Thợ hầm lò ngày càng... hiếm?
Tâm lý bị tác động
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thạc sĩ Trần Văn Hợp, Ban Lao động tiền lương Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, mặc dù Vinacomin đã có cơ chế ưu đãi tối đa đối với sinh viên các nghề mỏ hầm lò (miễn toàn bộ học phí, tiền ăn, tiền ở, ra trường có việc làm ngay) và các trường đã nỗ lực, cố gắng rất lớn song tỷ lệ tuyển sinh đạt vẫn thấp so với kế hoạch đề ra (năm 2012 đạt 75,1%; 6 tháng năm 2013 đạt xấp xỉ 40%). Nếu cứ để tái diễn tình trạng này thì nguy cơ thiếu nhân lực cho khai thác than hầm lò là rất lớn.
Học sinh nghề mỏ hầm lò thực tập tay nghề
Theo ông Hợp, sở dĩ có tình trạng này là do: Nghề mỏ hầm lò là nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lại ở xa khu đô thị. Những năm gần đây, các vụ tai nạn, sự cố xảy ra trong ngành than bị đưa tin trực tiếp với thời lượng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua dư luận... có thể nói là bị tuyên truyền “quá đà”, đã làm cho xã hội có định kiến không tốt với nghề mỏ hầm lò.
Nguyên nhân nữa là do tâm lý người học muốn thời gian đào tạo ngắn để sớm đi làm. Sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào học đường và ở xung quanh trường cũng làm nhiều học sinh phải bỏ học. Số lượng học sinh tuyển vào các trường những năm qua tăng nhanh dẫn đến các trường gặp không ít khó khăn về bố trí chỗ ăn, ở, thiếu đội ngũ giáo viên dạy nghề, ảnh hưởng một phần đến chất lượng đào tạo. Các trường và doanh nghiệp chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu đối với việc cam kết của học sinh phải đền bù kinh phí đào tạo nếu bỏ học, do vậy phần nào dẫn đến tình trạng học sinh thích thì học và không thích hoặc chọn được nghề khác thì bỏ.
Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động do sức hút lao động tại chỗ của nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ở các địa phương, nơi trước đây cung cấp nhân lực chủ yếu cho ngành than. Về chủ quan mà nói, công tác tuyên truyền, quảng cáo về nghề mỏ nói chung, doanh nghiệp nói riêng và các chế độ chính sách đãi ngộ cho người học đã được các đơn vị quan tâm thực hiện nhưng chưa sâu rộng, cụ thể và thường xuyên. Có thể nói là người học thiếu thông tin tích cực về ngành than. Sự phối hợp giữa một số doanh nghiệp và nhà trường còn chưa chặt chẽ theo đúng quy định. Còn có đơn vị chưa chủ động, vẫn còn tư tưởng phó thác trách nhiệm cho các trường trong việc tuyển sinh đào tạo nguồn nhân lực cho mình, phối kết hợp giữa các doanh nghiệp với các trường chưa chặt chẽ trong công tác ký kết hợp đồng, tuyển sinh và đặc biệt trong công tác bố trí chỗ ăn, nghỉ cho học sinh thực tập tay nghề tại các đơn vị.
Cần những giải pháp đồng bộ
Trên thực tế, ngoài việc học sinh bỏ học khi đã vào trường nghề, đa phần những công nhân mới đào tạo ra trường đi làm một vài năm rồi bỏ nghề. Còn những thợ bậc cao lại thường gắn bó hơn. Nhiều đơn vị tỷ lệ học sinh vào nghề và bỏ nghề ngang nhau. Do vậy, có thể nói yếu tố chọn nghề ban đầu của học sinh và thanh niên là vấn đề quan trọng.
Trong quá trình sinh viên xuống các doanh nghiệp sản xuất để thực tập nghề cũng phát sinh những bất cập dẫn tới học sinh có thể bỏ học hoặc làm giảm chất lượng đào tạo. Ở đây chủ yếu là các nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp, cụ thể: Khi đi thực tập sản xuất, phải tiếp cận với thực tế sản xuất quá vất vả, nguy hiểm cũng dẫn tới nhiều học sinh ngại khó, sợ nguy hiểm bỏ học. Thực tế có tình trạng khi có học sinh thực tập về thì ngay từ ban đầu, đơn vị đã giao việc nặng, việc khó cho học sinh hoặc ngược lại chỉ giao việc phụ trợ như vận chuyển vật liệu, xúc dọn, đun goòng… dẫn tới những người nhụt chí sẽ chán nản mà bỏ học.
Để đáp ứng đủ lao động làm việc trong hầm lò, Vinacomin cần có các giải pháp đồng bộ như: thu hút học sinh học nghề, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, giải pháp về chế độ đãi ngộ, chế độ chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần, giải pháp về chính sách nhà ở cho người lao động, hay giải pháp về chính sách đối với gia đình… “Trong các giải pháp trên, giải pháp thu hút học sinh học các nghề mỏ hầm lò hiện nay là một trong các giải pháp cần được ưu tiên và là tiền đề để thực hiện các giải pháp kế tiếp” - Thạc sĩ Trần Văn Hợp nói.
Ông Hợp cũng nhận xét, các trường đào tạo nghề mỏ cũng như cả hệ thống chính trị các doanh nghiệp cần tăng cường công tác truyền thông về các chế độ, chính sách đãi ngộ cho học sinh học các nghề mỏ hầm lò, điều kiện làm việc, các chính sách đãi ngộ đối với người lao động làm việc trong hầm lò, truyền thống và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp mỏ để xã hội có cái nhìn thiện cảm, người học các thông tin tích cực về ngành than. Ngoài ra, các trường cần nghiên cứu phương án giảm thời gian học lý thuyết (không giảm thời lượng), tăng thời gian thực tập tay nghề cho học sinh hệ trung cấp các nghề mỏ hầm lò. Biên soạn chương trình khung và giáo trình đào tạo nghề môi trường mỏ để áp dụng thống nhất trong Tập đoàn. Tiếp tục bồi dưỡng kiến thức cho thợ bậc cao và bồi dưỡng sư phạm dạy nghề cho giáo viên các trường cao đẳng nghề và giáo viên kiêm chức tại doanh nghiệp để trực tiếp hướng dẫn sinh viên học nghề mỏ khi về thực tập sản xuất tại doanh nghiệp.
Các đơn vị sản xuất, xây dựng mỏ hầm lò cần tiếp tục chủ động, phối hợp tốt với các trường trong việc tổ chức cho sinh viên về thực tập sản xuất ở doanh nghiệp, vì đây là khâu đào tạo then chốt có tác động lớn đến việc hình thành kỹ năng, tay nghề, tác phong công nghiệp, sự gắn bó với nghề của sinh viên và cũng chính là người lao động của đơn vị sau này. Theo đó, các đơn vị cần quan tâm bố trí hoặc hỗ trợ chỗ ăn, ở cho sinh viên thực tập; có phương pháp kèm cặp, huấn luyện đảm bảo tính sư phạm và tâm lý để sinh viên làm quen dần với điều kiện làm việc trong hầm lò, làm từ dễ đến khó, từ chưa biết đến thạo việc, tránh giao việc nặng ngay từ đầu, hoặc chỉ giao làm việc phụ cho sinh viên thực tập...
Nguyễn Kiên