Hồ sơ về trùm giang hồ Khánh "trắng" (Kỳ 6)
Kỳ 6 - Diễn biến phiên tòa “5 nhất” xét xử vụ án Khánh “trắng”
• Tẻ nhạt và “yên tĩnh”. Duy nhất Khánh “trắng” là ngông nghênh thách thức pháp luật.
• Các nhân chứng được đảm bảo tối đa các các quyền lợi.
• Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội trả lời phỏng vấn của báo chí.
9 giờ sáng ngày 5-9, phiên tòa xử Dương Văn Khánh tức Khánh “trắng” và đồng bọn bắt đầu.
Lại một hình ảnh khá quen thuộc đối với mọi người: Phòng xử chật như nêm cối; nóng ngột ngạt, cảnh sát, bị cáo, gia đình bị cáo, các nhân chứng chiếm hết chỗ ngồi trong phòng. Các nhà báo đành “dạt” ra ngoài hành lang.
Trước khi phiên tòa bắt đầu, theo thống kê của Thư ký Hội đồng xét xử, hầu hết số nhân chứng và người bị hại đã có mặt. Cũng có một số ít vắng mặt, nhưng dù sao, việc hơn ba phần tư nhân chứng đến tòa cũng là một sự kiện tiến bộ đáng kể so với nhiều phiên tòa trước đó.
Theo con số chưa công bố, thì chi phí cho các nhân chứng tại phiên tòa này gần bằng chi phí điều tra vụ án. Nhiều nhân chứng ở tỉnh xa về hay ở Sài Gòn ra, tòa án phải lo tiền tàu xe, tiền vé máy bay, tiền thuê khách sạn… còn kinh phí cho cả phiên tòa thì gấp nhiều lần nữa.
Buổi trưa, công an cũng như bị cáo, mỗi người một suất cơm hộp, suất cơm của bị cáo trị giá 5.000đ còn công an gấp đôi. Mỗi buổi trưa, nhà hàng cơm hộp Đại Ngọc đã “tiêu” được ở phiên tòa này hơn 200 suất. Triệu “con” bình thản nhìn chúng tôi chụp ảnh. Tôi hỏi Triệu “con”:
- Anh ăn có đủ không?
- Dạ đủ no ạ. Nhưng sáng đi sớm, không kịp ăn, đói lắm.
- Sao không kịp?
- Dạ, cán bộ “lùa” dậy từ 5 giờ… 6 giờ đã có mặt ở tòa rồi.
Khánh “trắng” ngồi một mình trong căn phòng xử án ở tầng 1. Hắn ăn chậm chạp và dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra, khi các phóng viên truyền hình quay phim, hắn ngước lên, chúng tôi thấy từ đôi mắt hắn lóe lên vẻ căm tức.
Bị cáo ăn xong lăn quay ra ngủ, còn anh em, cứ 2 người canh 1, không được chợp mắt dù là 1 phút.
Tại phiên tòa lần này, các thẩm vấn cũng giống như phiên tòa xử Vũ Xuân Trường. Tòa gọi từng bị cáo và xong việc thì gọi người khác.
Khánh “trắng” ra tòa với thái độ đầy vẻ nghênh ngang và bất cần. Với các câu hỏi của thẩm phán, Khánh trả lời lưu loát và tỏ ra là người hoạt ngôn. Ngày xét xử thứ 2, khi tòa hỏi về vụ cướp ở nhà 71D và 71E Kim Mã, Khánh “trắng” bác bỏ lời buộc tội của Viện Kiểm sát và cho rằng “dù thế nào thì đó cũng chỉ là hình thức xiết nợ. Còn việc đập phá đồ đạc và các tài sản khác thì là do “nhỡ tay”. Vì thế, chỉ là có lỗi chứ không có tội. Thật đúng là cãi cùn hết chỗ nói. Nếu cứ cho nhau vay tiền, người ta chưa kịp trả (mà đã làm giấy hẹn trả nhưng chưa tới kỳ), đem quân đến phá sạch, lột sạch… thì còn gì là kỷ cương nữa.
Hình như trái với mọi dự tính ban đầu rằng, phiên tòa này sẽ có nhiều “vấn đề”, sẽ có nhiều tình tiết gay cấn… nhưng, diễn biến phiên tòa diễn ra hết sức tẻ nhạt và suôn sẻ. Trừ Khánh “trắng”, có lẽ tin vào sức mạnh của… đến 3 luật sư, nên thái độ trước tòa hắn tỏ ra bặm trợn còn tất cả các bị cáo khác đều “nhũn như con chi chi”.
Quang cảnh phiên tòa xử Khánh "trắng".
Buổi chiều ngày xét xử chỉ còn hơn một nửa số người. Hầu hết các nhà báo đã lẳng lặng… rút, có lẽ vì thấy nhạt quá và chẳng còn gì để viết. Thế mà lại may, tôi có dịp trao đổi với một số nhân chứng. Chị Nguyễn Thị T bán hàng tạp phẩm ở phố Hàng Chiếu, người được mời ra với tư cách là nhân chứng trong vụ Khánh “trắng” giết anh Đạt:
- Chị có sợ khi làm nhân chứng không?
- Dạ, lúc đầu em cũng sợ, nhưng nay thì… hết rồi ạ. Các anh công an ở phường, Bộ Nội vụ xuống động viên em nhiều lần và em thấy tay chân thân tín của bọn Khánh “trắng” đã bị bắt hết nên cũng yên tâm.
