từ TP Hải Phòng vào tỉnh Đắk Lắk cấu kết với Nguyễn Thị Ngọc Tiền (25 tuổi, ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) để hoạt động “tín dụng đen”. Để che mắt cho hoạt động phi pháp, nhóm tạo vỏ bọc bên ngoài bằng cách kinh doanh các dịch vụ cầm đồ, cho thuê xe tự lái, công ty vệ sĩ, tư vấn tài chính...
Hằng ngày, Thịnh chỉ đạo các đàn em in hàng trăm tờ quảng cáo “cho vay không cần chứng minh, hộ khẩu” rồi chia nhau đến các xã, huyện trên địa bàn tỉnh phát cho người dân hoặc dán trên các bờ tường, cột điện. Với hình thức trên, đã có 269 hộ dân sập bẫy, vay tiền và phải trả lãi suất cắt cổ. Qua điều tra, nhóm của Thịnh cho người dân vay 2,6 tỷ đồng với lãi suất 30%/tháng, tương đương 360%/năm.
Lãi mẹ đẻ lãi con
Tiếp cận một số nạn nhân của chiêu lừa này để tìm hiểu chiêu trò của nhóm đối tượng trên. Theo bà H’Bet Knul (ngụ xã Ea Bông, huyện Krông Ana), vào đầu tháng 9 vừa qua, gia đình bà có việc cần tiền gấp nhưng vay mượn nhiều nơi vẫn không được. Trong lúc túng quẫn, bà H’Bet thấy trên cột điện gần nhà có dán quảng cáo “cho vay tiền lãi suất thấp” nên bà đã liên hệ số điện thoại trên tờ quảng cáo. Sau cuộc điện thoại của bà H’Bet khoảng 30 phút, có 2 thanh niên tìm đến tận nhà để cho bà vay tiền.
Nhan nhản tờ rơi quảng cáo cho vay tín dụng đen công khai. |
“Hai thanh niên trên yêu cầu tôi đưa CMND và sổ hộ khẩu sau đó cho vay số tiền 30 triệu đồng mà không cần thủ tục rườm rà. Với số nợ trên, tôi phải trả mỗi ngày số tiền 750.000 đồng trong vòng 50 ngày (tương đương lãi suất 180%/năm). Do lãi suất quá cao, nhiều hôm gia đình tôi không gom đủ tiền để trả thì bị 2 thanh niên đến nhà đe dọa đánh, cắt tai, cắt gân chân khiến chúng tôi vô cùng sợ hãi”, bà H’Bet cho hay.
Tương tự bà H’Bet, bà H’Riăng Niê (ngụ cùng buôn) cũng lâm vào hoàn cảnh khốn đốn khi dính bẫy “tín dụng đen”. Theo bà H’Riăng, do cần tiền để mua phân để bón cho cà phê nên gia đình bà đã liên hệ với số điện thoại trên tờ rơi quảng cáo để vay nợ.
“Nhóm thanh niên đã đến tận nhà cho gia đình tôi vay 30 triệu đồng và chỉ cần thế chấp giấy CMND và sổ hộ khẩu. Khi đưa tiền nhóm thanh niên đã cắt lại 3 triệu đồng trong số tiền 30 triệu và nói đó là tiền lãi trong 5 ngày đầu và tôi phải trả góp mỗi ngày 750.000 đồng trong 50 ngày tiếp theo. Nhiều hôm không có tiền trả nhóm thanh niên đó đến đòi đánh, đòi cắt gân chân người trong gia đình tôi...”, bà H’Riăng hoang mang.
Về thủ đoạn của các băng nhóm tín dụng “đen” Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Thủ tục cho vay của các nhóm tín dụng đen rất đơn giản nhưng mức lãi suất cực cao. Khi người dân mất khả năng chi trả, các đối tượng mới tổ chức xiết nợ, cưỡng đoạt tài sản của họ. Hiện các băng nhóm cho vay nặng lãi đã thâm nhập vào các vùng sâu, vùng xa để gài bẫy người dân nghèo. Công an tỉnh đã lên kế hoạch đấu tranh phòng chống đối với các băng nhóm cho vay nặng lãi và cũng yêu cầu các cơ quan ban ngành tuyên truyền cho người dân phòng tránh loại tội phạm này.
T.P (T/h)
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp