Tín dụng đen và cảnh báo với nhà băng
Ảnh minh hoạ. |
Tại Diễn đàn chuyên đề Vốn – Tài chính diễn ra sáng 21/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt đặt vấn đề cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn nên buộc phải sử dụng tín dụng đen.
Thậm chí theo ông Hùng, có những doanh nghiệp vừa và nhỏ có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là vốn từ tín dụng đen.
Từng tham gia cấu trúc nhiều doanh nghiệp, ông Hùng nêu một thực tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có cấu trúc vốn, trong đó, phần lớn là những thanh niên, kỹ sư đi lên từ đam mê, mong muốn khởi nghiệp. Nhóm doanh nghiệp này không biết gì về vốn trong khi việc tiếp cận ngân hàng, gặp nhiều khó khăn. Vốn thực chỉ chiếm 20 - 30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè, anh chị em. Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi là "tín dụng đen".
Tín dụng đen hay tín dụng phi chính thức theo cách gọi chuyên ngành dùng để chỉ các dạng vay và cho vay tiền nằm ngoài sự quản lý, bảo hộ của pháp luật. Đặc trưng của tín dụng đen là giao dịch vay, mược tiền ngầm, không ồn ào vì cả người vay và cho vay thường không muốn tiết lộ cho nhiều người biết với những mục đích khác nhau, trong đó có cả việc che giấu hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tại sản hoặc rửa tiền. Lãi suất được áp dụng cho các hoạt động vay mượn này thường cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng và có thể lên tới 60 – 100%/năm (2.000 – 10.000 đồng/ngày)… Do phương thức hoạt động của tín dụng đen là tự do, là ngoài khuân khổ của pháp luật nên rủi ro của hoạt động này là rất lớn.
Nhìn lại những năm vừa qua, có thể thấy, tín dụng đen thậm chí còn “tiến hoá” ở một cấp độ cao hơn, như trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như chẳng hạn. Cái khác duy nhất là “con mồi” hướng tới của Như là các ngân hàng chứ không phải là cá nhân hay hộ gia đình. Cũng vẫn bằng lãi suất cao, xây dựng hình ảnh “đẹp”…, Như đã thuyết phục được cả những đối tượng “khó tính” nhất, khắt khe nhất là các nhà băng.
Vì nhiều lý do, “sức khỏe” của doanh nghiệp là khá hạn chế, dẫn tới việc các ngân hàng không dám giải ngân cho các khoản vay và trở thành điều kiện để những “tay to”, những bà “trùm” kiểu như Huỳnh Thị Huyền Như lộng hành bởi chắc chắn, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vay vốn với lãi suất cao để duy trì hoạt động, tránh phá sản. Còn với các ngân hàng, tiền “tồn kho” đang rất lớn nhưng lại không có cửa giải ngân nên rất dễ mắc bẫy của bọn tội phạm tín dụng đen bởi cái “mắc ảo” đẹp đẽ được bọn chúng tạo nên. Thị trường tín dụng đen vì thế nở rộ và có chuyện doanh nghiệp hoạt động mà có tới 60% tổng vốn sản xuất là vốn từ tín dụng đen.
Thực tế đó cho thấy, tín dụng đen đang thách thức lớn đối với nền kinh tế và nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, nó sẽ trở thành “con sâu” đục khoát nền tài chính của đất nước. Qua công tác điều tra các vụ tín dụng đen những năm gần đây, cơ quan điều tra đưa nhận định, tín dụng đen dù trực tiếp hay gián tiếp đều đang tạo ra những áp lực không nhỏ, thậm chí là đe dọa sự an toàn của khối tín dụng chính thức. Đi phân tích cụ thể, cơ quan điều tra đưa dẫn chứng bằng một loạt những lời chào mời kiểu như: “Nếu ông (bà) đang nợ ngân hàng quá hạn nhưng chưa có nguồn vốn nào để trả nợ, hay gọi cho chúng tôi để được tư vấn trực tiếp và chúng tôi sẽ cho ông (bà) vay để trả nợ ngân hàng hoặc sẽ mua lại hợp đồng nợ này trong thời gian nhanh nhất…”Đây là điều hết sức nguy hiểm bởi việc các tổ chức tín dụng đen tham gia mua bán nợ và tài sản nợ của các ngân hàng thương mại chứng tỏ đã có “sợi dây” liên kết giữa họ với nhà băng. Nghiêm trọng hơn, hình thức hoạt động này của tín dụng đen còn được xem là cơ hội để các “nhóm lợi ích” thâu tóm tài sản giá rẻ một cách nhanh nhất mà chi phí thấp nhất. Thậm chí, đây còn được xem là cơ hội để bọn tội phạm biến những đồng tiền “bẩn” thành “sạch”.
Riêng về vấn đề rửa tiền, tín dụng đen có thể sẽ trở thành kênh quan trọng nhất cho hoạt động tội phạm nà. Nhận định này cũng từng được Ngân hàng Thế giới đưa ra khi cho rằng, Việt Nam đang được xem là điểm ngắm của các tổ chức tội phạm và làm ăn phi pháp do sức đề kháng của hệ thống ngân hàng còn rất yếu. “Tiền bẩn” vì thế rất dễ xâm nhập vào hệ thống ngân hàng.
“Ẩn họa” của tín dụng đen là như vậy và tất nhiên, khi đổ vỡ tín dụng đen xảy ra, hậu quả mà nó có thể gây ra đối với hệ thống ngân hàng cũng không hề nhỏ!
Hà Lê
-
Lo ngại bị đối xử thiếu bình đẳng trong dự thảo quy định hoàn thuế GTGT
-
Giá vàng hôm nay (25/10): Tăng trở lại
-
Giá vàng hôm nay (24/10): Thị trường thế giới giảm trước áp lực chốt lời
-
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-
Giá vàng hôm nay (23/10): Đồng loạt tăng