Tăng thuế để giảm hút thuốc lá
Thuế tăng - giảm hút
Trong khói thuốc chứa hơn 7.000 chất hóa học, khoảng 69 chất gây ung thư. Nicotine trong khói thuốc lá được xếp vào nhóm có tính dược lý gây nghiện tương tự như cocain và heroine. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn khói thuốc lá được khoa học chứng minh còn gây ra hơn 25 căn bệnh khác nhau như tim mạch, các bệnh về hô hấp, ung thư phổi… Chính vì tác hại của thuốc lá như vậy nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo: Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, số ca tử vong sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030 thay vì 40.000 ca như hiện nay.
Và một biện pháp WHO cùng các chuyên gia y tế trong nước đang hướng đến là tăng thuế thuốc lá. Tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm vận động tăng thuế thuốc lá do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Quỹ PCTHTL), Bộ Y tế phối hợp với Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi tổ chức vừa qua, Phó giám đốc Quỹ PCTHTL, Th.S.B.S Phan Thị Hải đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chính sách thuế trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, đồng thời nhấn mạnh vai trò của các trường, các hội và các tổ chức trong công tác PCTHTL nói chung và đặc biệt trong công tác truyền thông vận động tăng thuế thuốc lá.
Ảnh minh hoạ |
Các chuyên gia đã nhấn mạnh, nếu tăng thuế thuốc lá để đẩy giá giá bán lẻ tăng thêm 10% sẽ giúp giảm 4% tiêu dùng thuốc lá tại các nước có thu nhập cao và giảm khoảng 8% tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tương ứng với đó, ước tính sẽ giảm khoảng 42 triệu người, trong đó có 8 triệu người ở những nước có thu nhập thấp và trung bình và 4 triệu người ở nước có thu nhập cao hút thuốc và như vậy 10 triệu ca tránh được tử vong sớm (9 triệu ca ở những nước có thu nhập thấp và trung bình và 1 triệu ca ở nước có thu nhập cao). Còn mức tăng 70% giá bán thuốc sẽ ngăn chặn được 1/4 các ca tử vong do thuốc là gây ra trên toàn thế giới.
Là nước đứng trong nhóm 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần “thoát” khỏi bảng xếp hạng này bằng cách đạt mục tiêu mà Chiến lược Quốc gia về PCTHTL đã đặt ra là giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới từ 45,3% năm 2015 xuống còn 39% vào năm 2020. Phương án thực hiện để dần đạt mục tiêu này là áp dụng phương án thuế hỗn hợp, nghĩa là kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối với mức tăng ít nhất là 2.000 đồng/bao (20 điếu). Còn để giảm tỷ lệ hút xuống 39% theo mục tiêu quốc gia thì thuế tuyệt đối cần tăng tới 5.000 đồng/bao.
Tăng thuế - giảm buôn lậu
Th.S.B.S Nguyễn Tuấn Lâm, WHO tại Việt Nam giải thích: “Tại Việt Nam, hiện thuế nhập khẩu đang duy trì ở mức 135%. Thuế suất thuế nhập khẩu cao làm cho thuốc lá ngoại nhập khẩu hợp pháp khó tiêu thụ vì giá bán cao, vì vậy tạo động lực gây ra buôn lậu thuốc lá. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc lá nhập lậu do thói quen người tiêu dùng thích một số nhãn thuốc lậu (hay còn gọi là “gu” hút thuốc) cũng khuyến khích buôn lậu chứ không hẳn vì giá tiền. Vì theo một điều tra của Trường ĐH Thương Mại tại 12 tỉnh ở nước ta cho thấy, trên 70% người sử dụng thuốc lá lậu là do hương vị, tò mò hoặc bạn bè mời”.
Hiện nay, 80-90% số lượng thuốc lá lậu là nhãn Jet và Hero. Hai nhãn thuốc này có hàm lượng nicotine rất cao, hợp với những người nghiện nặng thuốc lá. Số liệu điều tra hút thuốc ở người trưởng thành (GATS) 2015 cho thấy: 91,8% các nhãn thuốc Jet và Hero được tiêu thụ tại 2 vùng là Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Đặc biệt là có tới 75% lượng tiêu thụ của 2 nhãn này trong phạm vi 10 tỉnh gồm: Bình Thuận, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, và Cần Thơ. Như vậy, rõ ràng “gu” hút thuốc khiến người hút thuốc sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm thuốc lậu thay vì sử dụng thuốc là hợp pháp giá thấp hơn. GATS còn cho thấy, mức giá trung bình của Hero và Jet cao hơn mức giá trung bình của các nhãn hiệu thuốc lá hợp pháp khoảng từ 30% đến 60%.
“Do đó, ở Việt Nam buôn lậu thuốc lá thực chất không có mối tương quan với mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hay thấp. Điều này cũng được thể hiện trong kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Cụ thể qua phân tích số liệu từ 76 quốc gia cho thấy tại các quốc gia có mức giá thuốc lá thấp, tình trạng buôn lậu thậm chí lại xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá và thuế thuốc lá cao.Hơn nữa, nhiều quốc gia đã kiểm soát buôn lậu thuốc lá thành công ngay cả khi thuế và giá thuốc lá tăng cao”, BS Lâm khẳng định.
Vì vậy các chuyên gia thống nhất nên áp dụng phương thức tăng thuế để giảm hút thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nguyễn Anh
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Petrovietnam và Zarubezhneft trao văn kiện hợp tác
-
[VIDEO] Thủ tướng đến Nga dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện