Phải trừng phạt nặng tội ấu dâm!
Theo các nhà khoa học, “thiến” hóa chất là một phương pháp tiêm hormone vào cơ thể của người phạm tội. Loại hormone này kháng hormone sinh dục nam testosterone, làm nồng độ testosterone giảm xuống từ đó kéo theo nhu cầu tình dục xuống mức thấp nhất. Hiện đã có một số nước trên thế giới sử dụng biện pháp “thiến” hóa chất như Indonesia, Hàn Quốc để tiêu diệt dục tính đối với tội phạm ấu dâm. Còn ở châu Âu như Đức, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Thụy Điển… đã dùng biện pháp thiến phẫu thuật để xử lý những kẻ thích ấu dâm. Cụ thể như ở Mỹ, năm 1996, Mỹ đã tuyên bố cho phép sử dụng hóa chất để thực hiện “thiến” đối với tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em dưới 13 tuổi hoặc phạm tội nhiều lần. Một số bang khác của Mỹ như California, Georgia, Montana, Florida và Louisiana thì cho phép dùng hóa chất để gây rụng tinh hoàn…
Áp phích về xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu |
Tại buổi tọa đàm “Nạn xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng” vừa được tổ chức tại Hà Nội, Luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp đã đề xuất thực hiện biện pháp “thiến” hóa chất đối với tội phạm tình dục trẻ em để ngăn chặn khả năng tái phạm, đồng thời răn đe nguy cơ này trong xã hội. Tuy nhiên, đề xuất này không phải người nào cũng hưởng ứng.
Trả lời Báo Năng lượng Mới, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, “thiến” hóa chất không phải là một giải pháp hay, bởi dưới góc độ hiệu quả, chỉ giải quyết trong một giai đoạn nhất định, còn về lâu dài, không mang tính triệt để (chỉ có tác dụng trong một vài năm). Chưa kể đến nếu thực hiện, ai sẽ là người thanh toán cho hormone testosterone làm giảm tình dục nam đó, do chi phí loại hóa chất nội tiết này rất đắt. Một điểm nữa đáng quan tâm là nếu “thiến” hóa chất sẽ dẫn đến những tác dụng phụ như ngực phát triển, chất lượng máu thay đổi, thậm chí có những ảnh hưởng về sức khỏe nghiêm trọng dẫn đến tử vong thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm.
Ở một số nước, theo TS Khuất Thu Hồng, thực hiện biện pháp “thiến” hóa chất trên cơ sở tội phạm chấp nhận. Còn ở Việt Nam tất cả những điều này chưa rõ ràng thì không thể thực hiện được. Tuy nhiên, điều TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh là: “Thiến” hóa chất không giải quyết triệt để. Theo bà có thể thực hiện biện pháp gắn chip và quy định bán kính cho phép tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được phép di chuyển. Vì biện pháp này có thể quản lý được cả về hành vi và con người của kẻ phạm tội, đồng thời xử lý nhanh trong trường hợp “tái phạm” xảy ra. Ở một số quốc gia đã thực hiện biện pháp này và không chỉ đối với người mắc tội xâm hại tình dục mà đối với một số loại tội phạm nhất định khác.
Đồng quan điểm, trả lời báo giới nhiều chuyên gia pháp lý cũng không đồng tình biện pháp “thiến” hóa chất với lý do là vi phạm nhân quyền. Do Hiến pháp năm 2013 quy định tại khoản 1, Điều 20 rất cụ thể: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
TS Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khẳng định ngay với báo giới về giải pháp này: “Đề xuất đó không phù hợp với điều kiện của nước ta. Bởi ngăn chặn không phải chỉ nằm ở sự trừng trị, mà quan trọng là ở việc giáo dục ý thức của con người để họ không có những hành động suy đồi”. TS Lưu Bình Nhưỡng cũng nhận định: “Để xử lý và ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục trẻ em có nhiều cách, như biện pháp hành chính và quan trọng nhất khi phát hiện đối tượng vi phạm phải xử lý ngay và nghiêm khắc”.
GS.TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cũng khẳng định: Đề xuất “thiến” hóa chất là một hình phạt, nghĩa là người nào đó vi phạm, ngoài chịu sự trừng trị bằng hình phạt tù còn bị thêm hình phạt “thiến” hóa chất. Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội phát triển, đề xuất trên không phù hợp, nó không thể hiện được tính văn minh, nhân đạo của pháp luật.
Còn Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú cho rằng: Đề xuất này dưới góc độ cả tình và lý đều không phù hợp. Bởi về tình, nếu thực hiện giải pháp này phải là bác sĩ. Nhưng bác sĩ “lương y như từ mẫu” chỉ cứu người chứ không hại người, kể cả là tội phạm. Mà “thiến” hóa chất là một hình thức gây hại sức khỏe cho người khác nên bác sĩ không thể thực hiện. Như vậy là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Về luật, thì đây không phải là một giải pháp có thể giải quyết triệt để, bởi có những tội đến án tử hình còn không đủ sức răn đe người phạm tội huống hồ là “thiến” hóa chất, chỉ giải quyết nhất thời. Ý tôi muốn nói ở đây, không chỉ pháp luật mới giải quyết được mọi việc mà quan trọng phải kết hợp nhiều biện pháp, nhất là đối với nạn xâm hại tình dục trẻ em - phải giáo dục học đường, tuyên truyền, đề cao cảnh giác, dạy các em kỹ năng chống lại hành vi xâm hại tình dục…
Trái với quan điểm của các nhà xã hội và luật pháp trên, ông Đỗ Văn Đương, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã từng đánh giá, “thiến” hóa chất là một biện pháp khả thi rất đáng đưa ra để bàn bạc thực hiện. Ông nói: “Đây có lẽ là một hình phạt mới, cần được nghiên cứu, bổ sung trong hệ thống hình phạt để duy trì trật tự xã hội hiệu quả hơn, khiến cho người khác thấy nhục nhã, run sợ mà từ bỏ hành vi phạm tội. Bởi với những đối tượng phạm tội hiếp dâm, khi ra tù vẫn có thể tái phạm. Và trong thực tế đã cho thấy như vậy. Cho nên nếu việc “thiến” hóa chất mà loại trừ được bệnh hoạn của người phạm tội xâm hại tình dục thì nên thực hiện. Chúng ta không nên nặng về giáo dục, về hình phạt tù để rồi nguy cơ xâm hại tình dục thay vì giảm lại ngày càng tăng”. Theo ông Đương đối với hình thức “thiến” hóa chất điều ý nghĩa nhất, sức nặng nhất của nó là không chỉ mang tính trừng trị người phạm tội mà quan trọng hơn là răn đe người khác đừng đi vào con đường tà dâm.
Còn trước câu hỏi, nếu đề xuất “thiến” hóa chất thành hiện thực theo quan điểm của một số người là vi phạm nhân quyền thì ông Đương cũng từng khẳng định, nhân văn nên hiểu cho đa số chứ không phải cho thiểu số. Khi trừng trị một ai đó phải dựa vào căn bản quyền trừng trị của xã hội, tức quyền phải xem xã hội có cần trừng trị người phạm tội bằng hình phạt “thiến” hóa chất hay không. Xã hội thấy rằng, cần thiết phải trừng trị hành vi này như vậy thì Nhà nước phải có hình phạt thích ứng, giữ cho xã hội yên vui. Nhà nước là người phải điều khiển xã hội, phải nắm lấy căn bản quyền trừng trị của xã hội đó, nhu cầu của xã hội mà hoạch định chính sách hình sự, xây dựng luật hình và có biện pháp thích nghi. Trước khi đưa ra một hình phạt nào đó, phải có ý kiến trong nhân dân. Nếu đa số đồng ý, mà trên thế giới nhiều nước áp dụng thì mình cũng có thể áp dụng.
Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Độ tuổi bị xâm hại trước đây thường từ 13-18 tuổi. Nhưng nay xuất hiện ở lứa từ 5-13 tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê. |
Nguyễn Anh
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp