Hồ sơ về trùm giang hồ Khánh "trắng"
Trùm giang hồ Khánh "trắng" thời điểm bị bắt
Sau gần 3 năm điều tra, chiều ngày 24/5/1996, “liên quân” cảnh sát gồm Cục Cảnh sát Điều tra (Cục CSĐT); Cục Cảnh sát Hình sự (Cục CSHS); Cảnh sát Đặc nhiệm Công an Hà Nội đã bắt giữ Dương Văn Khánh (tức Khánh “trắng”) và đồng bọn phạm tội cướp, phá khách sạn, nhà hàng 71D, &1E Kim Mã. Từ vụ án này, Cục CSĐT và các cơ quan chức năng đã kiên cường mưu trí, dũng cảm, điều tra triệt phá tổ chức tội phạm đặc biệt nguy hiểm và trắng trợn này với các tội danh: Giết người, cướp của, hiếp dâm, cố ý gây thương tích và trốn thuế.
Hoạt động của nhóm tội phạm Khánh “trắng” đã bước đầu hình thành một tổ chức mafia theo định nghĩa của Interpol. Và cũng giống như vụ án ma túy Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường, chúng ta lại lôi ra được một số con sâu mọt trong lực lượng Công an để làm trong sạch nội bộ.
Kỳ I - CHÂN DUNG ÔNG… CHỦ TỊCH NGHIỆP ĐOÀN BỐC XẾP
Cao 1m67, người mảnh, trán hói, mắt nhỏ và có cái nhìn lạnh lùng, mặt xương, da trắng, giọng nói truyền cảm có sức thuyết phục, liều lĩnh, có tính quyết đoán… đó là những nét về chân dung của Dương Văn Khánh còn được gọi là Khánh “trắng”.
Khánh sinh ra trong một gia đình mà từ xưa đến nay thường chỉ có trong tiểu thuyết hình sự của Mỹ: “Đại gia đình” có 17 anh em mang ba dòng họ khác nhau: Họ Dương, họ Trần và họ Nguyễn. 17 anh em cùng cha khác mẹ… và riêng họ Dương thì Khánh là “độc đinh”. Ông bố Dương Văn Khánh là người đức độ và có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Những người con của ông với bà vợ trước đều là những người có tri thức và thành đạt. Riêng Dương Văn Khánh, tuy mang họ của ông nhưng lại chỉ làm cho dòng họ của ông thêm xấu hổ. Đó chính là vì hắn mang cái gen di truyền của bà mẹ - một người có máu cờ bạc nổi tiếng.
Năm 1974, mới học hết lớp 7, Khánh “trắng” bỏ học xin đi làm ở Nhà máy Cao su Sao Vàng. Nhưng chưa được 6 tháng, hắn bỏ việc và đi làm ở Công ty Sửa chữa nhà cửa, nhưng cũng chỉ được 3 tháng thì hắn bị bắt lần thứ nhất vì tội trộm cắp và lĩnh án 6 tháng tù. Sau đó hắn sống bằng nghề đạp xích lô và đến năm 1978 thì lại bị bắt vì tiêu thụ đồ gian.
Năm 1980, do có quá nhiều thành tích bất hảo nên Khánh “trắng” phải đi tập trung cải tạo ở Trại 6 Nghệ An. Đến cuối năm 1985, hắn được ra trại và tiếp tục sống bằng nghề đạp xích lô. Năm 1987, hắn nổi máu côn đồ đánh nhau và lại bị bắt giam mấy ngày. Những người như Khánh “trắng” có tiền án, tiền sự nhiều như tiền mặt mà hắn cướp được của người đời.
Năm 25 tuổi, Khánh lập gia đình. Vợ Khánh là cô gái bán thịt lợn đanh đá có tiếng ở chợ Ngọc Hà. Có lần nhân viên phòng thuế đến thu thuế, ả đã nhảy lên phản thịt, tụt quần ra và vỗ bành bạch… Tất nhiên là nhân viên thu thuế phải chạy mất dép. Năm 1988, hai vợ chồng ly dị và đến năm 1990, Khánh lấy vợ mới.
Vào năm 1987, nhiều bà con bán hàng ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, Long Biên vẫn còn nhớ một anh chàng Dương Văn Khánh mảnh khảnh, lóc cóc chiếc xe đạp cũ rích chở thịt lợn thuê, nghèo rớt mùng tơi và khuôn mặt lúc nào cũng xanh lướt như đói ăn. Rồi Khánh bỏ xe đạp chuyển sang nghề đạp xích lô kiêm “cửu vạn” ở chợ Đồng Xuân. Thời gian này Khánh thân cô, thế cô Khánh phải dựa vào sự che chở của kẻ khác.
Dần dà, bên cạnh Khánh đã có thêm những chiến hữu như Sơn “lùn”, Đức “chính ủy”. Thành “xăm”… Sơn “lùn” và Thành “xăm là những tay đao búa có tiếng. Có được đám này giúp sức, Khánh “trắng” thêm vững tâm để mở rộng ảnh hưởng. Đặc biệt, thời gian này, bên cạnh Khánh có một nhân vật được coi là “cái đầu” của Khánh - đó là Đức “chính ủy”, hay còn gọi là Đức “xì ke”, Đức “già”, Đức “quạt mo”…
Đây là một gã giang hồ có thâm niên ở khu vực chợ Đồng Xuân. Gã có thân hình gầy quắt queo, mặc dù không nghiện ngập. Gã nổi danh chỉ nhờ một khả năng - đó là trí thông minh, láu tôm láu cá và khả năng hòa giải tốt giữa các băng nhóm. Các băng nhóm đánh nhau, cần dàn hòa là nhờ Đức “quạt mo”. Kẻ nào muốn tiến thân, được các đại ca giúp đỡ nhờ Đức “tiến cử”…
Khánh cũng phải nhờ Đức mới yên thân được trong những ngày đầu “lập nghiệp”. Chính Đức là người vạch đường đi nước bước cho Khánh, tìm mọi cách cho ông Trưởng Công an Đồng Xuân để ý đến Khánh. Và chỉ trong một thời gian ngắn, Khánh đã tạo được uy tín với bọn lưu manh bằng cách núp sau cái bong của ông Trưởng Công an phường cả tin.
Về “đối ngoại”, bọn đàn em phải góp tiền cho hắn nhằm “mở rộng quan hệ hợp tác” với một số quan chức cấp phường, quận. Với tài ăn nói và thái độ luôn cung kính, lịch sự, cùng với túi tiền luôn đầy, Khánh đã được một số vị quan trên “yêu quý”. Có thể nói không sai rằng vào những năm đầu của thập niên 90, khá nhiều đám hiếu hỷ của một số quan chức phường, quân luôn có mặt Khánh.
Có thể nói Khánh rất chăm lo đến đám thuộc hạ, Khánh luôn tận tình, chu đáo. Chính Khánh là người lo dựng vợ cho Triệu “con”, nhường một căn gác xép của mình cho Triệu làm tổ ấm gia đình. Những kẻ nào có chuyện phải ra chốn công đường, Khánh đều cố gắng lo cho trọn vẹn. Nếu phải đi “bóc lịch” thì cũng được thăm nuôi cẩn thận. Một trường hợp điển hình là vụ Khánh chạy cho Thắng “khoèo” thoát án tử hình.
Ấy là vào năm 1990, trong một vụ tranh bốc hàng, Tâm “đen” ở phố Hàng Cót đã không cho Khánh và bọn đệ tử bốc hàng của mình từ bãi vào chợ. Để dằn mặt những người khác muốn “tiết kiệm” tiền bốc vác, Khánh “trắng” cho Thắng “khoèo” đến gặp Tâm. Khi gặp nhau, không nói không rằng, Thắng “khoèo” rút dao đâm Tâm chết ngay. Thắng bị bắt, phải chịu án 18 năm tù, nhưng ở nhà, Khánh chu cấp cho gia đình Thắng khá chu đáo. Chính vì vậy mà bọn đàn em dưới trướng sẵn sàng làm bất cứ việc gì từ bưng bê điếu đóm cho tới… giết người, nếu đó là lệnh của Khánh “trắng”.
Là kẻ lọc lõi với trường đời, đến đầu năm 1990, Khánh phát hiện ra chính quyền đang có chủ trương mới trong công tác phòng ngừa tội phạm hình sự - Ấy là “tạo công ăn việc làm cho những người có tiền án, tiền sự, đưa họ vào hoạt động có tổ chức để quản lỹ và giáo dục”. Đây là một hướng đi đúng và đã thu được kết quả đáng khích lệ ở một số địa phương.
Chớp thời cơ này, ngày 17/7/1991, Khánh “trắng” xin chính quyền phường, quận cho thành lập đội dịch vụ bốc xếp tự quản và dĩ nhiên Khánh là tổ trưởng. Không ai ngăn cản một ý định tốt đẹp và hoàn toàn có lợi cho công tác giữ gìn trật tự trị an.
Thủ tục lập đội nhanh chóng được hoàn tất. Đội dịch vụ bốc xếp (DVBX) tự quản đầu tiên ở chợ Đồng Xuân với 140 đội viên và có tài sản là 54 chiếc xích lô, ra đời ngày 1/8/1991 được nhiệt liệt hoan nghênh.
Phải thừa nhận rằng, thời gian đầu, tổ DVBX hoạt động khá quy củ. Họ đoàn kết, tự giác lao động và giảm hẳn đi những chuyện cãi chửi nhau do tranh hàng, tranh mối làm ăn. Vả lại đây là mô hình mới nên các cấp chính quyền, công an phường, quận; cả một số cán bộ công an có kinh nghiệm trong đấu tranh chống tội phạm hình sự… cũng quan tâm đến. Nhiều đồng chí đã dành thời gian giúp Khánh và anh em trong đội bốc xếp hiểu biết lẫn nhau, hạn chế sự quậy phá của chúng ngoài xã hội.
Lúc đó, không ai nghi ngờ gì về sự thành công của mô hình tự quản này. Và số lượng người xin gia nhập tổ DVBX ngày càng tăng. Khi đã “danh chính ngôn thuận” và có đông quân, Khánh “trắng” mở rộng ảnh hưởng và “xâm lược” thâu tóm sang khu vực chợ Đồng Xuân, Bắc Qua và các khu vực cận kề…
Bắt đầu từ năm 1992, Khánh “trắng” và đồng bọn trong tổ DVBX dần dần bộc lộ bản chất cố hữu của mình. Với một lực lượng hùng hậu các tên côn đồ, lưu manh, Khánh đã dễ dàng dẹp tan các băng nhóm cát cứ khác và ngang nhiên tung hoành ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, Long Biên.
Chính quyền sở tại làm ngơ cho Khánh vì người ta thấy Khánh giao du với một số người có chức có quyền. Trong hội nghị của một cơ quan, Dương Văn Khánh được trân trọng giới thiệu là “đồng chí” và được xếp chỗ ngồi trước cả một đồng chí Phó giám đốc Công an thành phố. Các cơ quan chót xin tiền tài trợ của Khánh thì trở nên kiêng nể, e dè Khánh “trắng”.
Sang năm 1994, ngày 20/5, Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm ra quyết định công nhận và bổ nhiệm “đồng chí” Dương Văn Khánh vào Ban Chấp hành Công đoàn và là Chủ tịch Công đoàn bộ phận Đội Dịch vụ - Vận chuyển bốc xếp (DVVCBX). Ngày 29/3/1996, Công đoàn cơ sở Đội DVVCBX được chuyển thành Nghiệp đoàn Vận chuyển bốc xếp Đồng Xuân - Long Biên.
Sau khi Khánh lên làm “Chủ tịch Nghiệp đoàn bốc xếp” chợ Đồng Xuân thì tiếng tăm Khánh “trắng” nổi như cồn. Nghiệp đoàn lúc này đã có đến 500 người. Ông Chủ tịch Nghiệp đoàn Dương Văn Khánh bắt đầu đi thị sát bằng xe Jeep và xung quanh luôn đầy vệ sĩ. Và đến lúc này, quan chức cỡ cấp phường muốn gặp Khánh thì phải “xin”… đăng ký trước (!).
Trước tình hình thấy Khánh ngày càng leo cao và có tin rằng, Khánh sẽ ứng cử vào Ban Chấp hành Liên đoàn lao động thành phố, nhiều đám lưu manh khác e ngại rằng Khánh sẽ “giết” hết bọn chúng nên chúng quyết định ra tay trước.
Việt Dũng, một kẻ đối đầu với Khánh “trắng” đã tổ chức cho đám tay chân tạt a-xít vào Khánh, làm hắn cháy hết mặt. Khi công an đến bệnh viện điều tra, đồng bọn của Khánh còn đòi kiểm tra giấy tờ và… khám người (!). Cú đòn thù này không làm Khánh mất mạng hay vĩnh viễn tàn tật nhưng cũng đủ làm hắn và đồng bọn choáng váng.
Vệt a-xít chạy từ má phải xuống cổ và ngực hắn làm cháy cả một vùng da. Hắn đã phải vào Bệnh viện Bạch Mai chạy điện và nhờ người mua thuốc nuôi da từ Mỹ gửi về. Giá một tuýp thuốc này là 70 triệu đồng. Chính nhờ có thuốc tốt mà sau này mặt hắn đã hầu như không còn vết tích.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị