Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nói rõ thêm về NƯỚC

07:05 | 10/01/2016

|
Bạn đọc: Trong bài “Lạ nước lạ cái” (Năng lượng Mới số 486), ông An Chi đã giải thích rằng, “nước” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [略] mà âm Hán Việt là “lược”. Ông còn nói thêm “lược” có 1 nghĩa là: cõi, vùng. Đây là một cách giải thích nghe rất hợp lý. 

Nhưng tôi có một cách giải thích khác cho từ này: “nước” là một từ thuần Việt chứ không phải gốc Hán. Chữ ghi âm “nước” thường gặp trong văn bản Hán Nôm là chữ Nôm [洛], theo ý tôi người ta mượn chữ Hán [洛] có âm Hán Việt đọc là “lạc” để ghi một điệp thức cổ của từ “nước” là “nác”. Điệp thức này vẫn tồn tại trong tiếng Mường và phương ngữ Thanh Nghệ, ví dụ sử thi của người Mường là “Đẻ đất đẻ nác”. Ngoài ra còn thấy trong từ điển chữ Nôm từ “nước” được ghi bằng [渃], một chữ Hán có âm đọc Hán Việt là “nhược”. Xin ông cho thêm ý kiến.

Học giả An Chi: Chúng tôi rất hoan nghênh bạn đã đặt lại vấn đề để cùng góp phần làm cho mọi việc thêm sáng tỏ và xin trả lời bạn như sau.

Từ "nước" mà chúng tôi nói đến trong bài "Lạ nước lạ cái" (Năng lượng Mới số 486) dùng để chỉ một khái niệm địa lý mà chính chúng tôi đã nói rõ:

" […] "nước" (trở xuống sẽ ghi là "nước1") là một từ chỉ một vùng đất nhất định. Đây là nghĩa gốc xa xưa còn nghĩa của nó trong tiếng Việt hiện đại thì được từ điển Vietlex giảng là "vùng đất trong đó những người thuộc một hay nhiều dân tộc cùng sống chung dưới một chế độ chính trị - xã hội và cùng thuộc về một nhà nước nhất định". Chúng tôi bàn về từ "nước" này còn "nước" trong sử thi Đẻ đất đẻ nước (trở xuống sẽ ghi là "nước2") của người Mường thì lại là chất lỏng không màu, không mùi mà công thức hoá học là H2O. Để chứng minh, chúng tôi xin dẫn phần "Đẻ nước" (của Đẻ đất đẻ nước) trong "Sưu tập ca dao tục ngữ - Văn hóa Việt" của mạng e-cadao.com để bạn tham khảo:

"1. Xuất xứ.

"Đoạn thơ này trích gần trọn chương "Đẻ nước" trong sử thi Đẻ đất đẻ nước; từ câu 268-334 theo sưu tầm của Hoàng Anh Nhân (Thanh Hóa).

"2. Ý chủ đạo.

"Đoạn thơ nói về trận đại hồng thủy thời tiền sử - buổi đầu khai thiên lập địa theo cách cảm nhận riêng của người Mường xa xưa.

"3. Ông Pồng Pêu.

"Là Thần Mưa theo cách gọi của ngưòi Mường.

"Thiên tai kéo dài "Hạn chín tháng biền biệt - nắng mười hai năm xác đất" làm cho muôn loài đau khổ: "cây cau úa cả tàu - rừng vàu không mọc măng", làm cho "chó mực, chó ngao lè lưỡi, rái cá phải chạy lên đồi"...

"Ông Pồng Pêu lúc đó đang ngồi đan chài và đan lưới trong nhà, bình dị như con người lao động. Ông ngước nhìn khắp trời đất, rồi gọi gió, gọi "mưa cho mát lòng các loài thú hiền thú dữ, cây lau cây bái". Tức thì trời mưa to. Pồng Pêu là biểu tượng cho ý nguyện của muôn loài muôn vật và con người vì sự sống bất diệt trên trái đất.

"4. Cảnh trời mưa.

"Mưa miêu tả dữ dội chẳng khác nào trận đại hồng thuỷ trong Kinh thánh nói đến. Mây vàng mây đen đùn lên che kín cả bầu trời, gió ùn ùn thổi điên cuồng. Cun Sấm nàng Sét cùng ra oai:

Lanh lảnh cun sấm xuống thét

Lăm lăm nàng sét xuống đánh.

"Mưa kéo dài "mưa 9 đêm, mưa liền 9 ngày". Hạt mưa "to bằng hột cà" về sau "to bằng quả bưởi". Nước ngập mênh mông. Mưa để "rước nàng ngâu về trời" để "đưa chàng ngâu qua sông Ngân". Mưa "ngập cây", "ngập bụi", mãi "bốn tháng nước rút - bảy tháng nước xuôi". Mưa đem đến sự sống cho đàn cua đá, đàn cá, đàn ba ba, đàn cá chuối, đàn nòng nọc, đàn cá cơm. Sau khi "đẻ nước", trời "đẻ đất".

Có đất, đất đang xơ xác,

Có nước, nước ùn đục ngầu

Đó vẫn là cảnh thiên địa sơ khai.

"Biện pháp lặp và liệt kê được nhà thơ dân gian xưa của tộc Mường, vận dụng tạo nên ấn tượng "đẻ nước". Thần mưa, thần sấm, thần sét, Chức nữ, Ngưu lang... được nói đến hồn nhiên, đầy ý vị. Đoạn sử thi đã giải thích hiện tượng mưa gió, lũ lụt qua cảm quan nghệ thuật "vạn vật hữu linh" của người Mường thời viễn cổ". "Nước" trong Đẻ đất đẻ nước là như thế, tức là "nước2". Tuy có nhiều dị bản nhưng "đẻ nước" trong thiên sử thi này thì luôn luôn là tạo ra "nước2", tức H2O. Người Mường không có từ dùng để chỉ khái niệm "nước1", tức khái niệm "quốc gia". Họ chỉ có từ "mường", dùng để chỉ một phạm vi đất đai nhất định. Đây là một từ Mường gốc Thái, có nhiều phần chắc chắn là Thái Tây Bắc Việt Nam. Nhưng ngoài cái nghĩa thông thường này (như trong Mường La, Mường Lự, Mường Thanh, Mường Tè, v.v...), người Thái Tây Bắc Việt Nam (do ảnh hưởng từ tiếng Lào) còn dùng từ "mường" (họ đọc thành mưỡng) để chỉ khái niệm "quốc gia", "tổ quốc".

"Nước Việt Nam" trong ngôn ngữ của họ là "Mưỡng Việt Nạ", như đã ghi nhận trong Từ điển Thái - Việt do Hoàng Trần Nghịch - Tòng Kim Ân biên soạn (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990). Cái nghĩa này là hệ quả của sự tiến hóa lịch sử - xã hội mà người Thái Lan và người Lào đã trải qua, rồi về sau đã nhập vào tiếng Thái Tây Bắc Việt Nam. Nhưng trong tiếng Mường thì không; trong thứ tiếng này thì "mường" lại chỉ một khái niệm hẹp hơn, thấp hơn. Đó chỉ là một phạm vi đất đai tương đương với làng, xã hay huyện, xưa thuộc quyền cai quản của một chúa đất.

Tuy Từ điển Mường - Việt của Viện Ngôn ngữ học do Nguyễn Văn Khang chủ biên (NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2002) có ghi nhận danh ngữ đẳng lập tất đác và đối dịch là "đất nước" nhưng đây chẳng qua là một lối nói tân tạo (neologism) trong tiếng Mường, do ảnh hưởng của tiếng Kinh (Việt) mà ra. Mà sự tân tạo này cũng không thích đáng vì nước trong "đất nước" của tiếng Kinh là "nước1" chứ không phải "nước2" nên cũng không thể dịch thành "đác" (là chất lỏng, là H2O). Sở dĩ người ta phải sản sinh ra cái danh ngữ kỳ dị này thì chỉ đơn giản là vì tiếng Mường không có từ dùng để chỉ khái niệm "quốc gia", tức "nước1", như đã nói. "Nước" trong "đất nước" cũng chính là "nước" trong "nước nhà", "nhà nước" và chỉ là một từ đồng âm với "nước" trong "sông nước", "nước non", "non nước". Đây là một hiện tượng rất tế nhị nên dễ làm cho người ta nhầm lẫn nhưng người làm từ nguyên thì không thể nhầm lẫn. Quyển từ điển trên đây cũng có ghi nhận những mục từ như "nước nước, đất nước, tổ quốc" và "nước nhà nước nhà, quốc gia" nhưng đây hiển nhiên là những từ, ngữ mà tiếng Mường đã mượn thẳng của tiếng Việt ngay ở thời hiện đại.

Còn "nác" của phương ngữ Bắc Trung Bộ mà bạn đã nêu thì chỉ là một từ tương ứng với "nước2", chỉ chất lỏng. Bắc Trung Bộ không hề có "nác" mà lại tương ứng với "nước 1". Từ điển tiếng địa phương Nghệ-Tĩnh do Nguyễn Nhã Bản chủ biên (NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999) có đến 26 mục liên quan đến từ "nác" (như: nác bạc, nác cắn, nác chát, nác chảy lộ trụng, nác cốt, v.v...) nhưng đây chỉ là điệp thức mang tính địa phương của "nước2". Người miền Bắc Trung Bộ không nói *nác Mỹ, *nác Nga, *nác Tàu, v.v... để chỉ nước Mỹ, nước Nga, nước Tàu, v.v...

Chữ "nác" mà bạn nói là Nôm ghi bằng chữ "lạc" [洛] thì cũng chỉ là "nước2", tức chất lỏng. Chỉ có chữ [渃] mới được dùng để ghi cả "nước1" lẫn "nước2" mà thôi. Nhưng xét theo việc tạo tự, đây không phải là chữ Hán (như bạn nói), mà là một chữ Nôm thuộc loại hình thanh, nên đã được xếp vào loại F2 trong Tự điển chữ Nôm dẫn giải của Nguyễn Quang Hồng (Tập 1, NXB KHXH - Hội Bảo tồn DSCN, 2014).

Cuối cùng, bạn khẳng định rằng "nước" (ở đây là "nước1") là một từ thuần Việt chứ không phải gốc Hán. Đây là một điều mà khẳng định thì dễ nhưng chứng minh lại rất khó vì, như chúng tôi từng nói, từ thuần Việt chỉ là từ mà ta không biết được nguồn gốc. Bạn căn cứ vào ngữ liệu cụ thể nào để khẳng định rằng nó là "thuần Việt"? Không có.

Năng lượng Mới 489