Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/12/2022
G7 và Australia đã gia nhập cùng EU trong nỗ lực áp giá trần 60 USD/thùng với dầu của Nga. Ảnh minh họa: AP |
Sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025
Dự báo, trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Tuy nhiên, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá, tỷ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025, không xét năng lượng tái tạo, chỉ khoảng 18%.
Cụ thể, tỷ lệ dự phòng hệ thống điện miền Nam sẽ giảm mạnh từ năm 2023 và không đủ điện vào năm 2025. Còn ở miền Bắc, tỷ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%. Theo báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025.
Như vậy, trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần, khi tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng cao, nhưng tốc độ xây dựng các nguồn điện đáp ứng nhu cầu đó lại đang chậm... đòi hỏi việc khuyến khích tiết kiệm năng lượng càng phải được thực hiện nghiêm túc để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo tính toán của EVN, dư địa tiết kiệm điện trong các hộ gia đình còn nhiều, khoảng từ 15-30%.
G7, EU đồng loạt áp giá trần với dầu thô Nga
Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia đã gia nhập cùng EU trong nỗ lực áp giá trần 60 USD/thùng với dầu của Nga, một bước đi quan trọng của phương Tây nhằm sắp xếp lại thị trường dầu mỏ toàn cầu và cản trở dòng tiền của Moskva, được cho là phục vụ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo đó, G7 và EU ngày 2/12 đã đồng ý áp mức giá trần 60 USD mỗi thùng đối với dầu của Nga trong nỗ lực cản trở cung cấp nguồn tài chính cho Điện Kremlin. Châu Âu đã kịp nhất trí ấn định mức giá trần mà các quốc gia khác trả cho dầu của Nga trước thời hạn 5/12, khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga cũng như lệnh cấm bảo hiểm đối với những nguồn cung cấp đó có hiệu lực.
Lệnh cấm vận sẽ ngăn chặn các chuyến hàng vận chuyển dầu thô Nga bằng tàu chở dầu tới EU, vốn chiếm 2/3 lượng hàng nhập khẩu, có khả năng tước đi hàng tỷ euro ngân quỹ của Nga, mà phương Tây cho là sử dụng cho xung đột ở Ukraine.
OPEC+ có thể cân nhắc cắt giảm sản lượng nhiều hơn tại cuộc họp tháng 12
Giới quan sát nhận định Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+) có thể cân nhắc đến việc cắt giảm sản lượng sâu hơn, mức 2 triệu thùng/ngày, tại cuộc họp ngày 4/12, với lý do thị trường "rất bất ổn" trước các lệnh trừng phạt sắp tới của châu Âu đối với dầu của Nga.
Trước đố tại phiên họp cấp bộ trưởng vào tháng 10, OPEC+ gồm 13 quốc gia do Saudi Arabia đứng đầu và 10 nước ngoài khối với Nga dẫn đầu đã đồng ý giảm sản lượng hai triệu thùng mỗi ngày từ tháng 11/2022. Đó là mức cắt giảm lớn nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào năm 2020.
Nhà phân tích Stephen Brennock của công ty tư vấn đầu tư năng lượng PVM Energy nhận định nhiều khả năng OPEC+ sẽ tái khẳng định cam kết cắt giảm sản lượng gần nhất của họ, đồng thời không loại trừ khả năng khối này thậm chí sẽ công bố các đợt cắt giảm sản lượng mới để đẩy giá đi lên.
Mức trần 60 USD khó ảnh hưởng đến dòng chảy dầu Nga
Cả Liên minh châu Âu (EU) và G7 đều thống nhất áp giá trần bán dầu Nga ở mức 60 USD. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mức trần 60 USD cao hơn nhiều giá dầu Urals Nga trên thị trường (là 50 USD), khiến dòng chảy dầu Nga có thể còn sôi động hơn.
