Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích

07:34 | 04/07/2015

|
(PetroTimes) - Bạn đọc: Tôi có quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích của Nguyễn Liên Phong do Cao Tự Thanh - Trương Ngọc Tường chỉnh lý, chú thích và giới thiệu (NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP HCM, 2014). Tôi là dân Sài Gòn cố cựu nhưng đọc phần chú thích thì thấy ngờ ngợ ở một số chỗ. Nếu ông vui lòng gỡ rối tơ lòng thòng thì tôi thật là vạn hạnh. Tôi đồng tuế với ông đó, ông An Chi. Xin cảm ơn ông. Huỳnh Hiếu Hạnh (Xóm Thơm, Gò Vấp, TP HCM)

Năng lượng Mới số 436

Học giả An Chi: Trước nhất, chúng tôi sẽ dẫn lời chú thích của Cao Tự Thanh - Trương Ngọc Tường (CTNT) trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong (NLP); sau những dòng trích dẫn là xuất xứ theo mẫu: (Chú [x] tr.y) rồi tiếp theo là phần nhận xét của An Chi.

Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca chú thích
Trung tâm Thương xá Tax

1. “Các sắc nhơn dân: tức các tộc người có truyền thống lịch sử và văn hóa khác nhau. Sắc tức màu sắc đây chỉ kiểu dáng màu sắc y phục, được coi là một tiêu chí dân tộc học để phân biệt các tộc người” (Chú [8] tr.58).

Chữ “sắc” dĩ nhiên có nghĩa là “màu sắc” nhưng ở đây NLP đâu có làm dân tộc học nên cũng không dùng nó để chỉ màu sắc y phục của các dân tộc khác nhau ở Việt Nam. Ông ta đâu có đi trước thời đại mà xem các dân tộc ít người với con mắt bình đẳng như hiện nay. NLP chỉ dùng từ “sắc” theo nghĩa “chủng loại”, như đã cho trong các quyển từ điển. “Hóa sắc” [货色] là loại hàng, mặt hàng. Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S. Couvreur dịch là “sorte, espèce” (loại, giống), với thí dụ “tạp sắc nhân” [雜色人], được dịch là “différentes sortes de personnes” (các hạng người khác nhau). Mathews’ Chinese English Dictionary dịch là “sort, kind” (loại, giống), với thí dụ “sắc sắc câu toàn” [色色俱全], được dịch là “every sort is kept in stock” (mọi mặt hàng [đều] chứa sẵn trong kho); “chư sắc nhân đẳng” [諸色人等], được dịch là “all kinds of men” (tất cả các hạng người). “Chư sắc nhân đẳng” chính là “các sắc nhơn dân”. Ở đây, NLP không nói đến các dân tộc mà chỉ nói đến các hạng người khác nhau trong xã hội.

2. “Hương chức thanh cần chữ dạ ngay: thanh cần là trong sạch siêng năng, chữ là giữ (từ cổ)” (Chú [2] tr.89).

Nếu từ cổ có nghĩa là “giữ” thì phải viết với dấu hỏi thành “chử”. Vậy không biết chữ “chữ” dấu ngã ở đây là của NLP hay do CTNT chỉnh lý. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của và Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cũng đều ghi với dấu hỏi và đây là một cách ghi hoàn toàn đúng chính tả, như còn có thể thấy trong Từ điển từ cổ của Vương Lộc với các thí dụ: Một lời mà chử muôn đời; Khuyên người chử dạ cho bền thảo ngay; Khiến ta chử dạ chưa quên. Vậy nếu chữ “chữ” là của Nguyễn Liên Phong thì có thể khẳng định rằng CTNT đã không chỉnh lý lại cho đúng. Còn nếu NLP viết đúng là “chử” thì hai nhà chỉnh lý đã thực hiện một thao tác siêu chỉnh (hypercorrection) nên đã chữa lành thành què.

3. “Chùa Tập Phước ở Gò Vấp, có từ thế kỷ XVIII” (Chú [2] tr. 142).

Chùa (Sắc Tứ) Tập Phước không phải ở Gò Vấp mà tọa lạc tại số 223, đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh (TP HCM). Trước kia, người dân trong vùng thường gọi trại thành chùa “Thập Phước”.

4. “Các chú: tức Khách trú đọc theo âm Hoa Hán giọng Triều Châu” (Chú [4] tr.145).

Thực ra, “Các chú” (thường nói thành “cắc chú”) là do chính người Việt (Kinh) trong Nam đọc trại hai tiếng “Khách trú” [客住].

5. “Bắc thảo: có lẽ là Bắc đầu đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông” (Chú [2] tr.148).

Thực ra, âm của chữ “đầu” [頭] trong tiếng Quảng Đông là “thầu” còn “thảo” là âm Triều Châu.

6. “Ba Son: tên tiếng Pháp là Bassin de radoud […]”(Chú [2] tr.164).

Thực ra tên tiếng Pháp của “Ba Son” là Arsenal như NLP đã ghi chú ngay trong câu 1745: “Ba Son (Arsenal) là sở tạo thuyền”. “Bassin de radoub” (không phải “radoud”) chỉ là một bộ phận của Arsenal, tức Ba Son. Chẳng qua là có tác giả đã giả định rằng “bassin” là nguyên từ (etymon) của hai tiếng “Ba Son”. CTNT đã không phân biệt được địa danh với từ nguyên của địa danh. Tây không bao giờ gọi Ba Son là “Bassin de radoub”.

7. “Cặp rằng: gốc là từ capitan (người đứng đầu) tiếng Pháp nói trại ra, đây chỉ đốc công” (Chú [1] tr.165).

“Capitan” là chữ do CTNT “sáng tạo” cho tiếng Pháp chứ ngôn ngữ này chỉ có danh từ “capitaine” với 3 nghĩa chính: đại úy - thuyền trưởng - đội trưởng (trong thể thao). Còn “cặp rằng” thì lại do “caporal” mà ra. “Caporal” có nghĩa là “cai” (trong công xưởng), tức cặp rằng.

8. “Thống đốc Dellamothe: Thống đốc Nam Kỳ (…)” (Chú [3] tr.172).

Chính xác là “De Lamothe” như đã ghi chú sẵn trong câu 1858: “Đờ la mốt (De Lamothe) lại ước rày mấy trăng”.

9. “Hãng xe lửa nhỏ: đúng ra là xe điện, có hai tuyến đường là tuyến từ Sài Gòn tới Gò Vấp, sau kéo dài tới Hóc Môn […] và tuyến từ Sài Gòn vào Chợ Lớn dài 5km vòng vèo trong khu Cầu Ông Lãnh, chủ yếu cặp theo đường xe lửa […]” (Chú [1] tr.180).

Xin nói rằng, đúng ra là xe lửa mà các toa được kéo bằng đầu máy (locomotive) đốt bằng than, củi. Về sau, mới chạy bằng điện nhưng khi nó đã trở thành xe/tàu điện rồi thì người dân, do quen miệng, vẫn gọi nó là “xe lửa”; còn người thức thời hơn thì gọi nó là “xe lửa điễn”, hàm ý là “tàu hỏa chạy bằng điện”. Vậy không phải ngẫu nhiên mà NLP viết “Hãng xe lửa nhỏ hai đường”. Vì không nắm được thực tế nên CTNT mới “chỉnh” NLP mà nói “đúng ra là xe điện”, cứ như là NLP không biết được điều này.

(Xem tiếp kỳ sau)

A.C