Than với Quảng Ninh, Than với đất nước
Ngành Than đã có lịch sử hàng trăm năm, công lao đóng góp cho đất nước nhiều vô kể. Điều ấy khó ai có thể phủ nhận được. Tình cờ, đọc trên mạng thấy một thông tin thú vị: Nếu một bóng đèn 100W liên tục được thắp sáng, mỗi năm lượng than biến thành điện cho bóng đèn này là 325 kg.
Điện thoại hỏi ông Đinh Quang Vinh, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - Vinacomin xem thông tin này đúng không? Ông Vinh bảo, có thể trên lý thuyết là vậy, nhưng thực tế ở Nhà máy ông, để sản xuất ra 1 kW điện phải đốt khoảng 6,5 lạng than; mỗi năm nhà máy “ngốn” 500 nghìn tấn than. Đây là nhà máy công suất nhỏ, chỉ có 100 MW. Hàng loạt nhà máy nhiệt điện đốt than trong cả nước đang và sắp hoạt động, có công suất rất lớn như Đông Triều (440 MW), Phả Lại (hơn 1000 MW), Quảng Ninh 1 + 2 và Mông Dương (1200 MW)… thì lượng than tiêu thụ cho điện mỗi năm rất lớn. Hiện tại, ngành Than đang lo đầu vào cho hơn 10.000MW điện của EVN. Theo quy hoạch ngành Điện, đến năm 2020, cả nước cần đầu tư khoảng 52 dự án nhiệt điện chạy than, công suất 36.000MW, chiếm 48% công suất nguồn điện toàn hệ thống. Như vậy, dự kiến tổng nhu cầu than cho sản xuất điện năm 2015 cần gần 23 triệu tấn, năm 2020 cần trên 67 triệu tấn và đến năm 2030 cần khoảng 150 triệu tấn…
Đấy mới chỉ là nhu cầu than cho sản xuất điện. Nếu tính thêm nhu cầu than cho các ngành khác như xi măng, hóa chất… thì lượng than hàng năm sẽ khổng lồ. Thế mới thấm thía bài học từ thời phổ thông: “Than là bánh mì công nghiệp”; “Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ”; Dù xuất khẩu than đang có xu hướng giảm dần mỗi năm, nhưng giá trị than xuất khẩu đã và đang thu về một lượng ngoại tệ không nhỏ cho đất nước, giúp ngành Than có điều kiện để tái đầu tư, phát triển, bù lỗ cho ngành điện khi giá than cho điện vẫn thấp hơn giá thành. Thử hỏi nếu ngành Than không đáp ứng kịp, phải nhập than thì đầu vào của điện và một số ngành kinh tế những năm qua sẽ thế nào (con số ba bốn chục triệu tấn than hôm nay nhiều thế hệ làm mỏ xưa đâu dám mơ tới). Không chỉ có thế, quan trọng hơn là hòn than luôn đảm bảo công ăn việc làm cho cả chục vạn lao động, kéo theo đó là gần nửa triệu người ăn theo. Và như vậy, có thể khẳng định hòn than giữ hai vị trí, vai trò quan trọng đó là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an sinh xã hội Vùng mỏ - một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam.
“Cán bộ, công nhân viên và gia đình ngành Than chiếm 1/3 dân số tỉnh Quảng Ninh. Nhắc đến Quảng Ninh là người ta nghĩ đến than đầu tiên. Bởi vậy, không cần nói nhiều thì mọi người cũng hiểu rằng ngành Than quan trọng như thế nào đối với địa phương”, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng khẳng định như vậy khi nói về vị trí của ngành Than. Bà cũng cho biết thêm, hiện nay, khai thác than đóng góp tới 1/3 GDP và hơn một nửa ngân sách tỉnh Quảng Ninh, cho nên mọi bài toán về mô hình phát triển kinh tế - xã hội tất yếu phải tính đến sự phát triển của ngành Than.
Ngành than luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước
Than với Đất nước, Than với Quảng Ninh quan trọng là vậy. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu được làm ra hòn than cực nhọc thế nào. Đôi khi, ở đâu đó, có người cho rằng ngành Than chỉ việc xúc đất lên là có ăn! Ôi trời, than ở độ sâu hàng trăm, hàng nghìn mét trong lòng đất; dưới những tầng đá rắn; đào đến vỉa than, khi khai thác phải đối mặt với biết bao hiểm nguy về bục nước, về khí nổ (metan), khí độc… vậy mà có người cho là dễ ư? Có lẽ chỉ những người đã lăn lộn với than, sống chết với than, vui buồn cùng than, cảm nhận được hơi ấm từ than mới thấm thía hơn ai hết rằng trong than có mồ hôi, nước mắt và cả máu của Thợ mỏ. Chẳng thế mà sinh thời Bác Hồ kính yêu đã ví “Ngành sản xuất than như quân đội đánh giặc”.
Ông Phạm Thế Duyệt, Nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, người đã gắn bó gần 20 năm với đất mỏ, với ngành Than ở những cương vị khác nhau cho rằng, ngành Than và đất mỏ chính là trường học lớn để ông rèn luyện bản lĩnh, tôi luyện ý thức giác ngộ giai cấp mà trưởng thành. Môi trường lao động nặng nhọc, độc hại, nhiều rủi ro như vậy đã tạo lập cho thợ mỏ một bản lĩnh gai góc, luôn mài sắc ý chí để vượt qua mọi chông gai. Và cũng chính từ gian khổ, hy sinh, thợ mỏ biết yêu thương đùm bọc nhau hơn và biết trân trọng những giá trị mình có, hình thành nên văn hóa “Kỷ luật và đồng tâm” rất riêng của mình…
Rất nhiều nghệ sỹ đã chụp ảnh, làm thơ về sự hùng vĩ và lãng mạn của khai trường than Cọc Sáu, Cao Sơn… nhưng có lẽ ít người biết, để lấy được một tấn than từ moong sâu, phải khoan nổ mìn, bốc xúc gần 10 mét khối đất đá. Hàng năm, nhiều moong than phải bơm hàng chục triệu mét khối nước. Chúng ta cũng được xem những đoạn phim thợ lò rầm rập vào ca, than cuồn cuộn chảy; được nghe âm hưởng dạt dào trong những ca khúc về thợ mỏ. Nhưng chưa một tác phẩm văn học- nghệ thuật nào nói hết nỗi gian nan vất vả; nỗi lo toan bình dị của thợ lò. Thật lạ! Đã nhiều nhà văn đi thực tế ở các mỏ hầm lò nhưng trong lịch sử văn học cách mạng Việt Nam, chưa một tác phẩm nào khắc họa hình tượng người thợ lò trong trang viết một cách chân thực và đầy đủ nhất. Tôi đồ rằng, có lẽ công việc trong hầm lò vất vả nặng nhọc quá, môi trường làm việc trong hầm lò khắc nghiệt quá, văn nghệ sỹ khó mà “thâm nhập” được lâu; khó mà “ba cùng” với họ. Mà công việc sáng tác, không “ba cùng” với nhân vật trong cuộc sống thì sao mà sáng tạo được hình tượng nhân vật!
Có thể đưa thêm một vài dẫn chứng để thấy công việc hầm mỏ gian khó, vất vả khôn cùng và đâu phải “dễ xơi” như ai đó tưởng. Để tới được các vỉa than chôn vùi hàng trăm mét trong lòng đất, người ta đào các giếng đứng, hoặc giếng nghiêng, sau đó đào hệ thống sân ga, các hầm trạm như trạm điện, hầm bơm, chứa nước và đào các đường lò xuyên vỉa đá để gặp vỉa than, hình thành lò chợ. Những công việc này gọi là xây dựng mỏ, làm từ 5 - 10 năm, tùy công suất mỏ. Một dự án công suất 2,5 triệu tấn như Dự án xuống sâu bằng giếng nghiêng của Than Nam Mẫu, tổng mức đầu tư gần 3 nghìn tỷ đồng; phải đào khoảng 35 nghìn mét lò; được khởi công từ năm 2006, đến nay chưa ra than. Nếu dự án mở vỉa bằng giếng đứng thì phức tạp hơn, chi phí lớn hơn. Dự án khai thác mỏ Núi Béo, mở vỉa bằng giếng đứng khai thác ở độ sâu âm 410 mét, công suất 2 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng; khởi công ngày 3/2/2012, chắc phải vài năm nữa mới ra tấn than đầu tiên…
Hoàn thành hệ thống mở vỉa (xây dựng mỏ) mới có diện để khai thác. Đặc điểm các vỉa than của bể than Quảng Ninh là không ổn định, nhiều phay phá (hiện tượng đứt gãy của vỏ trái đất), nhiều nước và khí metan v.v. nên công việc khai thác vô cùng vất vả. Công nghệ khai thác hiện nay chủ yếu bằng khoan nổ mìn, chống giữ bằng cột thủy lực. Trong không gian chật hẹp, lò chợ thường dốc, việc đi lại, vận chuyển những thiết bị kềnh càng, những loại vật liệu chống giữ to, nặng đã rất vất vả. Gặp tình trạng tụt lở nóc, lở gương lò, việc xử lý càng vất vả hơn; nếu gặp sự cố bục nước, nổ khí việc cứu hộ càng gian nan, vất vả gấp bội... Cũng bởi thế mà có câu chuyện trước khi đoàn công tác của UBKT Quốc hội về vùng mỏ công tác mọi người thắc mắc vì sao lương bình quân thợ lò ở mỏ Vàng Danh 9,5 triệu đồng/tháng (cao) mà vẫn không đủ sức hút, giữ chân người lao động? Và chỉ khi được "mục sở thị" ngay lập tức có những tiếng xì xào giữa các thành viên trong đoàn "15 - 20 triệu/ tháng hoặc hơn nữa liệu anh có làm được không?" Còn nhớ khi phỏng vấn người Anh hùng từ lòng đất của Mạo Khê - Thợ chống cuốc lò Nguyễn Văn Tía nếu có điều ước lớn nhất cho đại đa số những người thợ lò anh sẽ nói gì? Chẳng cần suy nghĩ nhiều, điều ước thật giản đơn "cần một sự sẻ chia, đồng cảm hơn của xã hội với nghề mỏ và người thợ mỏ".
Điều ước ấy thật chí lý khi hiện nay dư luận đang hướng cái nhìn thiếu thiện cảm với doanh nghiệp nhà nước mà ngành Than không phải ngoại lệ. Chỉ mong qua tản mạn câu chuyện về hòn than và người thợ mỏ, ngành công nghiệp đặc thù này sẽ được nhìn nhận một cách khách quan hơn. Bởi giá trị cốt lõi được xác định không đơn thuần chỉ là lợi nhuận mà đó chính là trách nhiệm xã hội, phục vụ quốc kế dân sinh, góp phần quan trọng trong đảm bảo ngân sách quốc gia, điều tiết nền kinh tế vĩ mô.
Tượng đài Vinh quang thợ mỏ Việt Nam
Nhu cầu sử dụng than ngày càng lớn; làm ra hòn than ngày càng khó, càng gian khổ nhưng Tập đoàn CN Than Khoáng sản Việt Nam quyết không để thiếu than, đặc biệt cho các nhà máy nhiệt điện. Thông tin này không phải ai cũng rõ, khi nhà máy nhiệt điện ngừng hoạt động, chỉ riêng chi phí cho đốt lò, khởi động lại đã rất tốn kém. Chẳng hạn, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh, mỗi lần khởi động lò tốn khoảng 10 tỷ đồng... Trách nhiệm của ngành Than thật nặng nề trong khi muôn vàn thách thức vẫn tiếp tục đặt ra cho thợ mỏ. Thuế xuất khẩu lên xuống thất thường, nhiều loại thuế phí áp dụng cho than còn chưa hợp lý, giá than bán cho điện dù tăng nhưng vẫn chưa bù được giá thành sản xuất.. làm cho giá thành hòn than bị đẩy lên, đuối sức cạnh tranh, ảnh hưởng đến tiêu thụ và việc làm, thu nhập của người lao động...
Lại nhớ, năm 1999, khi ngành Than giãn sản xuất, đời sống của hàng vạn thợ mỏ và nhân dân vùng mỏ bị sa sút; dư luận xã hội thời đó nóng lên cùng thợ mỏ. Thế mới biết, hòn than không những đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia mà còn đảm bảo hạnh phúc bình yên cho Vùng mỏ!
Vinacomin
-
Quảng Ninh: Thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững
-
Quảng Ninh: Nỗ lực khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản
-
Khai mở cơ hội đầu tư “vàng mười” tại Trung tâm Giao thương Quốc tế mới của Móng Cái
-
TKV phát động chiến dịch thi đua 90 ngày đêm sản xuất than quý IV/2024
-
“Cảm xúc tháng 10”: Tái hiện lịch sử và vẻ đẹp Hà Nội qua âm nhạc