Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

"Nàng tiên" từng lừa tác giả Sherlock Holmes

06:18 | 05/09/2019

1,887 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các "nàng tiên" nhảy múa và chơi đùa cùng Frances và Elsie trong những bức ảnh hai cô bé chụp vào tháng 7/1917.

Frances Griffiths, 10 tuổi, đến từ Nam Phi, đến sống với gia đình chú và dì mình ở Anh trong Thế chiến I. Frances và chị họ, Elsie, 16 tuổi, thường chơi với nhau trong khu vườn rộng lớn tại ngôi nhà ở làng Cottingley, Bradford.

Tháng 7/1917, hai cô bé hỏi mượn máy ảnh từ cha của Elsie là Arthur Wright, nói với ông rằng họ muốn chụp ảnh các "nàng tiên" mà họ đã chơi cùng cả buổi sáng. Một giờ sau, hai cô bé trả lại máy ảnh cho Arthur và ông phát hiện hình 4 "nàng tiên" nhảy múa trước mặt Frances. Tuy nhiên, ông cho rằng bức ảnh là giả và hỏi Elsie tại sao lại xuất hiện những "mẩu giấy" trong bức ảnh.

Các "nàng tiên" nhảy múa trước Frances ở Anh tháng 7/1917. Ảnh: Wiki.

Khi hai cô bé chụp bức ảnh thứ hai hơn một tháng sau đó, cho thấy Elsie ngồi bên cạnh một thần lùn cao khoảng 30 cm, Arthur vẫn coi những hình ảnh đó như một trò đùa.

Tuy nhiên, mẹ của Elie, Polly Wright, có niềm tin mãnh liệt vào hiện tượng siêu nhiên và bị thu hút bởi những bức ảnh. Năm 1919, bà đến nghe một buổi thuyết giảng về thuyết tâm linh và sau đó đưa những bức ảnh cho một diễn giả. Edward Gardner, lãnh đạo của phong trào Thông thiên học (tin rằng loài người đang trải qua một chu kỳ tiến hóa) chú ý đến chúng và ông nhờ nhiếp ảnh gia Harold Snelling kiểm tra.

Snelling tuyên bố đây là "những bức ảnh thật, chưa được chỉnh sửa" và "không có bất kỳ dấu vết dàn dựng như dùng bìa, giấy, nền tối, hình vẽ".

"Việc hai cô bé không chỉ có thể nhìn thấy các nàng tiên mà còn ghi lại được hình ảnh của họ có thể là dấu hiệu cho thấy chu kỳ tiến hóa tiếp theo đang diễn ra", Gardner nói.

Elsie và "thần lùn" tại Anh năm 1919. Ảnh: Wiki.

Những hình ảnh sau đó nhanh chóng được lan truyền khắp cộng đồng theo thuyết tâm linh ở Anh với tên gọi "Những nàng tiên Cottingley". Nó thu hút sự chú ý của Arthur Conan Doyle, nhà văn Anh nổi tiếng với tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes và rất tin tưởng vào thuyết tâm linh.

Khi đó, ông Doyle được tạp chí Strand đặt hàng một bài viết về các nàng tiên cho số ra ngày Giáng sinh. Ông viết thư cho Elsie và cha cô để xin sử dụng những bức ảnh nhằm minh họa cho bài viết của mình. Arthur bất ngờ khi ông Doyle chú ý đến gia đình mình và đã đồng ý cho ông sử dụng hình ảnh mà không thu phí.

Gardner và Doyle cũng nhờ các kỹ thuật viên của công ty máy ảnh Kodak kiểm tra và họ kết luận rằng các bức ảnh "không có dấu hiệu là giả". Tuy nhiên, họ cho rằng đây không thể được coi là bằng chứng thuyết phục về sự tồn tại của các "nàng tiên". Trong khi đó, một công ty nhiếp ảnh khác là Ilford đánh giá "có một số bằng chứng cho thấy ảnh là giả" nhưng Gardner và Doyle không quan tâm đến ý kiến này.

Cuối tháng 7/1920, Gardner đến gặp gia đình Wright và đưa cho họ hai máy ảnh, với đề nghị Elsie và Frances tiếp tục chụp ảnh các "nàng tiên". Frances và Elsie nhấn mạnh rằng các "nàng tiên" sẽ không hiện mình nếu có người khác nên không ai có mặt để quan sát các cô bé chụp ảnh.

Frances và Elsie chụp được một số ảnh vào tháng 8/1920, hai trong số đó có nàng tiên. Trong bức ảnh thứ nhất, nàng tiên bay gần mũi Frances. Trong bức ảnh thứ hai, một nàng tiên đứng nhón chân trên cành cây và tặng Elsie một bông hoa.

Elsie và "nàng tiên" tại Anh tháng 8/1920. Ảnh: Wiki.

Khi Gardner nhận được những bức ảnh mới, ông gửi điện để bày tỏ sự phấn khích với Doyle, người đang công tác ở Australia. Doyle đáp lại: "Tôi rất vui khi tại nước Australia xa xôi này, tôi vẫn nhận được thư của anh và ba bức ảnh tuyệt vời. Khi các nàng tiên của chúng ta được thừa nhận thì mọi người sẽ sẵn sàng chấp nhận các hiện tượng tâm linh khác hơn".

Ấn phẩm tháng 12/1920 của tạp chí Strand chứa bài viết của Doyle và hai bức ảnh nàng tiên từ năm 1917 được bán hết trong vài ngày xuất bản. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ nghi ngờ vì các "nàng tiên" quá giống với cách họ được vẽ trong sách báo. Một nàng tiên còn có kiểu tóc đang mốt vào thời đó.

Doyle cũng sử dụng những bức ảnh vào năm 1921 để minh họa cho bài viết thứ hai trên Strand, thuật lại lời kể của những người đã thấy các nàng tiên. Năm 1922, ông ra một cuốn sách về chủ đề này.

Gardner lần cuối tới Cottingley vào tháng 8/1921, mang theo máy ảnh với ý định đề nghị Frances và Elsie chụp ảnh thêm. Tuy nhiên, cả hai nều nói rằng họ không nhìn thấy nàng tiên nào và không chụp ảnh. Sự quan tâm của công chúng đối với "nàng tiên Cottingley" lắng xuống sau năm 1921. Elsie và Frances kết hôn và sống ở nước ngoài trong nhiều năm.

Khi được phỏng vấn vào tháng 9/1976, Elsie và Frances đều phủ nhận đã làm giả các bức ảnh. Tuy nhiên, năm 1978, nhà ảo thuật James Randi và một nhóm từ Ủy ban Điều tra Khoa học về Hiện tượng Huyền bí kiểm tra các bức ảnh bằng thủ thuật máy tính và kết luận rằng các bức ảnh là giả.

Năm 1983, Elsie và Frances thừa nhận ảnh giả. Elsie tạo nên các "nàng tiên" bằng cách sao chép lên bìa cứng tranh các cô gái nhảy múa từ một cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng và vẽ thêm cánh. Hai người dùng kẹp tóc để cố định.

Doyle qua đời vào năm 1930. Elsie và Frances nói vào năm 1985 rằng họ quá xấu hổ sau khi lừa Doyle nên đã không sớm thừa nhận. "Hai đứa trẻ thôn quê đã lừa được một người đàn ông thông minh như Conan Doyle. Chúng tôi chỉ có thể giữ im lặng".

"Tôi thậm chí chưa bao giờ nghĩ đó là một vụ lừa đảo. Tôi và Elsie chỉ đùa vui và đến tận giờ tôi vẫn không hiểu sao mọi người lại mắc lừa", Frances nói.

Theo VNE

Hồ sơ về trùm giang hồ Khánh "trắng" (Kỳ 7)
Hồ sơ về trùm giang hồ Khánh "trắng" (Kỳ 6)
Hồ sơ về trùm giang hồ Khánh "trắng" (Kỳ 5)
Hồ sơ về trùm giang hồ Khánh "trắng" (Kỳ 4)
Hồ sơ về trùm giang hồ Khánh "trắng" (Kỳ 3)
Hồ sơ về trùm giang hồ Khánh "trắng" (Kỳ 2)
Hồ sơ về trùm giang hồ Khánh "trắng"