"Mấu chốt trong quan điểm của chúng tôi, là đây chính là tín hiệu G7 muốn giữ dầu Nga trên thị trường", Joel Hancock - nhà phân tích tại Natixis cho biết. "Thị trường hiện đã thay đổi cách nhìn. Họ cho rằng dầu xuất khẩu Nga sẽ còn sôi động hơn dự báo và gần như không chịu ảnh hưởng bởi trần giá".
Hiện tại, mấu chốt là phản ứng của Moskva. Nga đến nay vẫn phản đối trần giá và dọa ngừng sản xuất. Nhưng hôm 1/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết trần giá này "không liên quan". Đây là tín hiệu mạnh nhất đến nay cho thấy quan điểm của Nga về việc này có thể đã dịu đi. Và với việc trần giá được áp ở mức cao như hiện tại, cả người mua lẫn người bán đều có thể dễ dàng khẳng định hoạt động thương mại sẽ vẫn diễn ra bình thường.
Nhu cầu về dầu của Nga sẽ tăng bất chấp giá trần
Đại sứ quán Nga tại Mỹ ngày 2/12 khẳng định nhu cầu về dầu Nga sẽ tiếp tục tăng trên thị trường thế giới sau khi mức giá trần được áp đặt. Đồng thời cho biết, hành động áp đặt giá trần với dầu Nga sẽ khiến người tiêu dùng phải trả mức phí cao hơn và làm tăng sự không ổn định của thị trường năng lượng.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh, hành động áp giá trần với dầu Nga của các nước phương Tây nhằm định hình lại các nguyên tắc hoạt động trên thị trường tự do, đồng thời cố gắng "che đậy sự thật rằng tình trạng mất cân bằng năng lượng hiện nay là hậu quả từ hành động của chính họ".
Hôm 2/12, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Australia cùng EU tuyên bố đạt được thỏa thuận về mức giá trần 60 USD/thùng với dầu của Nga. Mức giá này sẽ có hiệu lực sớm nhất vào ngày 5/12 - khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga cũng như lệnh cấm bảo hiểm đối với những nguồn cung cấp đó có hiệu lực.
Thị trường dầu thế giới chấm dứt chuỗi ba tuần giảm liên tiếp
Thị trường dầu dứt chuỗi ba tuần giảm liên tiếp dù giá dầu giảm 1,5% trong phiên 2/12 nhiều biến động, trước thềm cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là OPEC+) cùng lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) với dầu thô của Nga.
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,31 USD (tương đương 1,5%) xuống 85,57 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 1,24 USD (1,5%) xuống 79,98 USD/thùng. Yếu tố chính tác động tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên này là thông tin G7 và Australia đã nhất trí về việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga ở mức 60 USD/thùng.
Hiện giới phân tích chưa thể xác định rõ tác động của việc áp trần giá riêng đối với dầu của Nga. Theo dự thảo thỏa thuận, các nước EU sẽ xem xét lại mức giá trần vào giữa tháng 1/2023 và sau đó là định kỳ 2 tháng 1 lần. Giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 45 ngày sẽ được áp dụng đối với những tàu nhận dầu của Nga trước ngày 5/12 và sẽ được giao tại điểm cuối trước ngày 19/1/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/12/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/12/2022 |
T.H (t/h)
-
[PetroTimesTV] Điểm sự kiện Năng lượng - Dầu khí nổi bật tuần qua, từ ngày 3 - 20/10/2024
-
Đường ống Matterhorn Express tác động gì đến lưu vực Permian và thị trường năng lượng?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 29/7 - 3/8
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 2/8: Thị trường không bị ảnh hưởng bởi tình hình Trung Đông
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VII)
-
Giới chuyên gia dự báo tồn kho dầu thô của Mỹ
-
Tin Thị trường: Các nhà giao dịch không chắc về kế hoạch của OPEC+
-
Hoạt động xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro nếu ông Trump đắc cử
-
Giá xăng dầu điều chỉnh nhẹ
-
Dự kiến kế hoạch chính sách sản lượng dầu của OPEC+ trong lần họp sắp tới