Phải xử thật nặng lái xe uống bia rượu, sử dụng chất kích thích
Thời gian qua đã xảy ra hàng loạt vụ tài xế sử dụng chất kích thích như rượu bia, ma túy tham gia giao thông dẫn tới chết người. Dư luận hết sức bất bình và mong muốn có chế tài thật nặng đối với hành vi này để đủ sức răn đe, hạn chế những "kẻ điên" sau vô lăng.
thảm khốc tại đường hầm Kim Liên - Hà Nội. |
Vừa qua, một vụ tai nạn thương tâm khiến hai người phụ nữ thiệt mạng trong hầm Kim Liên Hà Nội do tài xế Lê Trung Hiếu gây ra. Điều đáng nói là lái xe Lê Trung Hiếu đã uống cả bia lẫn rượu nhưng vẫn điềm nhiên lái xe chở bạn đi trên đường phố. Đến khi về thì ngấm cồn và gây tai nạn. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn tại thời điểm sau khi tài xế Lê Trung Hiếu gây tai nạn cũng cho thấy anh này đã vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,751 mg/lít khí thở. Đây đều là mức vi phạm rất nặng đối với lái xe có vi phạm nồng độ cồn trong hơi thở.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại đường Láng (Hà Nội) đêm 22/4 |
Còn vụ tài xế Đỗ Xuân Tuyên tông chết người phụ nữ làm công nhân vệ sinh trên đường phố vào đêm 22/4 thì thật kinh hoàng khi Công an đã kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của Tuyên và cho kết quả lên đến 1,041 mg/lít khí thở.
Cả hai tài xế "điên" nêu trên đều có cồn trong người vượt từ 2-3 lần mức độ cao nhất trong khung xử phạt hành chính. Cụ thể, nồng độ cồn ở mức 0,4 mg/lít khí thở, tài xế điều khiển xe ô tô đã bị xử phạt ở mức cao nhất. Theo quy định hiện hành thì mức xử phạt tài xế có nồng độ cồn, mức cao nhất là phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 4-6 tháng đối với người điều khiển xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/l khí thở.
Bởi vậy, hành vi phạm tội trong tình trạng dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Luật Hình sự 2015 đã không coi việc “say rượu, bia hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm.
Trường hợp cơ quan chức năng xác định được các tài xế do uống rượu bia, chất kích thích dẫn đến không làm chủ được tốc độ, gây tai nạn giao thông với hậu quả làm chết người thì hành vi này có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Trường hợp gây hậu quả làm chết 2 người như tài xế Hiếu gây nên, khung hình phạt cao nhất cho tài xế là đến 10 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Tuy nhiên, trước quá nhiều vụ việc tương tự, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lý những người dùng chất kích thích mà vẫn tham gia giao thông gây tai nạn ở tội “Cố ý gây thương tích” hoặc tội “Giết người”.
Theo đó, cần xếp nhóm hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông nếu gây hậu quả nghiêm trọng thuộc nhóm hành vi lỗi cố ý gián tiếp quy định tại khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự 2015: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.
Với phân tích nêu trên, có thể thấy rằng việc buộc những người tham gia giao thông nhận thức được mức độ nghiêm trọng có thể xảy ra khi sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức gây tai nạn để lại hậu quả nghiêm trọng, chết người sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với lỗi cố ý. Cụ thể, hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì xem xét ở tội “Cố ý gây thương tích” hoặc gây ra chết người thì xử theo tội “Giết người”.
Chỉ khi nào hình phạt của pháp luật đủ mạnh, có sức răn đe cần thiết mới hạn chế tối đa những vụ tai nạn thảm khốc đang có chiều hướng tăng nhanh tại nước ta.
Tùng Phong
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí