Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/12/2022
Nga đã phải chi ít nhất 16,2 tỷ USD để mở rộng đội tàu chở dầu. Ảnh minh họa: Splash247 |
Giá trần G7 áp đặt lên dầu Nga bắt đầu có hiệu lực
Giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga mà các quốc gia G7 đã thống nhất có hiệu lực từ hôm nay (5/12), trong bối cảnh phương Tây muốn cắt giảm thu nhập của Điện Kremlin từ nhiên liệu hóa thạch.
Thỏa thuận cho phép dầu Nga được vận chuyển đến các nước thứ ba bằng tàu chở dầu của G7 và EU, với sự hỗ trợ của các công ty bảo hiểm và tổ chức tín dụng, chỉ khi mặt hàng này có mức giá thấp hơn hoặc bằng 60 đô la/thùng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen, cho biết việc giới hạn giá sẽ "ngay lập tức cắt giảm nguồn thu nhập quan trọng nhất của Nga". Nhưng những người chỉ trích, bao gồm cả Ukraine, nói rằng mức trần này là vô nghĩa vì nó cao hơn giá dầu hiện tại của Nga là khoảng 52 đô la/thùng.
OPEC+ duy trì hạn chế sản lượng dù dầu Nga bị áp giá trần
Liên minh OPEC+, gồm các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu, đã đồng ý duy trì việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 11/2022 đến cuối năm 2023 như đã thỏa thuận ban đầu vào tháng 10. Quyết định này cho phép OPEC+ có thời gian đánh giá tác động thị trường của mức trần giá dầu Nga 60 đô la Mỹ/thùng.
Một số thành viên OPEC+ trước đây đã xem xét khả năng tăng sản lượng để lấp khoảng trống có thể xảy ra đối với sản lượng dầu của Nga sau khi lệnh cấm vận dầu Nga bằng đường biển của EU có hiệu lực vào ngày 5/12. Nhưng họ cũng thận trọng vì lo ngại nếu bơm thêm dầu, giá dầu có thể xuống thấp hơn sau khi đã giảm 13% trong tháng qua.
Giá dầu đã giảm kể từ tháng 10 do tăng trưởng chậm hơn của Trung Quốc và toàn cầu cũng như lãi suất cao hơn, khiến thị trường đồn đoán OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng một lần nữa.
Nga đang xem xét cơ chế cấm buôn bán dầu mỏ
Về phía Nga, ngày 4/12, Phó Thủ tướng Alexander Novak tuyên bố, nước này sẽ không xuất khẩu dầu mỏ dưới mức giá trần, ngay cả khi nước này phải cắt giảm sản lượng.
Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-24, Phó Thủ tướng Novak nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ bán dầu thô và các sản phẩm dầu cho các quốc gia mà sẽ làm việc với chúng tôi theo các điều kiện thị trường, ngay cả khi chúng tôi phải cắt giảm sản lượng một chút".
Ông tái khẳng định quan điểm của Nga không thay đổi khi cho rằng, việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga là biện pháp không hiệu quả, mang tính phi thị trường, can thiệp vào thị trường và đi ngược lại tất cả các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiện Chính phủ Nga đang xem xét cơ chế cấm buôn bán dầu mỏ trong điều kiện bị áp giá trần.
Hungary tuyên bố được miễn trừ khỏi quy định áp trần giá dầu
“Trong các cuộc đàm phán về giá trần với dầu nhập khẩu Nga, chúng tôi đã đấu tranh hết mình vì lợi ích của Hungary và cuối cùng chúng tôi đã thành công: Hungary được miễn trừ khỏi quy định áp trần giá dầu. Một lần nữa, chúng tôi đã thành công trong việc bảo vệ an ninh nguồn cung cấp năng lượng của đất nước chúng tôi”, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto viết trên trang Facebook chính thức ngày 4/12.
Nhận định về sáng kiến cứng rắn này từ phía EU, ông Szijjarto cho rằng "đã đến lúc Brussels nhận ra rằng các biện pháp như vậy làm tổn thương nền kinh tế châu Âu nhiều nhất".
Theo Ngoại trưởng Hungary, thay vì áp giá trần, sản lượng năng lượng nên được tăng lên để từ đó dẫn tới giảm giá toàn cầu.
Nhật Bản áp trần giá dầu Nga, có một loại trừ
Chính phủ Nhật Bản ra thông cáo cho biết, từ ngày 5/12, nước này bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô của Nga, song sẽ loại trừ dầu thô từ nhà máy Sakhalin-2.
Việc loại trừ dầu thô từ dự án Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga, mà các nhà khai thác năng lượng Nhật Bản nắm giữ cổ phần sau khi Shell rời khỏi, đã được quyết định "phù hợp với an ninh năng lượng của Nhật Bản".
Theo thông cáo, các biện pháp tiếp theo đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga, dự kiến bắt đầu vào ngày 5/2/2023, sẽ được công bố sau.
Nga lập đội 103 tàu chở dầu để lách lệnh trừng phạt
Tờ Financial Times đưa tin rằng Nga đã âm thầm tập hợp một đội 103 tàu lâu năm để tránh các lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây. Công ty tư vấn năng lượng Rystad cho biết, Nga đã nắm quyền kiểm soát số tàu chở dầu này kể từ đầu năm 2022 bằng cách mua một số tàu và sử dụng lại một số tàu từng vận chuyển dầu đến, đi từ Iran hoặc Venezuela.
Hồi tháng 10, Giám đốc Ngân hàng VTB, Andrey Kostin, cho biết rằng Nga đã phải chi ít nhất 16,2 tỷ USD để mở rộng đội tàu chở dầu. Các nhà phân tích phương Tây giải thích tuyên bố này có nghĩa là Nga đang đầu tư vào các tàu chở dầu thô rất lớn (VLCC), tàu chở dầu Suezmax và tàu chở dầu Aframax. Mỗi tàu VLCC có thể chứa tới 2 triệu thùng dầu thô, tàu chở dầu Suezmax có thể chở tới 1 triệu thùng, còn tàu chở dầu Aframax chứa tới 700.000 thùng.
Theo Financial Times, các nhà quan sát quốc tế đã nhận xét rằng Nga có thể sẽ sử dụng đội tàu trên để bán khối lượng năng lượng ngày càng tăng cho các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vốn không chịu lệnh trừng phạt của EU hoặc Mỹ.
Ai Cập phát hiện một mỏ khí đốt
Ngày 4/12, Tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ thông báo phát hiện một mỏ khí đốt mới được đặt tên là 'Narges-1X', ở khu vực ngoài khơi Narges gần thành phố Al-Arish, thuộc tỉnh Bắc Sinai của Ai Cập.
Mỏ khí đốt nằm ở ngoài khơi Narges có trữ lượng khoảng 3,5 nghìn tỷ feet khối (tcf), nằm trong khu vực khai thác do Chevron kiểm soát 45%, tập đoàn năng lượng Eni của Italy nắm 45% và công ty nhà nước Tharwa của Ai Cập giữ 10% còn lại. Giếng này đang được khoan bởi tàu khoan Stena Forth.
“Narges-1X” đã phát hiện khí đốt ở độ sâu mục tiêu ban đầu là 3.980 m. Phát hiện này là một tin vui lớn đối với Ai Cập trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này đã chứng kiến sự sụt giảm tổng sản lượng khí đốt tự nhiên từ mức cao nhất là 7,2 tỷ foot khối mỗi ngày (1 foot khối = 0,0283 m3) vào tháng 9/2021 xuống còn 6,5 tỷ foot khối mỗi ngày trong quý III năm nay.
Thủ tướng Australia loại bỏ khả năng phát triển điện hạt nhân
ngày 5/12, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, ông không thay đổi quan điểm về việc phát triển điện hạt nhân vì nhiều lý do, trong đó lý do lớn nhất đó là rác thải hạt nhân. Bộ trưởng Môi trường Australia cũng cho rằng việc phát triển điện hạt nhân không có giá trị kinh tế...
Trước đó, Thủ hiến bang Nam Australia Peter Malinauskas kêu gọi Australia nên khởi động cuộc tranh luận về việc phát triển điện hạt nhân vì đây là dạng năng lượng không thải ra khí carbon. Ông Malinauskas cho rằng, Australia cần cởi mở về việc này và tin tưởng vào công nghệ để ủng hộ việc phát triển điện hạt nhân để phục vụ mục đích dân sự.
Trên thực tế, Australia đã có kế hoạch xây dựng khu vực chứa rác thải hạt nhân ở gần Kimba, một vùng xa xôi, nằm trong lục địa Australia, thuộc bang Nam Australia. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị người dân phản đối mạnh mẽ và không nhận được sự ủng hộ của đảng đối lập. Hiện tại kế hoạch này vẫn đang bị đình trệ và đang bị kiện tụng tại tòa án Australia.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/12/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/12/2022 |
T.H (t/h)
-
[PetroTimesTV] Điểm sự kiện Năng lượng - Dầu khí nổi bật tuần qua, từ ngày 3 - 20/10/2024
-
Đường ống Matterhorn Express tác động gì đến lưu vực Permian và thị trường năng lượng?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 29/7 - 3/8
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 2/8: Thị trường không bị ảnh hưởng bởi tình hình Trung Đông
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VII)
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 7/11: Giá dầu thế giới tăng đầu phiên giao dịch
-
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
-
Cần phải thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) trong 1 kỳ họp
-
Tin tức kinh tế ngày 6/11: Thu ngân sách nhà nước đạt 97,2% dự toán
-
Cổ phiếu năng lượng sạch của châu Âu lao dốc sau khi ông Trump đắc cử