Hồ sơ FBI: “Sherlock Holmes” phá án (Kỳ 2)
Hồ sơ FBI: “Sherlock Homes” phá án Thế giới chưa bao giờ bình yên và xã hội vẫn luôn phải đối mặt tội phạm. Hiểu tội phạm bằng những nghiên cứu khoa học của giới điều tra chuyên ngành là điều cần thiết. Tài liệu dưới đây, một tổng hợp của chuyên gia tội phạm học John Douglas thuộc FBI, được xem là tài liệu kinh điển luôn được mang ra nghiên cứu trong các chương trình đào tạo của FBI suốt nhiều thập niên qua. Qua lời kể Douglas, chuyên gia hàng đầu của FBI về môn khoa học hành vi, tư liệu có thể giúp ngành công an nước ta thu nhặt kinh nghiệm trong công tác phòng chống tội phạm… |
Bài 2: Quy nạp
Chẩn đoán” hành vi
“Tính lập dị (của tội phạm) là một trong những mấu chốt quan trọng nhất để phát hiện kẻ thủ ác” - Conan Doyle từng xác định như vậy, qua lời nói của nhân vật Sherlock Holmes - “Loại tội phạm càng phổ biến và không có điểm đặc biệt thì càng khó phát hiện”. Nói cách khác, càng có nhiều thông tin về hành vi tội phạm, chúng ta càng dễ phân tích và điều tra vụ án. Lực lượng cảnh sát từng đối mặt với vụ án tương tự vào giữa thập niên 1950. Hồi đó, New York bị chấn động bởi các vụ đánh bom của một gã được mệnh danh “Kẻ đánh bom điên loạn”, từng gây ra hơn 30 vụ đánh bom trong 15 năm. Trong số các mục tiêu bị đánh sập, có vài công trình công cộng lớn như Trung tâm Grand và Đài Phát thanh Pennsylvania.
Đội chứng cứ là một trong những thành phần quan trọng nhất của FBI |
Bất lực, cuối cùng cảnh sát phải nhờ sự trợ giúp của tiến sĩ phân tâm học nổi tiếng James A. Brussel. Sau khi xem tất cả ảnh chụp hiện trường bị đánh bom và những bức thư tên tội phạm gửi đến vài tờ báo, Brussel đi đến một số kết luận sơ khởi: tên tội phạm bị chứng rối loạn thần kinh, thù ghét bố mình nhưng được mẹ cưng chiều và sống ở nơi nào đó thuộc Connecticut. Brussel hướng dẫn cảnh sát nên tập trung theo dõi một gã có tầm vóc trung bình, trung niên, nguyên quán nước ngoài, theo đạo Thiên chúa, độc thân, sống với một người anh hay chị. Khi bị phát hiện, có thể hắn đang vận một áo veston hai túi, có cài nút.
Từ giọng văn và một số manh mối vô tình trong các bức thư đe dọa gửi đến báo chí, người ta đoán rằng hắn là kẻ bẳn tính, đang hoặc từng làm việc cho Công ty Điện lực Consolidated Edison. Theo đó, cảnh sát loại dần số người khả nghi, còn lại một kẻ tên George Metesky, từng làm việc tại Consolidated Edison trước khi các vụ đánh bom xảy ra và sau đó dời đến Waterbury thuộc Connecticut. Metesky độc thân, nguyên quán nước ngoài, tín đồ Thiên chúa và ở độ tuổi trung niên. Điểm sai biệt duy nhất so với phỏng đoán của tiến sĩ Brussel là Metesky sống với hai bà chị không chồng. Khi được ra lệnh thay quần áo để về đồn, Metesky bước ra khỏi phòng tắm, trên mình mặc cái áo veston hai túi, có cài nút!
Phương pháp Brussel áp dụng thường được biết dưới cái tên quy nạp - tức quan sát hiện tượng, phân tích yếu tố chính của vụ án rồi rút ra kết luận tổng quát. Trước khi tôi đến Quantico năm 1970 để làm việc cho FBI, nhóm hướng dẫn viên trong đơn vị khoa học hành vi đã áp dụng phương pháp quy nạp của Brussel trong các khóa huấn luyện. Năm 1979, nhiều cơ quan an ninh, pháp luật bắt đầu chú ý công trình nghiên cứu của chúng tôi. Trong cùng năm, chúng tôi nhận được khoảng 50 yêu cầu tham gia công tác phá án và năm sau, con số đó đã tăng gấp đôi. Tuy thế, các quan chức hàng đầu của FBI vẫn chưa tin mức độ hiệu quả của phương pháp mới mẻ này. Chúng tôi đã chứng minh vai trò của mình khi giải quyết được vụ giết Francine Elveson xảy ra vào tháng 10-1979, mà đến nay vẫn còn được giới thiệu cho các lớp học viên mới bởi tính phức tạp và nguy hiểm của vụ án.
Francine Elveson là giáo viên 26 tuổi, làm việc tại một trung tâm trẻ khuyết tật, nổi tiếng có lòng thương cảm dành cho học trò mình; sống với bố mẹ tại Bronx (New York). Sáng hôm đó, như bình thường, cô Francine Elveson thức dậy lúc 6h30. Khoảng 8h20, một đứa nhỏ 15 tuổi cư ngụ trong chung cư phát hiện cái ví của Francine Elveson ở cầu thang đoạn giữa tầng 3 và 4. Khi gọi điện đến Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật, mẹ của Francine Elveson được báo cô không có mặt ở đó. Hoảng sợ, bà Elveson cùng một số láng giềng bổ ra đi tìm Francine Elveson. Trên tầng thượng chung cư, họ thấy một cảnh tượng thật kinh khủng: thi thể trần truồng của Francine Elveson bị đánh bầm tím. Trên đùi cô có hàng chữ mà tên tội phạm viết bằng bút chì: “Mày không thể ngăn được tao”.
Mẹ nạn nhân phát hiện thêm một chi tiết: lá bùa biểu hiện sự may mắn đeo nơi cổ Francine đã bị lấy mất. Khi được miêu tả hình dạng lá bùa, các thanh tra viên nhận thấy thi thể Francine đã được đặt ở tư thế giống hình dạng lá bùa, như một hình thức tế thần. Người ta cho rằng, sau khi đánh Francine bất tỉnh lúc cô xuống cầu thang, hung thủ vác nạn nhân lên tầng thượng rồi siết cổ cô cho đến chết. Giám định pháp y cho biết Francine không bị hiếp; không có vết thương nào trên bàn tay hay thân thể, có nghĩa nạn nhân không có thời giờ chống trả hung thủ.
Bởi tính chất thô bạo, vụ án đã làm chấn động toàn bộ khu vực. 26 thanh tra viên được tung ra để phỏng vấn hơn 2.000 người sống quanh đó. Đám tội phạm từng có tiền án hiếp dâm trong phạm vi thành phố cũng được dà soát. Sau nhiều tháng không phát hiện chút manh mối nào, cảnh sát địa phương buộc phải gửi toàn bộ hồ sơ vụ án với đầy đủ hình ảnh đến chúng tôi. Cũng như mọi vụ khác, tôi tiến hành xem xét và đưa ra một số kết luận. Nhận xét đầu tiên là hung thủ ra tay một cách ngẫu nhiên, bởi hắn không mang theo vũ khí. Hơn nữa, hắn không thể canh đợi Francine vì theo lời khai của bố mẹ nạn nhân thì cô có thói quen khi thì dùng thang máy khi lại đi cầu thang. Hung thủ chỉ tình cờ có mặt khi thấy Francine. Có thể hắn sống ở đấy hoặc đến để tìm người nào đó. Không người nào trong chung cư thấy có kẻ lạ xuất hiện nên hung thủ hẳn thường đến khu vực này, cũng có thể quen mặt đối với Francine.
Một số chi tiết khác đã phác họa thêm về tên tội phạm. Do xuất hiện lúc mọi người đi làm, hung thủ hẳn thất nghiệp, có lẽ sống với bố mẹ hoặc rất có thể với bà mẹ góa bụa. Tính dã man của vụ án cho thấy hung thủ bị rối loạn thần kinh nặng, có thể là bệnh nhân tâm thần, gây án lần đầu nhưng nếu có cơ hội sẽ thực hiện vụ giết người kế tiếp. Sau khi nhận được kết quả nghiên cứu, cảnh sát rút ngắn danh sách tình nghi còn 22 tên và phát hiện một kẻ rất phù hợp với ý kiến đánh giá của tôi.
Đó là Carmine Calabro, một diễn viên thất nghiệp, thỉnh thoảng đến ở với ông bố góa vài ngày tại căn phòng cùng tầng với căn hộ gia đình Elveson. Khi khám phòng hắn, cảnh sát tìm thấy rất nhiều ảnh về hiện tượng bạo dâm. Hắn có ý định tự tử hai lần bằng cách treo cổ và sử dụng hơi ngạt, trước và sau khi xảy ra vụ giết Francine. Tuy nhiên, Calabro có chứng cứ ngoại phạm rất vững. Bố hắn cho biết vào ngày xảy ra vụ giết Francine, Calabro ở bệnh viện tâm thần cho cuộc khám định kỳ điều trị chứng trầm uất. Nhưng sau đó, cảnh sát nhận thấy hệ thống an ninh của bệnh viện rất lỏng lẻo, vì thế Calabro có thể đã trốn về, tình cờ gặp Francine và gây án rồi quay trở lại bệnh viện. Lập tức, Calabro bị bắt giam. Nha sĩ pháp y cho biết dấu răng của hắn hoàn toàn khớp với dấu răng trên thi thể Francine. Calabro bị xử 25 năm tù.
Mỗi tội phạm đều có một “hòn đá”!
Đối với bọn tội phạm chuyên nghiệp, thông thường chúng không mang mặc cảm phạm tội khi thực hiện vụ án. Nhưng cũng có một số lại cảm thấy rất bất an trong lúc và nhất là sau khi thủ ác. Tâm lý đó thể hiện trong cách giết nạn nhân, mà nếu phát hiện được sẽ rất có ích trong quá trình điều tra tội phạm. Một trong những vụ án minh họa điều này là vụ giết bé Mary Frances Stoner 12 tuổi. Hôm đó, bé Mary bỗng mất tích khi ra khỏi chiếc xe bus nhà trường đỗ gần ngôi nhà em ở Rome (bang Georgia). Thi thể Mary được một đôi tình nhân phát hiện trong khu rừng cách nhà em khoảng hơn 15km, với cái áo khoác vàng phủ lên mặt. Sọ Mary bị đập vỡ bằng một hòn đá.
Với bản tường trình của cảnh sát địa phương, tôi đưa ra vài yếu tố chính. Hung thủ đã dễ dàng dụ bé Mary đến chiếc xe của hắn rồi tóm em vào xe. Xác Mary được tìm thấy trong khu rừng xa cho thấy hung thủ quen thuộc địa hình khu vực. Cái áo khoác phủ lên mặt Mary nói lên một điều rất rõ: chính hung thủ cũng cảm thấy ghê tởm hành động dã man của mình. Cũng với lý do đó, hung thủ đã lẩn trốn đến một nơi nào đó, với nỗi mặc cảm phải nghe những người xung quanh nói về tội ác mà hắn gây ra. Từ kinh nghiệm của mình, tôi cung cấp thêm một số chi tiết rất có thể có thật, nhằm giúp cảnh sát điều tra dễ dàng hơn: Hung thủ từng có tiền án, gặp rắc rối trong hôn nhân, sử dụng xe màu sậm - đen hay xanh dương - và chăm sóc xe rất kỹ.
Sau khi nghe tôi tường trình, một cảnh sát cho biết anh đã thả một tên tình nghi rất phù hợp với chi tiết miêu tả. Hắn tên Darrell Gene Devier, 24 tuổi, da trắng, từng ly dị hai lần, dùng chiếc xe Ford màu đen hiệu Pinto được bảo quản cẩn thận. Do trước khi xảy ra vụ giết Mary, Devier có mặt tại nơi gần nhà nạn nhân để sửa chữa mạng điện ngoài trời, nên hắn được mời thẩm cung rồi sau đó được thả. Cho đến lúc đó, khả năng Devier phạm pháp bắt đầu lộ dạng. Vì thế, tôi đề nghị cảnh sát mời hắn cho một cuộc thẩm tra thứ hai. Kế hoạch cuộc thẩm tra lần này được bày xếp kỹ. Trước hết, các viên chức FBI thuộc nhóm sở tại ở Atlanta cùng đông đảo lực lượng cảnh sát địa phương nên có mặt trong phòng thẩm cung để tạo cảm giác nặng nề cho Devier rằng hắn đang đương đầu với cả một guồng máy chính phủ.
Tuy vậy, nên tổ chức buổi thẩm cung vào ban đêm để Devier mang cảm giác an toàn vì không có sự hiện diện của giới báo chí. Phòng thẩm cung phải sử dụng đèn mờ ảo, tạo ấn tượng bí hiểm. Trên bàn, đặt nhiều chồng hồ sơ với tên của hắn ghi đậm. Điều quan trọng nhất là để một hòn đá đẫm máu trên cái bàn khác gần đó, gần như không nằm trong tầm nhìn của hung thủ để khi muốn nhìn thì hắn phải xoay đầu. Tôi nói thêm với cảnh sát là không nên đề cập đến hòn đá, nhưng quan sát thật kỹ biểu hiện của hung thủ mỗi khi hắn quay sang nhìn hòn đá. Khi nhận thấy hắn rùng mình, dù rất nhẹ, hãy nhìn thẳng vào mắt hắn rồi nhẹ nhàng nói chính hắn là thủ phạm...
Toàn bộ tiến trình theo đề xuất của tôi được thực hiện chính xác. Khi được đưa vào phòng thẩm cung, Devier rùng mình ngay khi thấy hòn đá và bắt đầu thở dốc. Lúc nghe nói đến máu trên hòn đá, Devier suy sụp hoàn toàn và buộc phải khai mình đã giết bé Mary và còn thực hiện một vụ hiếp dâm khác. Ngày 17-5-1995, gần 16 năm sau vụ giết Mary, Darrell Gene Devier lên ghế điện. Từ vụ này, tôi rút ra kết luận: Mỗi tội phạm đều có một “hòn đá”, nghĩa là một bằng chứng phạm tội nào đó, dù cố che đậy bằng bất cứ thủ thuật nhà nghề nào. Công việc của thanh tra cảnh sát là tìm ra “hòn đá” đó, ngay nơi hiện trường...
M.Kim
Năng lượng Mới 451