Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/12/2022
Romania đã bắt đầu vận chuyển khí đốt đến Moldova qua tuyến đường ống nối Iasi ở miền Đông Romania với thị trấn Ungheni ở biên giới Moldova. Ảnh: ENE |
Romania bắt đầu xuất khẩu khí đốt sang Moldova
Truyền thông Romania ngày 5/12 dẫn thông báo từ nhà phân phối khí đốt Transgaz của nước này cho biết Romania đã bắt đầu vận chuyển khí đốt đến Moldova trong bối cảnh quốc gia nghèo khó nhỏ bé giáp Ukraine này đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng.
Theo đó, khí đốt bắt đầu được bơm qua tuyến đường ống nối Iasi ở miền Đông Romania với thị trấn Ungheni ở biên giới Moldova từ ngày 3/12. Tuyến đường ống này được Romania và Moldova công bố vào năm 2014, cho phép nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây nhập khẩu khí đốt từ Bucharest và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga.
Tuy nhiên, Moldova mới kết nối vào tuyến đường ống này từ năm 2019, còn các trạm máy nén được đưa vào vận hành vào năm 2021. Tuyến đường ống dài 43 km, được tài trợ một phần bằng viện trợ của Liên minh châu Âu (EU), có công suất khoảng 1,5 tỷ m3 mỗi năm, đáp ứng nhu cầu hàng năm của Moldova.
Italy tuyên bố vẫn cần dầu Nga
Bộ trưởng Môi trường và An ninh Năng lượng Gilberto Pichetto Fratin cho biết Italy vẫn phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga do Roma chưa thể tự túc mua hàng hoàn toàn từ các quốc gia khác.
“Chúng ta vẫn chưa lật ngược chiếc đồng hồ cát. Nga vẫn đang xuất khẩu khí đốt và chúng ta không ở trong tình trạng tự cung tự cấp. Chúng ta vẫn chưa ra khỏi đường hầm này”, ông Gilberto nhấn mạnh.
Theo ông Fratin, Italy sẽ vượt qua mùa đông này, “nhưng mối lo ngại vẫn còn rất lớn vì từ tháng 5, chúng tôi phải lấp đầy kho dự trữ để trang trải cho mùa đông tới, và đây là một công việc khó khăn”.
Ấn Độ có thể vẫn mua dầu Nga
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho rằng các nước châu Âu ưu tiên nhu cầu năng lượng của họ, "và thật không đúng nếu bắt Ấn Độ làm khác đi". "Châu Âu có những lựa chọn của riêng mình. Đó là quyền của họ", ông nói với các phóng viên.
Đến nay, Ấn Độ vẫn chưa tham gia vào kế hoạch của G7 và Liên minh châu Âu (EU) nhằm áp trần giá bán 60 USD/thùng đối với dầu thô từ Nga. Ông Jaishankar không nhắc tới kế hoạch áp giá trần. Nhưng ông cho biết EU thậm chí nhập khẩu nhiều nhiên liệu hóa thạch từ Nga hơn Ấn Độ.
Giới chức Ấn Độ từng khẳng định nước này sẽ hưởng lợi từ việc giá dầu Nga giảm. Kể từ khi Moscow phát động cuộc chiến ở Ukraine, Ấn Độ đã tăng mua dầu thô giá rẻ từ Nga. Theo dữ liệu từ công ty theo dõi năng lượng Vortexa, xét trên số thùng dầu được nhập khẩu mỗi ngày trong tháng 10, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu của Ấn Độ.
Tàu chở dầu tắc nghẽn trên biển Thổ Nhĩ Kỳ
Các tàu chở dầu gây ra tình trạng tắc nghẽn trên vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ ngay trước khi khi lệnh áp giá trần với dầu mỏ Nga có hiệu lực, còn Ankara khăng khăng đòi bảo hiểm mới cho tất cả các tàu, Financial Times đưa tin ngày 5/12.
Bài viết dựa trên thông tin từ những nhà môi giới tàu biển, nhà buôn dầu và hình ảnh theo dõi vệ tinh khẳng định khoảng 19 tàu chở dầu chờ đang ở trong vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo bài viết của Financial Times, 4 lãnh đạo trong ngành dầu khí cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đòi trình chứng nhận bảo hiểm mới đối với bất kỳ tàu nào muốn vào nước này. Bộ Giao thông và Hạ tầng Thổ Nhĩ Kỳ không phản hồi đề nghị bình luận.
Công suất năng lượng tái tạo sẽ tăng gần gấp đôi trong 5 năm tới
Theo một báo cáo của IEA, tổng công suất năng lượng tái tạo trên toàn thế giới sẽ tăng gần gấp đôi trong 5 năm tới và vượt qua than đá để trở thành nguồn phát điện lớn nhất vào năm 2025. Mức tăng trưởng 2.400 GW trong giai đoạn 2022-2027 cao hơn gần 30% so với dự báo năm ngoái của IEA.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho rằng năng lượng tái tạo đã mở rộng nhanh chóng, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã đẩy nhiên liệu này vào một giai đoạn mới với tốc độ tăng trưởng thậm chí còn nhanh hơn khi các quốc gia nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng.
Ông Birol ước tính thế giới sẽ bổ sung nhiều năng lượng tái tạo trong 5 năm tới như đã làm trong 20 năm trước. Theo IEA, công suất điện tái tạo tại châu Âu trong giai đoạn 2022-2027 được dự báo sẽ cao gấp đôi so với giai đoạn 5 năm trước đó. Báo cáo của IEA dự kiến Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa công suất năng lượng tái tạo toàn cầu mới bổ sung trong 5 năm tới.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/12/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/12/2022 |
T.H (t/h)
-
Đường ống Matterhorn Express tác động gì đến lưu vực Permian và thị trường năng lượng?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 29/7 - 3/8
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 2/8: Thị trường không bị ảnh hưởng bởi tình hình Trung Đông
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VII)
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VI)