Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Mỹ văn và Viện sĩ

14:08 | 29/03/2013

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Xin ông cho biết “Académie des Inscriptions et Belles-Lettres” (viết tắt là AIBL) có thể dịch như thế nào cho sát, đúng. Nhiều người dịch “belles-lettres” là “mỹ văn”. Vậy trong tiếng Việt, mỹ văn là gì, thưa ông? Có người dịch “correspondant” (của AIBL) là “viện sĩ”. Vậy GS Phan Huy Lê có phải là Viện sĩ của AIBL không? Xin cảm ơn ông - Nguyễn Bá Hùng (Q.1, TP HCM)

Học giả An Chi: 1.- “Belles-lettres” mà dịch thành “mỹ văn” thì chỉ là vọng văn sinh nghĩa mà thôi. Nhân chuyện liên quan đến GS Phan Huy Lê mới đây, một vài tác giả đã thông báo có ý nhấn mạnh rằng đây là cách dịch trong từ điển của Đào Duy Anh. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng Đào Duy Anh là một nhà khai phá hàng đầu trên con đường biên soạn từ điển ở nước ta và ta phải vô cùng biết ơn ông về điều này nhưng đâu có phải hễ cái gì do Đào Duy Anh viết ra thì đều là chân lý tuyệt đối. Xin nhắc lại chuyện “kiến sư tử” của Đào Duy Anh mà chúng tôi đã phân tích trên Kiến thức Ngày nay số 146 (tháng 8/1994). Một bạn đọc thấy Từ điển Pháp - Việt do Lê Khả Kế chủ biên (Agence de Coopération Culturelle et Technique [ACCT] ấn hành, 1981) dịch “fourmilion” là “kiến sư tử” mà không biết đó là con gì nên đã gửi câu hỏi đến “Chuyện Đông chuyện Tây”. Và chúng tôi đã trả lời như sau:

“Con vật hữu quan thì vẫn có ở Việt Nam nhưng danh ngữ “kiến sư tử” thì không hề tồn tại trong tiếng Việt. Danh ngữ lạ lẫm này là do Đào Duy Anh đặt ra để đối dịch “fourmi-lion” trong Pháp - Việt từ điển của ông. Đào Đăng Vỹ cũng dựa theo Đào Duy Anh mà dịch y hệt như thế trong Pháp - Việt từ điển của mình. Bây giờ lại đến lượt Từ điển Pháp - Việt do Lê Khả Kế làm Tổng biên tập cũng dịch y hệt như thế nhưng có thêm “sâu bọ cánh gân” trong ngoặc đơn.

Dictionnaire général de la langue française của A.Hatzfeld và A.Darmesteter giảng “fourmi-lion” như sau: “Insecte analogue đ la libellule, dont la larve se tient au fond d’un entonnoir qu’elle creuse dans la terre, et fait sa proie des fourmis ou autres insectes qui y tombent”  nghĩa là “côn trùng tương tự con chuồn chuồn mà ấu trùng rúc ở đáy một cái phễu do nó đào trong đất và (con ấu trùng này) bắt làm mồi ăn những con kiến hoặc sâu bọ khác rơi xuống đó”. Con bọ đó là con chuồn chuồn kim còn con ấu trùng đó là con cúc, gọi theo ẩn dụ, vì nó cũng giống như một cái cúc áo hình nụ nhỏ bằng hạt đậu xanh. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của viết là “cút” và giảng như sau: “Loài trùng hay lủi dưới đất bùn, chỗ nó ở có cái lỗ sủng xuống”. Con cúc thường làm hang hình phễu nơi đất cát. Ngày trước, trẻ con thường hay thổi lỗ cúc để bắt cúc làm một trò chơi”.

Đấy, chúng tôi đã trả lời như thế cách đây gần 20 năm. Còn lần này thì xin nhấn mạnh rằng cái “anh Kỉm Kìm Kim” trong “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài chính là một cá thể của loài chuồn chuồn kim đó. Trong từ vựng của tiếng Việt, chỉ có “chuồn chuồn kim” chứ làm gì có “kiến sư tử”! Cũng như tiếng Việt chính cống làm gì có hai tiếng “mỹ văn”! Ta hãy xem từ điển của Pháp định nghĩa “belles-lettres” như thế nào. Petit Larousse Illustré 1992 giảng là “ Arts littéraires et poétiques” (Nghệ thuật văn chương và thi ca). Cả Petit Robert lẫn Grand Robert đều chuyển chú về “littérature” (văn học, văn chương). Chính vì vậy nên Từ điển Pháp - Việt do ACCT ấn hành mới đối dịch “belles-lettres” là “văn chương, văn học”. Trong tiếng Việt, trước kia hai tiếng “văn chương” đã từng thông dụng rồi chừng hơn nửa thế kỷ trở lại đây, nó đã được thay thế bằng hai tiếng “văn học”. Vậy “Académie des Inscriptions et Belles-Lettres” là “Viện Hàn lâm Minh văn và Văn chương”.

2.- Nghị định số 99-14 ngày 11/1/1999 của Bộ Quốc gia Giáo dục, Nghiên cứu và Công nghệ (Ministère de l’Education Nationale, de la Recherche et de la Technologie) của Pháp quy định cho AIBL như sau:

“§ II. – Composition de l’Académie
( … )
Art.3.– L’Académie se compose de cinquante-cinq académiciens de nationalité française et de quarante associés étrangers.
Art.4.– Elle comprend également cinquante correspondants de nationalité française et cinquante correspondants étrangers.”

Dịch nghĩa:

“§ II.– Thành phần của Viện Hàn lâm
( … )

Điều 3.– Viện Hàn lâm bao gồm 55 viện sĩ (hàn lâm) thuộc quốc tịch Pháp và 40 phối hợp viên nước ngoài.

Điều 4.– Viện cũng bao gồm 50 thông tín viên thuộc quốc tịch Pháp và 50 thông tín viên nước ngoài”.

Về vai trò của GS Phan Huy Lê ở AIBL, thì trong bức thư đề ngày 27/5/2011 gửi cho Giáo sư, ông Jean Leclant, Thư ký trọn đời của AIBL, đã viết:

“J’ai l’honneur de porter đ votre connaissance que l’ Académie des Inscriptions et Belles-Lettres dans la séance du vendredi 27 mai 2011, vous a nommé Correspondant étranger  au fauteuil précédemment occupé par Francisco Rico”.

Dịch nghĩa:

“Tôi hân hạnh báo để ông được biết rằng, trong phiên họp ngày 27-5-2011, Viện Hàn lâm Minh văn và Văn chương đã bổ nhiệm ông vào chức vị Thông tín viên nước ngoài trước đây do ông Francisco Rico đảm nhiệm”.

Chữ nghĩa thế là đã rõ ràng. GS Phan Huy Lê là Thông tín viên nước ngoài của Viện Hàn lâm Minh văn và Văn chương, chứ không phải là viện sĩ của Viện này.

A.C