Tăng thuế khai thác khoáng sản: Vẫn lợi cho doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp Nhà nước "bó tay" nếu tăng thuế
Dự thảo xây dựng trong thuế suất thuế của nhóm khoáng sản kim loại thì thuế khai thác sắt tăng từ 10 lên 13%, titan từ 11 lên 16%, vàng từ 15 lên 22%, đồng từ 10 lên 15%… Đối với nhóm khoáng sản không kim loại thì đá, sỏi tăng từ 6 lên 7%, cát từ 10 lên 11%, đất làm gạch từ 7 lên 10%, than từ 5-7% lên 7-9%.
Cho đến nay chưa có ngành nào vượt qua khai khoáng về nộp thuế vào ngân sách Nhà nước... Cụ thể, nếu như thuế khai thác mỏ năm 2009 chỉ là 19.329 tỉ đồng; năm 2010 là 26.014 tỉ đồng thì đến năm 2012 đạt 41.313 tỉ đồng. Giá trị xuất khẩu trung bình đạt 8,5 tỉ USD/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng trên 500 nghìn người lao động - một con số thật sự ấn tượng. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó ngành khai khoáng cũng đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, thiếu bền vững.
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Nhiều doanh nghiệp (DN) chưa đầu tư công nghệ cao vào khai thác, đặc biệt là chế biến sâu dẫn đến khoáng sản bị thất thoát rất lớn. Chưa hết, nguồn lợi tài nguyên khoáng sản mà thiên nhiên “ban tặng” đôi khi rơi vào một số nhóm lợi ích thay vì cho cả một cộng đồng do cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước còn chưa chặt chẽ.
Một điểm khai thác vàng trái phép ở xã Long Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình
Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiến hành đợt giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường năm 2012 nêu rõ, việc cấp phép khai thác khoáng sản được phân cấp mạnh cho địa phương là chủ trương hợp lý. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai do thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên, đã tạo điều kiện cho một số tỉnh, thành phố dễ dãi trong việc cấp phép. Hậu quả nhãn tiền, là có lúc, có nơi xảy ra tình trạng thực hiện trái quy định của pháp luật, ô nhiễm môi trường, cấp phép khai thác không theo quy hoạch, thậm chí quy hoạch chồng lên cả quy hoạch của Trung ương…
Theo đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), hiện nay hệ thống pháp luật về quản lý và khai thác khoáng sản tương đối đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định luật pháp và thực tế. “Mức thuế suất áp dụng cho ngành này chưa có biểu hiện bộc lộ những bất cập, tuy nhiên nguy cơ thất thoát khoáng sản vẫn tồn tại bởi công tác quản lý không có những chuyển biến mang tính đột phá”, vị này chia sẻ. “Trước hết, phải chỉnh lại tư duy của nhiều người. Phải khẳng định, Việt Nam chỉ từng là nước tương đối có tiềm năng chứ không giàu có tài nguyên khoáng sản. Trên thực tế, chính nhu cầu của cuộc sống đã tạo nên áp lực cho hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản như hiện tại. Bản thân việc chuyển đổi cơ chế kinh tế bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường đã làm xuất hiện nhiều thành phần kinh tế. Ngoài các DN Nhà nước còn có các thành phần kinh tế khác”.
Trong số các DN được thành lập mới, tồn tại không ít DN thuộc thành phần kinh tế trên đăng ký ngành nghề kinh doanh liên quan đến hoạt động khai khoáng. Một lực lượng không nhỏ là các tổ hợp kinh doanh, khai khoáng nhanh chóng hình thành ở hầu hết các tỉnh, huyện, thậm chí cấp xã. Lực lượng này sản xuất không chịu nhiều thuế, nhận được sự bảo hộ đặc biệt từ chính quyền, khai thác các loại tài nguyên khoáng sản lặt vặt theo mùa vụ để đáp ứng nhu cầu tại chỗ. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là hai thành phần DN ngoài quốc doanh trên có nên được trao quyền tham gia khai thác tài nguyên khoáng sản cùng lúc, trong khi Nhà nước đã quy định rõ vai trò “chủ mỏ” trên cả nước cho một số tập đoàn kinh tế?
Tăng thuế có siết được quản lý?
Trước hết, hãy bắt đầu từ khác biệt cơ bản. Giá trị cốt lõi được phân biệt giữa DN Nhà nước và DN tư nhân, đó chính là trách nhiệm xã hội, phục vụ quốc kế dân sinh. Ngoài nhiệm vụ sinh lời như thiên chức của một DN bất kỳ, DN Nhà nước còn chịu khá nhiều áp lực từ việc đảm bảo ngân sách quốc gia, điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Như đã đề cập, việc khai thác và chế biến khoáng sản chưa bao giờ được tiến hành rộng rãi ở các địa phương như hiện nay. Bên cạnh việc đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương đó, các hoạt động này cũng “góp phần” không nhỏ vào việc gây ô nhiễm môi trường sống, tác hại đến sức khỏe của con người và sự phát triển bền vững của đất nước. Nhiều thời điểm, DN Nhà nước đành bó tay đứng nhìn DN ngoài quốc doanh mặc sức tung hoành và ngang nhiên xuất khẩu tài nguyên thô ra nước ngoài với giá rẻ. Họ không được trao quyền để xử lý vi phạm?!
Trên thực tế, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản dưới hình thức nào cũng có thể gây tổn thương và trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Dư luận vốn nhiều chiều, các nhà kinh tế nhìn một góc độ, các nhà khoa đứng ở khía cạnh khác, trong khi các nhà quản lý lại tham luận một kiểu. Nói như một lãnh đạo Vinacomin thì để học được khai thác, chế biến và làm sao để đừng “đánh rơi” khoáng sản quả là không hề đơn giản. Quy mô công nghiệp có thể nâng cao về năng lực công nghệ, thiết bị, quản lý, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có sự gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu lợi nhuận, kinh tế với trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên khoáng sản hay chưa mới là vấn đề thật sự... đau đầu.
“Mấu chốt vẫn xuất phát từ thực trạng đầu tư còn hạn chế của các DN ngoài quốc doanh, nên các mỏ khai thác quy mô công nghiệp ở nước ta hiện chưa đồng đều về hiệu quả kinh tế, về việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, về bảo vệ môi trường”, vị lãnh đạo trên chia sẻ. Quả thật, khi DN Nhà nước còn khó khăn trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản bền vững, thì thử hỏi tư nhân làm sao có thể kiểm soát?
Thứ nữa, tận thu là tư duy chủ đạo trong chủ trương khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản theo quy mô nhỏ của DN ngoài quốc doanh. Do vốn đầu tư ít, khai thác bằng phương pháp thủ công hoặc bán cơ giới là chính, nên trong quá trình khai thác, chế biến, DN ngoài quốc doanh làm ảnh hưởng nhất định đến môi trường, cảnh quan.
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng để thực hiện mục đích không khuyến khích việc khai thác những tài nguyên khoáng sản có giá trị kinh tế lớn, bên cạnh việc quản lý chặt chẽ tài nguyên, hạn mức cấp phép khai mỏ, đẩy mạnh công tác giám sát khai thác và xuất khẩu khoáng sản, thì phải dùng đến “đơn thuốc” tăng thuế. Thực tế cho thấy, quặng xuất lậu của các DN ngoài quốc doanh không mất thuế tài nguyên, thuế môi trường, không phải thuê đất khai thác... nên giá quặng rất thấp, thậm chí tàn phá môi trường. Còn DN lớn được cấp phép và có đầu tư bài bản thì phải nộp đủ các loại thuế, phí nên giá thành quặng cao hơn. Vì vậy, cần tạo sự bình đẳng, bảo đảm quyền lợi cho DN Nhà nước - vốn mang nặng trên vai trách nhiệm xã hội. Làm được việc đó, một phần nhờ chính sách thuế hợp lý, đồng thời tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Tùng Lê
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Xem xét lại phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp
-
Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thu về 339 tỷ đồng
-
Doanh nghiệp Nhà nước cần được tăng cường phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu quả kinh doanh