Ông Putin: Nga "miễn dịch" với lệnh trừng phạt
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: TASS). |
"Họ có thể áp lệnh trừng phạt bất cứ lúc nào, miễn là hôm nay họ có lý do liên quan đến các sự kiện ở Ukraine. Nếu không có lý do, họ sẽ cố tìm bằng được", RT dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko ngày 20/2.
Chủ nhân Điện Kremlin nói, Nga khó tránh khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây bởi chúng không nhằm làm thay đổi hành vi của Moscow, mà nhằm cản trở sự phát triển kinh tế của Nga. Tổng thống Nga cho biết, Moscow tin rằng, các lệnh trừng phạt đó là bất hợp pháp, là một công cụ cạnh tranh không công bằng của Mỹ và các đồng minh.
Mỹ và các đồng minh đã liên tục áp các lệnh trừng phạt kinh tế, ngoại giao với Nga kể từ năm 2014 khi Nga đồng ý cho sáp nhập bán đảo Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý ở bán đảo này. Phương Tây đến nay vẫn không công nhận kết quả trưng cầu mà họ cho là bất hợp pháp đó.
Các nước phương Tây mới đây tiếp tục cảnh báo áp lệnh trừng phạt chưa từng có nếu Nga "động binh" với Ukraine. Kể từ cuối năm ngoái, Nga đã triển khai hơn 100.000 binh sĩ đến các khu vực gần biên giới với Ukraine từ 3 hướng khác nhau gồm: bán đảo Crimea, phía tây của Nga và Belarus.
Giới chức Mỹ những ngày qua phát đi cảnh báo rằng, Moscow đã đưa ra quyết định về việc "động binh" với Ukraine và các đơn vị tác chiến của Nga đã vào vị trí sẵn sàng. Nga đã bác bỏ cảnh báo và tuần trước thông báo các lực lượng của Nga triển khai gần biên giới Ukraine đã bắt đầu rút về căn cứ. Tuy vậy, phương Tây vẫn tỏ ra hoài nghi về tuyên bố này.
Trong khi giới tình báo Mỹ tiếp tục chật vật giải mã những tính toán và bước đi tiếp theo của ông Putin, nhiều chuyên gia cho rằng, việc Nga tăng cường lực lượng gần biên giới Ukraine nhằm gây sức ép đàm phán với phương Tây về các vấn đề an ninh cốt lõi.
Cuối năm ngoái, Nga đã đưa ra hàng loạt đề xuất an ninh với phương Tây, trong đó có đề xuất NATO phải cam kết không mở rộng về phía Đông, không kết nạp Ukraine hay Mỹ và NATO phải rút vũ khí triển khai gần Nga.
Tháng trước, Mỹ và NATO đã gửi phản hồi bằng văn bản, nhưng Moscow cho rằng những phản hồi đó là chưa thỏa đáng bởi phương Tây tiếp tục bỏ qua những vấn đề cốt lõi. Trong cuộc điện đàm hôm 20/2 với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Putin nhấn mạnh, Mỹ và NATO phải đưa ra phản hồi cụ thể và thực chất với các đề xuất của Nga.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh trong trường hợp Mỹ và NATO không sẵn sàng nhất trí về những cam kết chắc chắn và mang tính ràng buộc pháp lý để đảm bảo an ninh của Moscow, Nga sẽ buộc phải đáp trả, trong đó có khả năng triển khai các biện pháp quân sự, kỹ thuật.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 28/10: Tín dụng bất động sản chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế
-
Không khoan nhượng trong “cuộc chiến” thương mại điện tử
-
190 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024
-
Tổng thống Putin: Nga không từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu
-
Tin Thị trường: Giá dầu giảm sốc phiên đầu tuần