Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

"Tất lẽ dĩ ngẫu", nghe rầu thấu xương

08:12 | 16/09/2013

|
Bạn đọc: Báo điện tử PetroTimes và ông An Chi đã duy trì được chuyên mục hằng tuần thú vị về ngôn ngữ và văn hóa. Mong ông An Chi có ý kiến về thắc mắc sau của tôi: Một số phóng viên trẻ của một số tờ báo phía bắc, điển hình là phóng viên mảng thể thao của tờ Thể thao & Văn hóa của Thông tấn xã Việt Nam rất hay dùng cụm từ “tất lẽ dĩ ngẫu” để chỉ một sự việc chắc chắn sẽ xảy ra ở thì tương lai. Tôi đọc thì thấy chướng mắt, nghe thì thấy chướng tai, có cảm giác như các phóng viên trẻ mắc bệnh “sính chữ, khoe chữ, vẽ rắn thêm chân” mà không hiểu tường tận về chữ mình sử dụng. Theo ý tôi, chỉ cần dùng “tất nhiên” hoặc “chắc chắn” là đã đủ để diễn tả sự việc. Trân trọng. N. H. Sơn (VIETSOVPETRO, Vũng Tàu)

Học giả An Chi: Thực ra thì cái cấu trúc “tất lẽ dĩ ngẫu” quái đản đã xuất hiện trên nhiều văn bản và phương tiện truyền thông mà sau đây là một số dẫn chứng.

- Peacenice viết trên một forum: “Hủ hóa theo mình hiểu thì (…) Tất lẽ dĩ ngẫu nhiên là nó có nghĩa là làm con người hư hỏng đi, biến chất đi, lạc hậu đi...”.

- Trang hcm.24h.com.vn ngày

30/6/2012 chạy tít: “Phụ nữ ngoại tình mùa EURO: Chuyện tất lẽ dĩ ngẫu”.

- Suynghiem.blogspot có câu: “Đó là chưa kể, trong lúc cao hứng, niềm vui đang tràn ngập trên môi, tất lẽ dĩ ngẫu là ta nhìn thấy cái gì cũng đẹp”.

- Bài “Công sở và những cuộc tình không nên có” của Châu Anh trên trang hcm.m.eva.vn/eva-tam có câu: “Chính vì vậy, dù là chuyện có ngay thẳng thế nào thì tất lẽ dĩ ngẫu, các cô không thể lọt khỏi tầm mắt của các bà”.

- Theo tường thuật của bài “Nếu đề án cá độ được thông qua” trên m.ibongda.vn thì ông Nguyễn Lân Trung đã nói:

“Trong trường hợp đề án được thông qua, người đại diện cho BĐVN để cùng với các Bộ chức năng khác đứng ra tổ chức tất lẽ dĩ ngẫu phải là VFF”.

- Trang facebook.com/notes/đặng-thiều-quang, trong mục “ Sự ảnh hưởng của thời tiết đô thị” có câu: “Điều đúng là những gì thuộc về quy luật, tất lẽ dĩ ngẫu phải xảy ra như thế”.

- Bài “Chung kết xếp hạng Sao Mai: Thí sinh hát gì?”trên xaluan.com có câu: “Ví dụ các thí sinh miền Bắc thì đương nhiên sẽ chọn âm hưởng Ca trù, Quan họ, Chèo... còn thí sinh miền Trung thì “tất, lẽ, dĩ, ngẫu” là những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh”.

Bốn tiếng “tất lẽ dĩ ngẫu” còn đi vào thơ nữa: “Em rút ruột mình, như thần mặt trời rút từng sợi tóc -  Đan thêm một chiếc khăn từ sợi tình còn ấm -  Có sợi vui, sợi đợi chờ, sợi nỉ non -  Anh cũng sẽ cười, sẽ đi, đi mãi…-  Tất lẽ dĩ ngẫu, anh sẽ đi”.

V.v… và v.v...

Thế là “tất lẽ dĩ ngẫu” đã lặng lẽ trở thành một đơn vị nhập cư của từ vựng của tiếng Việt thay cho “tất nhiên” (như bạn nói) hoặc “lẽ tất nhiên”, chẳng hạn trong những câu:

- Anh đến với em là lẽ tất nhiên (Tên một bài thơ của Tế Hanh).

- Tất nhiên, ai cũng hiểu, lý do vắng mặt (tại lễ trao giải Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu - AC) của CR7 gần như chỉ… cho có. Dường như, cầu thủ này đã cảm nhận được một thất bại tiếp theo của mình (Dân trí, 29/8/2013).

- Giới cấm thứ tư là không được nói dối. Đạo Phật là đạo trí tuệ. Người Phật tử cần trang bị sự hiểu biết sáng suốt, đúng đắn. Tất nhiên khi chưa thấy đúng, thì cũng đừng dùng lời nói bóp méo sự thật; phải biết tôn trọng sự thật. (HT. Thích Trí Quảng, “Nghi lễ đời người theo Phật giáo”, Nguyệt san Giác ngộ, 18/10/2012).

- Nếu coi trọng văn học, thì tất nhiên phải coi trọng văn học mạng (Tên một bài trên phongđiệp.net).

- Lẽ tất nhiên là rất khó thay đổi hoặc chỉnh sửa phần cấu trúc tổng thể của tòa nhà cho nên phần việc chúng ta có thể làm chỉ giới hạn trong việc bài trí của văn phòng. (“Các chi tiết về kết cấu xây dựng”, thegioidaquy.net).

V.v… và v.v... Trong những dẫn chứng trên, “tất nhiên” hoặc “lẽ tất nhiên” đã may mắn không bị thay thế bằng cái cấu trúc “tất lẽ dĩ ngẫu” quái đản. Đây là sản phẩm tệ hại của những kẻ xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ. Cái gai đập ngay vào mắt, chọc ngay vào tai là sự “cộng cư” của hai từ chỉ hai phạm trù đối nghịch nhau là “tất” và “ngẫu”. Xin hãy đọc định nghĩa ngắn gọn về hai phạm trù này trên trang Tài liệu ôn tập:

“Tất nhiên (tất yếu) là cái do những nguyên nhân cơ bản bên trong của kết cấu vật chất quyết định và trong điều kiện nhất định nó phải xảy ra như thế chứ không thể khác được. Ngẫu nhiên là cái không do mối liên hệ bản chất, bên trong kết cấu vật chất, bên trong sự vật quyết định mà do các nhân tố bên ngoài, do sự ngẫu hợp nhiều hoàn cảnh bên ngoài quyết định. Do đó nó có thể xuất hiện, có thể không xuất hiện, có thể xuất hiện như thế này, hoặc có thể xuất hiện như thế khác”.

Cứ như trên thì một hiện tượng nhất định không thể vừa là tất nhiên vừa là ngẫu nhiên (ta không bàn đến mối quan hệ biện chứng sâu xa về triết học giữa ngẫu nhiên và tất nhiên vì đây là một chuyện khác). Cho nên đặt “tất” và “ngẫu” trong một cấu trúc chung để chỉ cùng một tính chất là đã làm một việc cực kỳ vô duyên. Đó là còn chưa nói đến chuyện đây là một kết cấu Tàu không ra Tàu, ta chẳng ra ta. Có lẽ cũng vì thấy cái chỗ bất ổn và khôi hài của câu đó nên, trên Blog Bùi Công Dụng, Dungbc2004 mới có bài thơ nhan đề “Thơ vui về... tất lẽ dĩ ngẫu!”, trong đó có hai câu mang tính chất giải thích  “Ngẫu nhiên một sự tình cờ” và “Tất nhiên thuyền có bến bờ”. Nguyễn Anh Nông cũng có bài thơ tặng Đỗ Trọng Khơi nhan đề

“Ngẫu nhiên và tất nhiên”, trong đó tác giả đã thông qua chơi chữ mà làm rõ nghĩa của “ngẫu nhiên” và “tất nhiên”: Ngày 15/11/2007, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi cùng bạn bè đi viếng mộ Nguyễn Đức Cảnh thì bị tai nạn giao thông (ngẫu nhiên) nên đã bị thương (tất nhiên).

Chẳng những biên tập viên báo chí của Thông tấn xã Việt Nam đã để lọt (hay là cũng đồng tình với) những hạt sạn to đùng (như bạn nói) mà có trường đại học và có tờ báo của ngành giáo dục cũng làm như thế. Trên QLXH165blogs thuộc Chương trình liên kết đào tạo giữa ĐH Giáo dục - ĐHQGHN và ĐH Sư phạm Đông Bắc Trung Quốc, ta có thể đọc thấy như sau:

“Dưỡng da bằng… “chuyện ấy”

Tất lẽ dĩ ngẫu...

Bạn cần một thứ mỹ phẩm giúp làm sáng da, mịn da, làm nhỏ lỗ chân lông, giảm mụn, chống lão hóa? Hãy thường xuyên quan hệ tình dục”.

Đấy, muốn cho da đẹp mịn thì “tất lẽ dĩ ngẫu” hãy làm tình thường xuyên. Báo Giáo dục Việt Nam cũng chẳng thua em kém chị trong việc xài “tất lẽ dĩ ngẫu”. Chẳng thế mà trong bài “Hé lộ công nghệ bóc lột thân xác ở “nghiệp đoàn mại dâm” Hà thành” (giaoduc.net.vn, ngày12/10/2012), tác giả đã viết:

 “Nhưng các đào cũng tâm niệm rằng, đã sống với nghiệp bán dâm thì sẽ tìm đủ mọi cách để sống với nó một cách tốt nhất, thoải mái nhất, không phải vương vấn điều gì. Thế nên, có phải “ngủ” với chủ, với nhân viên dịch vụ thì họ cũng coi đó là việc “tất lẽ dĩ ngẫu” mà thôi”.

Để kết thúc, chúng tôi xin tỏ lời tán thành sự quan tâm của bạn đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt với hy vọng là các cơ quan chức năng, trước nhất là của ngành truyền thông và ngành giáo dục cũng quan tâm như bạn.

A.C