Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/10/2022
EU đã đạt được thỏa thuận về một lộ trình nhằm áp dụng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trước xu hướng giá năng lượng leo thang trong những tuần tới (Ảnh minh họa) |
Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng 2 lần chi phí kinh doanh xăng dầu trong năm nay
Bộ Tài chính vừa có văn bản phản hồi đề nghị tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương. Về đề nghị điều chỉnh các chi phí kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính khẳng định đã thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh theo thực tế phát sinh trên cơ sở rà soát số liệu có kiểm chứng tại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng được tăng 2 lần trong năm nay. Cụ thể, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam với xăng RON92 tăng lên 350 đồng/lít; chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng với xăng RON92 cũng tăng lên 290 đồng/lít. Chi phí premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước) cũng vừa được điều chỉnh lần 2 trong năm nay lên 1.320 đồng/lít.
Bộ Tài chính thông tin thêm trong báo cáo của Bộ Công Thương có đề nghị điều chỉnh một số chi phí đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu nhưng không gửi kèm số liệu và báo cáo cụ thể. Để có cơ sở rà soát đánh giá các khoản chi phí định mức theo quy định, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương cung cấp số liệu, báo cáo gửi về bộ trước ngày 25/10.
EU nhất trí về lộ trình kiểm soát giá năng lượng
Ngày 21/10, Hội nghị thượng đỉnh các nước Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) đã đạt được thỏa thuận về một lộ trình nhằm áp dụng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trước xu hướng giá năng lượng leo thang trong những tuần tới. Thỏa thuận đã nêu bật tầm quan trọng của việc phải tiến hành phân tích chi phí và lợi ích khi áp giá trần về điện, cũng như đánh giá tác động bên ngoài châu Âu.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, thỏa thuận đã vạch ra một lộ trình vững chắc để các thành viên tiếp tục làm việc về chủ đề giá năng lượng. Thỏa thuận kêu gọi các nước thành viên trong những tuần tới tìm ra cách thức để bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá cao, mà vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh của EU trên toàn cầu, cũng như tính thống nhất của thị trường chung.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ hài lòng về thỏa thuận, cho rằng khoảng thời gian 2-3 tuần tới sẽ cho phép EC đưa ra đề xuất nhằm thực thi các cơ chế này. Theo ông, thỏa thuận này đã gửi đi tín hiệu rõ ràng đối với thị trường về sự quyết tâm và đoàn kết của khối. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá EU đã đạt được tiến triển tốt trong vấn đề năng lượng.
Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha kích hoạt “hành lang xanh” đối phó khủng hoảng năng lượng
Lãnh đạo ba nước Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày 20/10 đã thông báo kế hoạch xây dựng một đường ống trên biển để vận chuyển hydrogen và khí đốt giữa Barcelona (Tây Ban Nha) và Marseille (Pháp) nhằm thay thế cho kế hoạch đường ống mang tên MidCat dẫn qua dãy núi Pyrenees mà Paris phản đối.
Kế hoạch trên được công bố trong cuộc gặp giữa ba nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp ở Brussels. Ba nhà lãnh đạo cũng đồng ý sẽ họp một lần nữa tại Alicante (Tây Ban Nha) vào ngày 9/12 để quyết định thời gian xây dựng và vấn đề tài chính.
Theo Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, đường ống trên, gọi tắt là BarMar, chủ yếu vận chuyển khí hydrogen xanh và các loại khí tái tạo khác. Ngoài ra, nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, đường ống BarMar cũng sẽ tạm thời được sử dụng để vận chuyển “một số lượng giới hạn” các khí đốt tự nhiên. Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định đường ống BarMar là "câu trả lời trước những lời kêu gọi đoàn kết từ các đối tác châu Âu".
Đức tuyên bố Berlin không còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga
Thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong bài phát biểu tại Hạ viện ngày 20/10, tuyên bố rằng Berlin đã đạt được thỏa thuận ở cấp độ châu Âu về mục tiêu giảm lượng tiêu thụ khí đốt xuống 15%; không còn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga và đang tìm cách cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt xuống 20%, đồng thời cảm ơn người dân Đức đã tiết kiệm điện.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cũng nhắc lại cáo buộc Moskva đã “sử dụng năng lượng làm vũ khí” đối phó với phương Tây. Ông cho rằng rất lâu trước khi xảy ra các sự cố tại đường ống Nord Stream ở biển Baltic, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống này mà không nêu rõ lý do. Do đó, ông Scholz nói rằng nước Nga không còn là đối tác thương mại đáng tin cậy.
Đức đã quyết định chấm dứt phụ thuộc vào các nguồn năng lượng của Nga để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine. Theo kế hoạch của Berlin, trong năm 2022, nước này sẽ từ bỏ nhập khẩu than đá và dầu, nhưng vẫn sẽ cần khí đốt của Nga trong năm tới.
Hungary được miễn áp giá trần khí đốt của EU
Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 21/10 cho biết các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Brussels đã đạt thỏa thuận, theo đó, bất kỳ kế hoạch nào của EU áp giá trần khí đốt trong tương lai sẽ không áp dụng với các thỏa thuận cung cấp khí đốt dài hạn, trong đó có thỏa thuận mà Hungary đã ký với tập đoàn Gazprom của Nga trong 15 năm.
Ông Orban nêu rõ Hungary được miễn áp giá trần khí đốt để không ảnh hưởng đến an ninh nguồn cung khí đốt của nước này. Ông Orban cũng cho biết ngay cả khi châu Âu có hợp đồng mua khí đốt chung Hungary cũng không bắt buộc phải tham gia. Như vậy, mọi phương án mua khí đốt của Hungary đều để ngỏ và nước này sẽ có nhiều nguồn cung và nhiều cạnh tranh hơn trên thị trường năng lượng để giảm giá khí đốt.
Tháng 9/2021, công ty MVM của Hungary ký với Gazprom 2 hợp đồng dài hạn, cung cấp tổng cộng 4,5 tỷ m3 khí đốt/năm theo đường ống đi qua Serbia và Áo mà không đi qua Ukraine. Cuối tháng 8 vừa qua, Hungary ký với Gazprom hợp đồng thời hạn 2 tháng cung cấp thêm 5,8 triệu m3 khí đốt/ngày đêm bắt đầu từ ngày 1/ 9.
Xuất khẩu dầu của Mỹ sang Pháp lần đầu giảm bằng 0
Hãng Bloomberg trích dẫn dữ liệu từ phần mềm theo dõi tàu chở dầu Vortexa cho biết kể từ đầu tháng 10 đến nay, không có lô hàng dầu thô nào của Mỹ được vận chuyển qua Đại Tây Dương đến Pháp. Dòng dầu thô đã được chuyển hướng sang Đan Mạch và Italy. Lần đầu tiên trong 4 năm, sản lượng xuất khẩu dầu thô từ Mỹ sang Pháp đã giảm bằng 0, do ảnh hưởng từ phong trào đình công tại các nhà máy lọc dầu của Pháp.
Cuộc đình công đã dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng trên khắp nước Pháp và lan sang một số ngành công nghiệp khác, trong đó có các nhà máy năng lượng hạt nhân. Các công nhân đường sắt cũng đang kêu gọi đình công để phản đối tình trạng chi phí năng lượng và sinh hoạt leo thang ở Pháp hiện nay.
Hồi đầu tuần, chính phủ đã yêu cầu các công nhân lọc dầu quay trở lại làm việc tại một kho nhiên liệu để giảm bớt tình trạng thiếu hụt trong nước. Trong khi đó, công nhân tại hai cơ sở của TotalEnergies đã dừng đình công, báo hiệu khả năng tình trạng thiếu hụt sẽ được xoa dịu và nối lại dòng chảy dầu thô từ Mỹ.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/10/2022 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/10/2022 |
T.H (t/h)
-
[PetroTimesTV] Điểm sự kiện Năng lượng - Dầu khí nổi bật tuần qua, từ ngày 3 - 20/10/2024
-
Đường ống Matterhorn Express tác động gì đến lưu vực Permian và thị trường năng lượng?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 29/7 - 3/8
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 2/8: Thị trường không bị ảnh hưởng bởi tình hình Trung Đông
-
Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ VII)
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 11/11 - 16/11
-
Hoa Kỳ sẽ không thực hiện các hợp đồng LNG trị giá hàng chục tỷ đô la cho châu Âu
-
Tin tức kinh tế ngày 15/11: Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT 6 tháng đầu năm 2025
-
Kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm rủi ro thiên tai và khuyến nghị cho Việt Nam
-
Đánh giá điểm nổi bật của thị trường dầu mỏ toàn cầu trong tháng 10/2024