- Hôm qua, hình như chị có nói chuyện với mẹ anh Đạt.
- Dạ, có. Lúc Khánh “trắng” dẫn vào phòng xử, bà cụ chửi nó và khóc. Em thương quá, có an ủi bà. Em cũng hứa là sẽ nói đúng sự thật những gì mà em nhìn thấy.
Anh Hoàng Văn H một đội viên đội bốc xếp ở chợ Đồng Xuân là người đã gần 8 năm gắn bó với nghề cửu vạn cho tôi biết:
- Sau khi Khánh “trắng” bị bắt, một số báo chí cứ vơ đũa cả nắm, gọi góp vào là “tập đoàn” tội phạm Khánh “trắng”. Thực ra trong số gần 500 con người trong đội, chỉ có khoảng 30 đứa là đầu gấu, lưu manh, là tay đao búa của Khánh.
- Nghe nói chúng bóc lột các đội viên ghê lắm hả?
- Thời kỳ đầu mới lập đội thì không, mọi điều khá tốt. Thu thập hằng tháng của anh em 600-800 ngàn đồng. Số đó tuy thấp so với công sức anh em bỏ ra, nhưng cũng tạm được. Sau này, khi mà tay chân của Khánh “trắng” nắm hết các tổ, gạt số anh em tốt, số người là bộ đội xuất ngũ ra ngoài thì chúng mới ra tay bóc lột. Vì miếng cơm manh áo, cũng đành cắn răng mà chịu thôi.
- Hiện nay, tình hình ở đó ra sao?
- Cũng còn có tiêu cực như ăn chặn, tranh giành khách… nhưng mà ít lắm. Tổ trưởng, tổ phó đều được tuyển chọn và là những người tử tế, anh em cũng biết bảo nhau hơn. Khánh “trắng” là tấm gương tày liếp cho những kẻ nào thích “ngựa quen đường cũ”, chuyên ỷ vào thế lực và đồng tiền. Chúng có thể hoành hành một ngày, hai ngày nhưng không thể mãi được.
Bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ của anh Nguyễn Văn Đạt, mỗi lần nhìn thấy Khánh “trắng” ra tòa là bà lại khóc. Bà kể rằng, sau khi tòa xử lần trước, tên Dũng chỉ bị kết án 7 năm tù, bà đã gửi đơn kêu oan khắp nơi. Bọn Khánh “trắng” cho người đến đe dọa nhiều lần; thậm chí số tiền bồi thường mà tòa án đã quyết, chúng cũng chỉ trả một nửa.
- Trời cũng có mắt, tôi tin thế nào nó cũng không chạy nổi phiên tòa lần này.
Bà nói chắc chắn như vậy.
Ngay tại phiên tòa, chúng tôi đã phỏng vấn ông Phạm Hồng Vượng, Viện trưởng Viển Kiểm sát Nhân dân Hà Nội.
PV: Thưa ông Viện trưởng, có nhiều ý kiến cho rằng, việc Viện Kiểm sát Tối cao viết cáo trạng và ủy quyền cho Viện Kiểm sát Hà Nội thực hiện quyền công tố tại phiên tòa này, đó là chuyện không bình thường, xin ông giải thích cho bạn đọc rõ.
Ông Phạm Hồng Vượng: Cục CSĐT (C16) là cơ quan có quyền khởi tố tất cả các vụ án xảy ra trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Vụ án Dương Văn Khánh tức Khánh “trắng” cùng đồng bọn phạm 11 tội với nhiều mức độ khác nhau mà Tòa án Hà Nội đang xét xử theo trình tự sơ thẩm. Đây là vụ án có nhiều hành vi phạm tội, xảy ra trên nhiều địa bàn, cho nên Cục CSĐT tiến hành khởi tố vụ án là đúng luật.
Cơ quan Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tiến hành kiểm tra là đúng thẩm quyền. Sau khi kết thúc điều tra vụ án, Cục CSĐT đã chuyển hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện quyền công tố là bình thường và đúng luật.
PV: Qua vụ án này, theo ông Viện trưởng có thể rút ra những điều gì trong công tác giáo dục, quản lý người phạm tội?
Ông Phạm Hồng Vượng: Công tác quản lý, giáo dục người phạm tội là một bộ phận trong công tác đấu tranh chống tội phạm. Tuy nhiên, trong thực tế sự phối hợp với quản lý, giáo dục phạm tội chưa được tiến hành đồng bộ; hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu, chưa được đầu tư đúng mức để giải quyết công ăn việc làm cho người phạm tội trở về. Về tâm lý, họ có mặc cảm là bị xã hội ruồng bỏ nên dễ sinh thái độ bất cần… Vì thế, để ngăn chặn họ tái phạm tội, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều ngành, nhiều cấp.
Trong vụ án này, điều đáng buồn là có một số nửa nhân viên công an vi phạm luật pháp. Đây cũng là bài học về quản lý cán bộ cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Qua đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tăng cường công tác giáo dục, quản lý, có biện pháp phòng ngừa nhân viên của mình vi phạm pháp luật.
Qua diễn biến mấy ngày đầu của phiên tòa, theo ông Viện trưởng, có thể rút ngắn được vài ba ngày xét xử.
(Còn nữa)
Nguyễn Như Phong
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị