Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nói rõ thêm về từ BỤT

07:00 | 27/08/2014

|
Bạn đọc: 1. Bài “Chữ Bụt của Sư ông Thích Nhất Hạnh” (Năng lượng Mới số 348) chưa thuyết phục ông An Chi ạ. Bụt đúng là từ bản địa hóa. (B. Tr., Facebook) 2. Có Kinh Hiền Nhân chép về Bụt, ông An Chi ạ(Ăn Hại - Facebook) 3. Xin ông An Chi cho biết bài “Ðắc thú long tuyền thành đạo ca” của Vua Trần Nhân Tông và “Vịnh Vân Yên Tự Phú” của Thiền sư Huyền Quang viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm? Trong hai bài này thì chữ “Bụt” và chữ “Phật” khác nhau thế nào?(Bui Quoc Huy, My home; Người Ðẹp Trai, làm việc tại Microsoft;Nguyễn Ngọc Thạch, Bình Thanh, TP HCM)

Năng lượng Mới số 350

Học giả An Chi: 1. Về nhận xét của bạn B. Tr. thì, cũng ngay trên Facebook, bạn Cong Minh Do đã phát biểu như sau:

“Trong khi ở Trung Quốc, học giả Quý Tiện Lâm đã cố gắng chứng minh bằng những bài viết công phu là từ PHẬT đã vào Hán ngữ thông qua các ngôn ngữ trung gian ở vùng Trung Á thì ở Việt Nam, những người theo thuyết “bản địa hóa”, cho đến nay, chỉ dựa vào một số lý luận mơ hồ để chứng minh từ BỤT vào tiếng Việt bằng con đường trực tiếp từ Ấn Ðộ...”.

Chúng tôi xin mượn lời bạn Cong Minh Do để trả lời bạn B. Tr. như trên. Còn về mặt ngữ học lịch sử - mới là việc chính phải làm - thì chúng tôi đã biện luận rõ ràng và chặt chẽ trong bài trước, nhất là ở các đoạn 1, 3 và 4, nên bất tất phải nói gì thêm ở đây. Ngữ học lịch sử cần những ngữ liệu cụ thể và có thể kiểm chứng chứ không phải những nhận định mơ hồ về lịch sử của Phật giáo Việt Nam.

2. Trang bodetam.org có lời giới thiệu “Kinh Hiền Nhân” do Nhất Hạnh viết, mà đoạn kết là:

“Cuốn Triết Nhân do ông Ngô Nguyệt Chi dịch Phạm  Văn (tức tiếng Sanskrit - AC) ra Hán - Văn với một lối văn có màu sắc cổ điển và thuần túy. Nguyên nhan đề là “Kinh ông Bụt”, nay thầy Lê phước Bình dịch ra tiếng Việt - ngữ đổi lại là KINH HIỀN NHÂN. Hiền - Nhân hay ông Bụt cũng thế là tiền thân của Phật Thích - Ca, chính Ngài thuật lại”.

Vậy thì, Kinh Hiền Nhân mà bạn Ăn Hại nhắc đến chính là Kinh ông Bụt, theo lời của Nhất Hạnh. Nhưng đây chỉ là ý kiến riêng của Nhất Hạnh. Chắc đây không phải Sư ông Thích Nhất Hạnh, nhưng ngôn từ thì rõ ràng là mang đậm hơi hướng của Làng Mai. Ðây là một đại ngoa ngôn. Nhất Hạnh cho biết “cuốn Triết Nhân do ông Ngô Nguyệt Chi dịch Phạm Văn ra Hán - Văn” nhưng Hán văn làm gì có lối nói “nôm na mách qué” là “Kinh ông Bụt” mà bảo đây là tên gốc của bản dịch “Phạm - Văn ra Hán - Văn”. Rõ ràng đây chỉ là chuyện đặt để cá nhân tùy tiện, bất chấp sự thật, không phù hợp với trách nhiệm và đạo đức của người truyền bá giáo lý.

Vậy quyển Kinh Hiền Nhân mà bạn Ăn Hại đã nhắc đến dứt khoát không phải là căn cứ để xác nhận sự tồn tại của chữ “Bụt”.

3. Bài “Ðắc thú lâm tuyền thành đạo ca” của Vua Trần Nhân Tông và bài “Vịnh Vân Yên Tự Phú” của Thiền sư Huyền Quang đều viết bằng chữ Nôm, trong đó tự dạng của chữ “Bụt” là [孛] và của chữ “Phật” là [佛]. Trong bài ca của Trần Nhân Tông (dẫn từ thientongvietnam.net), chữ “Bụt” có mặt ở những câu:

3a1. Thờ phụng Bụt trời,

Ðêm ngày hương hỏa.

Tụng kinh niệm Bụt,

Chúc thánh khẩn cầu.

Còn chữ “Phật” có mặt trong:

3a2. Học đòi chư Phật,

Cho được viên thành.

Trong bài phú của Huyền Quang (dẫn từ thuong - chieu.org), chữ “Bụt” có mặt trong những câu:

3b1. Chỉn ấy trời thiêng mẽ khéo;

Nhìn chi vua Bụt tu hành.

3b2. Nương am vắng Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu, mấy nhè nhẹ;

Kề song thưa thầy ngồi thiền định, trăng vằng vặc, núi xanh xanh.

3b3. Quán thất bảo vẽ bao Bụt hiện;

Áo lục thù tiếng gió tiên phiêu.

3b4. Cốc được tính ta nên Bụt thực,

Ngại chi non nước cảnh đường xa.

Còn “Phật” thì được dùng một lần:

3b5. Thầy tu trước đã nên Phật quả;

Tiểu tu sau còn vị tỳ - kheo.  

Thế là cả hai từ “Bụt” và “Phật” đều có mặt trong bài ca của Trần Nhân Tông và bài phú của Huyền Quang.  Ðây là hai điệp thức, tức hai từ cùng gốc. Giữa hai từ (hoặc hình vị) cùng gốc trong một ngôn ngữ, nếu chúng đồng nghĩa tuyệt đối thì hoặc một phải bị đào thải (và trở thành từ [hoặc hình vị] cổ), hoặc nếu cả hai vẫn song song tồn tại thì phải có một sự phân công về nghĩa. Ở đây, “Phật” mới chính xác là từ dùng để chỉ Buddha, như chúng tôi đã khẳng định trên Năng lượng mới số 348. Còn “Bụt”, với tư cách là một từ xưa hơn, thì là một thành phần trong một cấu trúc cố định sẵn có (trước khi từ “Phật” xuất hiện), như: Bụt trời (3a1), niệm Bụt (3a1). Trong những trường hợp còn lại, “Bụt” không phải được dùng với tư cách một từ đồng nghĩa tuyệt đối của Buddha, tức Ðấng Giác ngộ. “Bụt” gần như là một Ông Tiên mang điều tốt đến cho những người ăn ở hiền lành, thật thà, như đã nói trên Năng lượng Mới số 348. Vì vậy nên Huyền Quang mới dùng từ “Bụt” để chỉ Trần Nhân Tông.

A.C