Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thiên hạ là “dưới người”? Sala và Vô ưu/ Oánh hay Doanh?

06:32 | 13/07/2014

|
(PetroTimes) -Bạn đọc: 1. Câu “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” của Đức Phật, có người chủ trương dịch là: “Trên trời, dưới người, chỉ (có mình) ta là hơn hết”. Xin ông An Chi cho hỏi: “Thiên hạ” mà dịch thành “dưới người” thì có sát nghĩa hay không? Xin cảm ơn. Tuấn Đức

2. Tôi có đi xem triển lãm Phật giáo tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM do Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức thì thấy cuốn sách in về cuộc đời Đức Phật có ghi Ngài sinh trong vườn Lâm Tỳ Ni dưới gốc cây sala, tu hành và đắc đạo dưới gốc cây bồ đề và nhập diệt niết bàn dưới gốc cây Sala. Nhưng một số tài liệu khác lại ghi Đức Phật sinh dưới tán cây vô ưu, nhập diệt niết bàn dưới gốc cây sala. Vậy, xin ông An Chi cho biết cây vô ưu và cây Sala là một hay là hai cây khác nhau và vì sao lại có sự nhầm lẫn như vậy. Xin cảm ơn. Thiên Thanh

3. Các phương tiện thông tin viết, đọc tên họ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là “Hoa Xuân Oánh”. Nhưng một người bạn của tôi nói tên của bà ta phải viết, đọc là “Doanh” mới đúng. Xin nhờ ông An Chi phân tích giúp và xin cảm ơn. X.Oanh

Học giả An Chi:

1. Việt Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp dịch “thiên hạ” là “khắp cả dưới giời”. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh dịch là “Dưới trời = Toàn thế giới (le monde entier)”. Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng dịch là “Dưới trời. Chỉ mọi người ở đời”. Từ điển Hán Việt do Trần Văn Chánh biên soạn dịch là “Thiên hạ, thế giới, trên đời”. Từ điển Hán - Việt của Viện Ngôn ngữ học do Phan Văn Các chủ biên dịch là “Thiên hạ, thế giới”.

Cứ như trên thì suy cho đến cùng, hai tiếng “thiên hạ” cũng có liên quan đến khái niệm “cõi trần gian”, nghĩa là… “cõi người”. Nhưng nếu dịch “thiên thượng thiên hạ” thành “trên trời dưới người” thì lại không ổn vì không cân đối về cú pháp - ngữ nghĩa. “Thiên thượng”, “thiên hạ” là hai cấu trúc chỉ nơi chốn mà trong lời dịch thì chỉ có “trên trời” mới là một cấu trúc chỉ nơi chốn chứ “dưới người” thì không. “Trên trời” thì được chứ “dưới người” không thể là nơi chốn mà Đức Phật cho mình là “duy ngã độc tôn”. “Cõi người” thì được nhưng ta đâu có thể khẳng dịnh rằng “dưới người” đồng nghĩa với “cõi người”. Với cấu trúc “Trên trời dưới người” thì ta chỉ có thể hiểu đó là “Ở trên là Ông Trời (mà) ở dưới là con người”. Thế thôi! Vậy, muốn cho cân đối và đúng nghĩa, ta chỉ có thể dịch lời của Đức Phật thành “Nơi cõi trời (và) ở cõi người, chỉ có Ta là hơn hết” mà thôi. Nhưng như thế thì chẳng lấy gì làm súc tích. Vì vậy chúng tôi cho rằng ta cứ nên theo hai cách dịch đã có là “Trên trời, dưới trời, chỉ có Ta lả hơn hết” hoặc “Trên trời, dưới đất, chỉ có Ta là hơn hết”.

2. An ninh Thủ đô  ngày 17-3-2014 có đăng bài “Chiêm ngưỡng hoa Sala, hoa Vô ưu tuyệt đẹp và ý nghĩa”, với lời khẳng định như sau:

“Cây sala thường được dịch là cây vô ưu. Cây hoa này có khá nhiều tên gọi khác: Sal, Shorea Robusta, Tha la, hoa đầu lân, cây Ngọc Kỳ Lân hay Hàm Rồng (…) Sala là cây thân gỗ cứng, tên khoa học là Couropita Guianensis, thuộc họ dầu (Dipterocarpaceae)”.

Nhiều nguồn khác trên mạng đã đăng bài này, dĩ nhiên cũng là với lời khẳng định trên đây. Nhưng lời khẳng định này có một mâu thuẫn không thể chấp nhận được: nó đã nêu hai tên khoa học hoàn toàn khác nhau cho cây sala là Shorea Robusta và Couropita Guianensis. Đây là chuyện hoàn toàn phản khoa học. Couropita Guianensis thực chất là tên khoa học của cây đầu lân, còn gọi là ngọc kỳ lân hoặc hàm rồng. Cây này thường bị nhầm lẫn với cây sala, mà tên khoa học là Shorea Robusta. Cây sala, tiếng Anh là “śāl” hoặc “shala tree”, tiến Pháp là “sal” hoặc “sāla”. Sala là một loại cây có gỗ chắc, thường dùng để làm sườn nhà nên tên của nó trong tiếng Sanskrit (śāla) cùng gốc với từ śālā, có nghĩa là nhà, phòng. Còn cây vô ưu thì tiếng Sanskrit là aśoka, gồm có “a” là yếu tố phủ định và “śoka” là sự lo lắng. Danh từ Sanskrit này được phiên âm sang tiếng Hán, đọc theo âm Hán Việt là “a-thâu-ca” hay “a-thuật-ca”. Tên khoa học của cây vô ưu là  Saraca indica.

Vậy sala và vô ưu là hai loài thực vật hoàn toàn khác nhau. Còn nguyên nhân đưa đến sự nhầm lẫn mà bạn hỏi thì chúng tôi chưa có điều kiện đi sâu tìm hiểu. Chỉ biết rằng, ngay từ xưa, thì sala và vô ưu cũng đã bị lẫn lộn ngay trong văn chương cổ Ấn Độ.

3. Họ tên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các phương tiện thông tin đều viết/đọc là “Hoa Xuân Oánh”. Ba tiếng này, chữ Hán là [华春莹]. Xin nói về chữ [莹]. Phồn thể của chữ này  là [瑩], thay vì bộ “thảo” [艹] trên đầu thì lại là hai chữ “hỏa” [火] cạnh nhau, theo hàng ngang. Chữ [瑩] là một chữ hình thanh mà nghĩa phù (yếu tố gợi nghĩa) là bộ “ngọc” [玉] còn thanh phù (yếu tố ghi âm) là phần còn lại phía trên. Thanh phù này còn có tác dụng ghi âm cho một số chữ có âm như sau:

- “huỳnh”, như chữ [螢], có nghĩa là đom đóm;

- “quỳnh”, như chữ [煢], có nghĩa là cô đơn, lẻ loi;

- “vinh”, như chữ [榮] trong “vinh hoa”;

- “oanh”, như chữ [鶯], tên một loài chim.

Trong họ tên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chữ [瑩] vẫn được đọc theo truyền thống là “oánh”, như đã được ghi trong Việt Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh, v.v… Các phương tiện thông tin đã viết/đọc tên nhân vật đang xét theo cách phiên âm này. Đây là một cách đọc có thật và rất xưa, mà ta có thể thấy trong Quảng vận là một quyển vận thư soạn vào năm 1008 đời Tống Chân Tông. Trong quyển vận thư này, nó thuộc vận bộ “kính” [徑] và có thiết âm là “ô định thiết” [烏定切]. Vậy âm của nó là “uýnh”. Nhưng ngay trong vận bộ “kính”, nhiều chữ cũng đã chuyển cách đọc theo vần -ANH, như:

- Chữ “định” [定] có một điệp thức là “đành” trong “đành đoạn”, “đành lòng”, v.v...;

- Chữ “khính” [罄] (âm này chắc ít người biết) có âm Hán Việt thông dụng và quen thuộc là “khánh” trong “khánh kiệt”, khánh tận”;

- Chữ “khính” [磬] dùng để chỉ một loại nhạc khí chỉ có âm Hán Việt là “khánh”;

- Chữ “khính” [慶] chỉ có âm Hán Việt là “khánh” trong “quốc khánh”, “khánh thành:, v.v...;

Vậy chẳng có gì lạ nếu “uýnh” [瑩]  đã chuyển đọc thành “oánh”.

Nhưng bạn của bạn cũng có cái lý của mình khi nói rằng chữ này phải đọc là “doanh” vì âm này của nó đã được ghi trong từ điển. Chẳng hạn Từ điển Hán - Việt của Viện Ngôn ngữ học do Phan Văn Các chủ biên dã ghi cho nó hai cách đọc Hán Việt là “doanh” và “oánh”, cách sau theo đúng thiết âm truyền thống; còn cách trước thì theo một số từ điển tiếng Hán của thế kỷ XX, như Từ nguyên, Từ hải, v.v..., không còn tuân thủ cách phiên thiết chính xác trong một số trường hợp, đặc biệt là đã lẫn lộn hai phụ âm đầu D và V với nhau. Ngoài âm “oánh”, chữ [瑩] còn có một âm nữa là “vinh”, như đã cho trong Quảng vận. Nhưng, tương ứng với âm này, thay vì phụ âm V thì Từ nguyên và Từ hải lại dùng chữ có phụ âm đầu D (trong trường hợp này là chữ “dư” [余]) để cho phiên thiết (nên mới thành ra “doanh”).

Vậy, theo chúng tôi, tên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn nên đọc thành “Oánh”.