Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ma cô, ma túy, ma lanh…

08:50 | 04/11/2013

|
Xin ông An Chi cho biết, trong “ma cô” (kẻ dắt gái) thì “ma” có phải là một với “ma” trong “ma quỷ” không. Và cũng là một với “ma” trong “ma túy”, “ma mộc”, “ma lanh” và “bãi tha ma” (chỗ người ta “tha” thây “ma” ra chôn)?

Bạn đọc: Thưa ông An Chi, bài thơ “Độc Hàn Đỗ tập” của nhà thơ Đỗ Mục, đời Đường, có hai câu:

“Đỗ thi Hàn tập sầu lai độc

Tự thiến ma cô dạng xứ tao”.

Tạm dịch là:

“Khi buồn đọc thơ của Đỗ Phủ, Hàn Dũ giống như được tiên nữ gãi đúng chỗ ngứa”.

Như vậy là, chữ “ma cô” trong câu của Đỗ Mục có nghĩa là “tiên nữ”. Xin ông cho biết, chữ “ma cô” này với chữ “ma cô” mà tiếng Việt ta hay dùng (thằng ma cô, kẻ ma cô) thì khác nhau, giống nhau ở chỗ nào? Và tại sao cũng từ “ma cô” mà ý nghĩa lại đối lập nhau đến thế?

Phương Liên (Hà Nội)

Xin ông An Chi cho biết, trong “ma cô” (kẻ dắt gái) thì “ma” có phải là một với “ma” trong “ma quỷ” không. Và cũng là một với “ma” trong “ma túy”, “ma mộc”, “ma lanh” và “bãi tha ma” (chỗ người ta “tha” thây “ma” ra chôn)?

Trang Thành Khang

(P.4, Bình Thạnh, TP HCM)

An Chi: Ma cô “gãi ngứa” là ma cô Tàu còn ma cô “dắt gái” là ma cô gốc Tây. Ma cô “gãi ngứa” thuộc phái đẹp và chỉ có một còn ma cô “dắt gái” thì nhiều và là đàn ông.

“Ma cô” gãi ngứa, chữ Hán là 麻姑, là nữ thần Trường Thọ trong truyền thuyết của Tàu. Đạo giáo đại từ điển của Tô Châu Đạo giáo Hiệp hội (thuộc Trung Quốc Đạo giáo Hiệp hội) do Vương Bỉnh Dương chịu trách nhiệm biên tập (Hoa Hạ xuất bản xã, 1995) cho biết:

 “Ma Cô [麻姑Ä] là tiên nữ thời xưa. Truyền thuyết liên quan đến bà thì nhiều. Thần tiên truyện của Cát Hồng cho rằng, bà là em gái của Vương Phương Bình, dung nhan tựa thiếu nữ mười tám, mười chín, y phục đẹp đẽ, rực rỡ, ưa nhìn, tu tại núi Cô Dư (sơn) ở phía đông nam Mâu Châu, thời Đông Hán từng giáng xuống nhà Thái Kinh, nói rằng mình đã ba lần thấy biển Đông biến thành ruộng dâu. Cũng có thuyết cho rằng, Ma Cô họ Lê, tự là Quỳnh Tiên, là cung nữ đời Đường được xuất cung, đã tu tiên đắc đạo tại một trong 36 động của Đạo giáo. Nhà thư pháp Nhan Chân Khanh đời Đường đã soạn “Ma Cô tiên đàn ký”, khắc bia kỷ niệm, đến nay vẫn còn. Tại thị trấn Phong Đô, còn gọi là Quỷ Thành (thị trấn Ma), hiện nay vẫn còn Ma Cô Động và Tiên Cô Nham, là nơi Ma Cô từng ở để tu luyện. Dân gian thời xưa xem Ma Cô là tượng trương cho điềm cát tường và sự trường thọ” (tr.883-884).

