SCIC thoái vốn thành công tại 1.000 doanh nghiệp
Tập trung đầu tư mua cổ phiếu phát hành cho các cổ đông hiện hữu
Theo đánh giá của SCIC, đa số các doanh nghiệp nhận bàn giao có kết quả sản xuất kinh doanh tốt. Cổ tức bằng tiền giai đoạn 2011-2019 của các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC tại thời điểm 30/6/2019 lũy kế là 29.900 tỷ đồng.
Đến 30/6/2019, danh mục doanh nghiệp của SCIC gồm 145 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước gần 28.950 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 99.500 tỷ đồng. Trong đó có: 14 doanh nghiệp nhóm A1 chiếm tỷ trọng 48% giá trị vốn nhà nước, 37 doanh nghiệp nhóm A2 chiếm tỷ trọng 2% giá trị vốn nhà nước, 17 doanh nghiệp nhóm B1 chiếm tỷ trọng 45% giá trị vốn nhà nước và 77 doanh nghiệp nhóm B2 chiếm tỷ trọng 5% giá trị vốn nhà nước.
Ông Trần Nguyên Nam, Phó ban phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp SCIC trình bày tham luận tại diễn đàn |
Về công tác bán vốn, SCIC cho biết, đơn vị này đã thực hiện thoái vốn thành công tại gần 1.000 doanh nghiệp (trong đó thoái hết vốn tại 896 doanh nghiệp), đạt hiệu quả cao, thu được gần 47.200 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với giá vốn.
Trong số đó, có một số doanh nghiệp lớn đã thoái như: CTCP Sữa Việt Nam bán 5,4% năm 2016 và 3,3% năm 2017, thu về 20.276 tỷ đồng; CTCP Nhựa Bình Minh bán năm 2018, thu về 2.330 tỷ đồng; Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng - Vinaconex bán năm 2018, thu về 7.366 tỷ đồng…
Trong giai đoạn 2017 đến hết tháng 6/2019, SCIC đã bán vốn tại 51 doanh nghiệp, bao gồm: Vinamilk và Nhựa Bình Minh, trong đó bán hết vốn tại 47 doanh nghiệp, bán bớt vốn tại 4 doanh nghiệp. Tổng giá trị thu được là 20.110 tỷ đồng, trên giá vốn là 3.469 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 16.642 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,8 lần, cao hơn mức bình quân cả nước giai đoạn 2011-2015 là 1,48 lần.
Đối với việc đầu tư kinh doanh vốn, SCIC cho biết, với nguồn vốn điều lệ và vốn tích tụ trong quá trình kinh doanh, tổng vốn đầu tư đã giải ngân của SCIC từ khi thành lập đến 30/6/2019 là khoảng 28.250 tỷ đồng, trong đó đầu tư mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại các doanh nghiệp tiếp nhận 14.350 tỷ đồng; đầu tư thành lập mới và đầu tư cổ phiếu trên 6.000 tỷ đồng; đầu tư trái phiếu 6.850 tỷ đồng; đầu tư theo chỉ định hơn 1.000 tỷ đồng.
Từ những kết quả trên có thể thấy hoạt động đầu tư của SCIC trong thời gian qua đã tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, gắn với thị trường và đạt hiệu quả khá cao, nhất là đối với các khoản đầu tư mua cổ phiếu phát hành cho các cổ đông hiện hữu. SCIC đã và đang trở thành đầu mối tích tụ vốn và là công cụ quan trọng để Chính phủ thực hiện một số khoản đầu tư theo chỉ định.
Mới tiếp nhận khoảng gần 1% tổng số vốn nhà nước
Bên cạnh những kết quả trên, Phó tổng giám đốc SCIC Lê Song Lai cho biết, doanh nghiệp này cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Cụ thể, việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, quy mô hạn chế. Qua 10 năm hoạt động, vốn nhà nước do SCIC tiếp nhận quản lý mới bằng khoảng gần 1% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp (theo giá trị sổ sách). Trong khi đó, phần lớn vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trên 99%) do các bộ, địa phương quản lý nên đã hạn chế quy mô hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC và sự tham gia của SCIC trong sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức quản lý, đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn do đa số doanh nghiệp khi tiếp nhận còn tỷ lệ vốn nhà nước không đủ chi phối hay phủ quyết. Doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước cao (có trường hợp đến hơn 90%) thì hoạt động không hiệu quả, nhiều tồn tại về tài chính từ giai đoạn trước. Để xử lý được triệt để đòi hỏi sự phối hợp không chỉ giữa SCIC và doanh nghiệp mà còn ở các bộ, địa phương.
Bên cạnh đó, cơ chế người đại diện vốn nhà nước thông qua ủy quyền vẫn còn một số vấn đề như trách nhiệm, quyền lợi của người đại diện chưa tương xứng; chế độ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo từ chủ sở hữu chưa rõ ràng; chế độ lương, thưởng, thù lao đối với người đại diện còn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Theo cơ chế hiện hành, các tập đoàn, tổng công ty trong đó có SCIC chưa thực sự có quyền chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà ước so với khu vực khác. Biên chế, tiền lương hàng năm của các tập đoàn, tổng công ty phải có sự chấp thuận của bộ quản lý ngành, hạn chế sự linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về công tác cổ phần hóa, SCIC cho hay, doanh nghiệp này gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc vì hầu hết các công ty TNHH 1, 2 thành viên mà SCIC tiếp nhận có quy mô nhỏ, còn nhiều tồn tại vướng mắc về tài chính kéo dài, đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí mất hết vốn nhà nước, không đủ điều kiện triển khai cổ phần hóa.
Đối với 5 doanh nghiệp mà SCIC thực hiện cổ phần hóa theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017 thì cơ quan có thẩm quyền chậm phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất và phương án sử dụng đất nên việc công bố giá trị doanh nghiệp không thể thực hiện đúng tiến độ kế hoạch.
Một số quy định mới tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về phê duyệt phương án sử dụng đất, xử lý về các vấn đề phát sinh liên quan đến việc xây dựng phương án cổ phần hóa, chính sách đối với người lao động dôi dư… chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, nhiều quy định mới về cổ phần hóa thoái vốn được ban hành (Nghị định 01/2017/NĐ-CP, Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 32/2018/NĐ-CP) theo hướng chặt chẽ hơn, đảm bảo tối đa lợi ích của nhà nước nên các doanh nghiệp phải thực hiện lại một số nội dung trong quá trình cổ phần hóa…
Đối với công tác thoái vốn nhà nước, địa diện SCIC cho biết, nhìn chung, pháp luật còn quy định chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì tại một văn bản duy nhất, cho dù chỉ ở cấp thông tư. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở quy định khung, mang tính nguyên tắc nên trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp nhà nước thường xuyên phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh.
Công tác lập kế hoạch hóa thoái vốn không thực sự gắn với yêu cầu thị trường khi đặt ra những thời hạn chót để hoàn thành. Các doanh nghiệp bán vốn không có nhiều lựa chọn với tư cách một nhà đầu tư khi không thể chủ động và độc lập quyết định về thời điểm và danh mục doanh nghiệp thoái vốn. Do đó, trong không ít trường hợp phải thoái vốn tại những doanh nghiệp có hiệu quả cao, sau đó sử dụng số tiền thu về để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại những doanh nghiệp/dự án có hiệu quả thấp hơn chỉ với lý do doanh nghiệp đó không thuộc đối tượng nhà nước phải nắm giữ lâu dài.
Để đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch thì phương thức đấu giá công khai cổ phần nhà nước luôn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu cả đối với các DN niêm yết hoặc chưa niêm yết. Tuy nhiên, với cách thức tổ chức đấu giá cổ phần như hiện nay, đang tồn tại một khoảng cách khá xa giữa quy định về bán vốn tại Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Đặc biệt, trong quá trình thoái vốn của SCIC đã xảy ra không ít khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến việc xử lý thu hồi tiền đặt cọc của nhà đầu tư do vi phạm quy chế đấu giá… Mặt khác, việc quy định các nhà đầu tư phải đặt cọc bằng tiền đồng (trừ một số ít trường hợp đặc biệt khi giao dịch có giá trị lớn như VNM - Vinamilk, bên bán mới có thể xin phép cơ quan chức năng cho phép nhà đầu tư đặt cọc bằng ngoại tệ) bị nhìn nhận là tạo thêm rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, còn tồn tại khá nhiều vướng mắc về phía doanh nghiệp là đối tượng thoái vốn như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu chi phối (trên 51%) tại doanh nghiệp, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước; doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài; không có lợi thế về đất đai; Giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư...
Trước thực tế trên, SCIC đã đưa ra hàng loạt kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và thoái vốn nhà nước, trong đó ưu tiên nhất là cần tạo môi trường cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Riêng đối với quá trình cổ phần hóa, SCIC đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất và phương án sử dụng đất doanh nghiệp mà SCIC cổ phần hóa theo Quyết định số1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017.
Minh Lê
29 doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa chuyển giao 630 tỷ đồng cho SCIC |
SCIC dự kiến bán vốn tại 108 doanh nghiệp trong năm nay |
SCIC chuyển 'cục nợ' hơn 19.000 tỷ đồng về Bộ Tài chính |
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
BP bán cổ phần trong hoạt động kinh doanh gió ngoài khơi