Tìm hiểu về vài địa danh
Bạn đọc: Tôi thấy trong tập “Monographie de la Provine de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省” của Victor Duvernoy có một số địa danh (quận, tổng, làng, ấp) tuy chữ Hán viết giống nhau nhưng âm Hán Việt lại khác nhau. Ví dụ:
- Chữ 隆: hầu hết đều đọc là “Long” như trong tổng Định Hòa 定和, thuộc quận Chợ Mới, có làng Long Kiến 定和, làng Long Điền 隆建 (các ấp trực thuộc của 2 làng này đều bắt đầu bằng chữ Long 隆); chỉ có một trường hợp đọc là “Luông”: làng Mỹ Luông 美隆 (cũng thuộc tổng Định Hòa).
- Chữ 和: hầu hết đều đọc là “Hòa” như tổng Định Hòa nêu trên và các làng Bình Hòa 平和, làng Hòa Bình Thạnh 和平盛, hoặc làng Mỹ Hòa 美和 thuộc tổng Định Thành; chỉ có một trường hợp đọc là “Huề” như ấp Nam Huề 南和 (thuộc làng Thoại Sơn, tổng Định Phú, quận Châu Thành). Trong làng Mỹ Phước (thuộc tổng Định Phước, quận Châu Thành) có ấp Tây Hòa 西和 nhưng tôi nghe thấy người dân địa phương còn gọi là Tây Huề.
- Chữ 安Â: hầu hết đọc là “An” như trong quận Thốt Nốt có tổng An Phú 安富, tổng này có làng An Hòa 安和…; chỉ có mỗi trường hợp đọc là “Yên” như làng Định Yên 定安Â thuộc tổng An Phú. Có điều đặc biệt là 7 ấp của làng Định Yên này đều bắt đầu bằng chữ “An”: An Bình, An Hòa, An Khương, An Lạc, An Lợi, An Ninh, An Phong. Ngày nay, làng Định Yên vẫn còn nhưng một số ấp của làng này bị tách ra để lập thành một làng mới là làng Định An.
Xin ông vui lòng cho biết, tại sao lại có những cặp Long - Luông, Hòa - Huề, An - Yên như trên. Xin cảm ơn.
Ca Vang (Thư viện TVE)
Học giả An Chi: Ở Nam Bộ có mấy địa danh song tiết (hai tiếng) mang yếu tố “luông” như: Giồng Luông, Hàm Luông, Mỹ Luông. Vậy ngoài “Mỹ Luông” mà bạn hỏi, xin nói thêm về “Hàm Luông”: còn “Giồng Luông” thì “ăn theo” tên “Hàm Luông” rồi. Về cách đọc âm tiết này, một số nguồn hoặc tác giả đã quy về hiện tượng “tị húy”, mà ta quen gọi một cách dân dã là kiêng húy hoặc kỵ húy.
Tại mục “Sông Hàm Luông”, trang Thông tin Kinh tế Xã hội của UBND tỉnh Bến Tre đã viết:
“Sông có tên gốc là Hàm Long, nhưng dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, do “kỵ húy” để tránh chữ Long (Long là rồng, tượng trưng cho nhà vua), người ta gọi chệch là Luông và lâu ngày thành quen”.
Còn Nguyễn Long Thao thì đã viết trong “Tính danh học Việt Nam: Phép kỵ húy” (Chương Năm, tiết B):
“Nhà Nguyễn cũng như các triều đại trước, luật kỵ húy được mở rộng và áp dụng một cách nghiêm ngặt, bắt dân gian phải tránh tên các vua đang trị vì, các vua tiền nhiệm và các bà vợ vua. Ngoài ra, nhà Nguyễn còn bắt các thí sinh không được dùng tên các cung điện, lăng tẩm nhà vua. Ví dụ để tránh chữ Long trong niên hiệu Gia Long và Mạng trong niên hiệu Minh Mạng mà người miền Huế phải đọc long thành luông, mạng thành mệnh”.
Trang Thông tin Kinh tế Xã hội của UBND tỉnh Bến tre đã sai. Tuy chữ “long” [龍 (= rồng ) là chữ ghi một khái niệm tượng trưng cho vua nhưng chữ này tuyệt nhiên không bao giờ vì thế mà bị “kỵ húy”. Tự bao giờ, người ta vẫn cứ để nó nguyên như thế mà phát âm: long bào (áo của vua), long đình (sân rồng), long nhan (mặt rồng [mặt vua]), long sàng (giường vua nằm), long xa (xe của vua),v.v… Nguyễn Long Thao cũng không đúng khi khẳng định rằng do kỵ húy mà chữ “Long” trong “Gia Long” phải đọc thành “luông”. Nhưng “Gia Long” là niên hiệu chứ đâu phải là húy. Húy của Gia Long là Ánh, Chủng và cả Noãn nữa. Vì “long” không phải là húy của Nguyễn Ánh nên trong những lệnh kiêng húy của tất cả các vua nhà Nguyễn từ 1802 đến 1945, không có lệnh nào đề cập đến chữ “long” [隆] trong “Gia Long” [嘉隆] cả. Theo thống kê của Ngô Đức Thọ trong Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại (NXB Văn hóa, 1997), chữ “long” [隆] trong niên hiệu “Gia Long” [嘉隆] không hề được ghi nhận trong Phụ lục IV gồm 531 chữ húy qua các thời kỳ lịch sử, đơn giản chỉ vì nó không phải là một chữ húy. Ta nên nhớ rằng, kỵ húy là một cái lệ rất khắc nghiệt và tệ hại mà những ai nằm trong quỹ đạo của nó không thể không chấp hành: quốc húy thì có hiệu lực với dân chúng trong cả nước, hương húy thì trong cả làng còn tộc húy thì trong cả tộc. Vì “long” [隆] không phải là chữ húy của nhà Nguyễn nên từ xưa đến nay dân ta cứ gọi niên hiệu của Thế Tổ nhà Nguyễn là “Gia Long” đều trời khắp đất một cách thuận miệng chứ chẳng có ai gọi trẹo nó thành “Gia Luông”.
Vậy thì âm tiết thứ hai trong các địa danh “Giồng Luông”, “Hàm Luông”, “Mỹ Luông” không có liên quan gì đến lệ kỵ húy đối với Gia Long hoặc với vua cả. Đó là ta còn chưa nói đến chuyện âm “luông” trong “Hàm Luông” được ghi bằng chữ “long” là rồng còn âm “luông” trong “Mỹ Luông” thì lại ghi bằng chữ “long” [隆] là lớn lao, tốt đẹp. Nghĩa là ta đang có hai chữ “long” khác nhau. Xin xem hai chữ này trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức do Lý Việt Dũng dịch và chú giải (NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005, tr.340 & 345). Thực ra, việc đọc hai chữ “long” này thành “luông” đã phản ánh mối quan hệ ngữ âm lịch sử giữa hai vần UÔNG và UNG (ONG) trong đó UÔNG xưa hơn UNG (ONG). Hiện tượng này đã được Vương Lực nhận xét từ năm 1948 tại thiên “Hán Việt ngữ nghiên cứu” (in trong Hán ngữ sử luận văn tập, Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.371-372), trong đó ông đã nêu sáu thí dụ thuộc “CHUNG [鍾] vận cổ độc”, liên quan đến mối quan hệ giữa UÔNG và UNG (ONG). Chúng tôi xin nêu thêm:
- “ruồng” trong “tầm ruồng” là do siêu chỉnh (hypercorrection) từ “duồng” < “dung” [庸] = tầm thường;
- “huông” (phương ngữ Nam Bộ = dớp) < “hung” trong “hung triệu” = điềm xấu;
- “luồng” trong “luồng gió” < lung [瀧] = dòng nước chảy xiết;
- “luống” trong “luống rau” < “lũng” 壟] = gò đất; ruộng có gò đất nhỏ nổi lên ở giữa; v.v...
Vậy chẳng có gì lạ nếu hai chữ “long” (< “lung”) trên đây - đều thuộc vận “chung”[鍾] - là biến thể hậu kỳ của “luông”. Và cứ như trên thì “luông” trong “Mỹ Luông” và “luông” trong “Hàm Luông” đều là những tiếng cổ (archaism). Nhưng chúng không phải là một mà thực chất chỉ là hai tiếng đồng âm (khác nghĩa). Tuy là những tiếng cổ chỉ còn tồn tại trong mấy địa danh ở Nam Bộ - mà xưa là phần Nam của Đàng Trong - nhưng đó chắc chắn là những đơn vị đã từng tồn tại trong tiếng Kinh ở Đại Việt trước thời Nam Bắc phân tranh. Bất quá “thần dân” của Nguyễn Kim đã đem nó từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong và như một quy luật, khi một phương ngữ tách ra khỏi ngôn ngữ gốc và bị chia cắt với ngôn ngữ này trong một thời gian dài thì nó có thể sẽ giữ lại một số đơn vị từ vựng đã bị thay thế hay đã thay đổi về ngữ âm trong ngôn ngữ gốc. Hai tiếng “luông” đang xét là những trường hợp thú vị như thế. Dân Đàng Ngoài đã dần dần thay thế “luông” bằng “long” khiến cho âm trước từ từ tuyệt tích giang hồ mà dân Đàng Trong không hay biết nên vẫn xài nó như thường. Còn dân Đàng ngoài thì cũng dần dần không còn biết rằng “long” trước kia từng được phát âm thành “luông”. Chứ thực ra thì chữ “luông” là rồng ở Đại Việt Đàng Ngoài trước kia vốn là một điệp thức (doublet) của “luồng” (= rồng) trong tiếng Tày - Nùng và “luỗng” (= rồng) trong tiếng Thái Tây Bắc. Chữ “luông” là lớn lao, tốt đẹp của Đại Việt Đàng Ngoài cũng là điệp thức của “luông” (= to, lớn) trong tiếng Tày - Nùng và cả “luông” trong tiếng Thái Tây Bắc. Khi chữ “luông” là rồng vượt qua sông Ranh (thường được viết là “Gianh”) để vào Đàng Trong thì một trong những nơi đầu tiên mà nó “định cư” chính là đất Kim Luông, nơi đã trở thành thủ phủ của họ Nguyễn từ 1636 (hay 1635?), khi Nguyễn Phúc Lan lên ngôi chúa. “Kim Luông” là địa danh đọc theo âm xưa, nay đã trở thành “Kim Long”. Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức (ấn bản thứ ba, 2009) chỉ ghi nhận “Kim Luông” như một mục phụ để chuyển chú về mục chính là “Kim Long”. Tên “Kim Long” hiện nay được dùng khá phổ biến tại vùng Kim Luông xưa như: phường Kim Long, đình Kim Long, cầu Kim Long, chợ Kim Long, bến đò Kim Long và đường Kim Long. Ta biết rằng, tình cảm và sự sùng kính nhà Nguyễn trong người dân Huế trước đây rất sâu đậm - mà bây giờ hình như vẫn thế với nhiều người - cho nên việc phát âm “Kim Luông” thành “Kim Long” càng chứng tỏ rằng “Long” không phải là một chữ quốc húy.
Tóm lại, tiếng “luông” trong tên làng “Mỹ Luông” không phải là một cách phát âm chữ “long” do kỵ húy Nguyễn Ánh mà ra. Nó là âm xưa của chính chữ “long” và với tư cách này, xưa kia nó cũng từng được dùng “đều trời” như âm “long” hiện nay. Rồi do “thế cuộc” xoay vần nên nó đã bị âm “long” giành chỗ khắp nơi. Chỉ riêng ở mấy địa danh “Hàm Luông”, “Giồng Luông” và “Mỹ Luông” thì nó còn sống sót mà nguyên nhân thì thường có thể quy cho sự phát triển không tuyệt đối đồng đều của ngôn ngữ trong cùng một lúc ở mọi nơi.
“An” là âm Hán Việt chính xác của chữ [安Â] mà biến thể ngữ âm là “yên” còn “hòa” là âm Hán Việt chính xác của chữ [和]] mà biến thể ngữ âm là “huề”. Sự tồn tại của ba địa danh “Nam Huề”, “Tây Huề” và “Định Yên” mà bạn đã nêu thì ta có thể nghĩ đến khả năng do kỵ húy mà ra. Nhưng đây chỉ là húy cấp địa phương của làng, của ấp mà thôi. Có thể từng có một ông hương cả hay một nhân vật tuy không có chức quyền nhưng lại có đạo cao đức trọng, tên Hòa (hoặc An) được dân ấp, dân làng sùng kính mà kiêng húy nên mới phát âm “Hòa” thành “Huề”, “An thành “Yên”. Trường hợp của “Hàm Luông, “Giồng Luông”, “Mỹ Luông”, nếu không phải do nguyên nhân đã nêu, thì cũng có thể được quy về nguyên nhân này.
A.C
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng
- Tử vi ngày 10/10/2024: Tuổi Dần tài lộc hanh thông, tuổi Dậu nhìn xa trông rộng