Cứ như trên thì nếu được Ma Cô gãi ngứa hẳn là một trong những lạc thú thượng thặng ở đời và “Đỗ thi Hàn tập” mà giải được sầu cho Đỗ Mục thì cũng là thứ văn chương có kém gì sự huyền diệu của thần tiên. Còn “ma cô” dắt gái thì lại là kết quả của sự phiên âm từ tiếng Pháp “maquereau” mà Từ điển Pháp Việt của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam do Lê Khả Kế làm Tổng biên tập (Agence de Coopération Culturelle et Technique, 1981) đã đối dịch là… “ma cô”. Đây là hình thức phiên âm của tiếng Việt miền Bắc còn trong Nam thì đó là “mặc rô”, do siêu chỉnh (hypercorrection) nên trở thành “mặt rô” - người thì phải có “mặt” chứ! - là hình thức phổ biến và được Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng là “mặt người đàn-ông to lớn, rộng bề ngang, đen-đúa xấu xa”. Với quyển từ điển này thì “mặt” hiển nhiên là “visage” (mặt) của tiếng Pháp còn “rô” chắc là “rộng bề ngang” và “đen-đúa xấu xa”! Với tác giả của mục từ này thì “mặt rô” nằm trên trục đối vị với “mặt rỗ”! Thực ra, cả “mặt” lẫn “rô” đều chỉ là những âm tiết vô nghĩa, dùng để phiên âm mà thôi. “Ma” trong “ma lanh” cũng chẳng liên quan gì đến “ma” trong “ma quỷ” vì “ma lanh” lại là hình thức phiên âm của tiếng Pháp “malin”. Chỉ có trong “ranh ma” thì “ma” mới đích thực là “ma” trong “ma quỷ”.

Vì “ma” trong “ma cô” chỉ là một âm tiết dùng để phiên âm tiếng Pháp nên nó không liên quan gì đến “ma” trong “Ma Cô” của Tàu. Mà  “ma” [麻á] trong “Ma Cô” của Tàu thì bản thân nó đã làm thành bộ “ma” [麻] nên cũng không có liên quan gì đến “ma” [魔] trong “ma quỷ”, là một chữ thuộc bộ “quỷ” [鬼] (trước nữa thì viết theo bộ “thạch” [石]). Trong khi “quỷ” [鬼] là tiếng Tàu, có nghĩa là “ma” thì “ma” trong tiếng Tàu lại là một từ gốc Sanskrit. Phiên âm từ tiếng Sanskrit “mâra”, hình thức đầy đủ của nó là “ma la”, được Từ điển Phật học Hán Việt  của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Kim Cương Tử chủ biên (NXB Khoa học xã hội, 2002) giảng là: “Chỉ lũ ác quỷ làm hại nhân mạng, có khả năng cướp đoạt nhân mạng, gây chướng ngại, nhiễu loạn, phá hoại các thiện sự của loài người”. “Ma” đã đi vào tiếng Việt với tính cách một từ Hán Việt và với nghĩa thông dụng là “sự hiện hình của người chết, theo mê tín”, như đã cho trong Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên. Đây chính là từ “ma” trong “ma chay”, “ma gà”, “ma quái”, “ma quỷ”, “ma trơi”, “ma xó”, v.v... Nhưng chữ “ma” này chẳng có liên quan gì đến “ma” trong “ma mộc”, “ma túy” cả.

Tại mục “ma”, Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến Đức giảng “ma-mộc” là “thứ ma ở gỗ” và cho thí dụ là “ma mộc đè”. Giảng như thế thì rất sai vì “mộc” ở đây đồng nghĩa với “ma” (nên chẳng liên quan gì đến gỗ) mà “ma” ở đây chữ Hán là [痲], nay thường viết thành [麻], có nghĩa là “tê dại” (nên cũng không liên quan gì đến ma quỷ). Đây cũng chính là chữ “ma” trong “ma túy” [麻醉]. Cả “ma túy” [麻醉] lẫn “ma mộc” [麻木] đều được đối dịch sang tiếng Anh là “ana(e)sthesia”; còn “drug” thì được dịch sang tiếng Anh thành “ma túy tễ” [麻醉剂Á].

Trong “bãi tha ma” thì “ma” cũng không liên quan gì đến “ma quỷ”. “Tha ma” là biến thể ngữ âm của hai tiếng đầu (“thâm ma”) trong “thâm ma xá na” [深魔舍那], là bốn tiếng mà Tàu đã dùng để phiên âm danh từ Sanskrit “śmaśāna”, có nghĩa là nghĩa địa. Trong trường hợp này, vần “âm” của “thâm” đã bị vần “a” của “ma” đồng hóa và “tha ma” là một từ gốc Sanskrit mà tiếng Việt đã mượn qua tiếng Hán.

A.C