Làm thế nào xác định sản phẩm là hàng Việt Nam?
Theo dự thảo Thông tư quy định về hàng hóa Việt Nam do Bộ Công Thương sắp ban hành thì hàng hóa được xác định xuất xứ là “hàng Việt Nam” trong 2 trường hợp. Thứ nhất khi sản phẩm đó thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam. Trường hợp thứ hai là hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam thì có 2 điều kiện, một là tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng (VAC) của hàng hóa phải đạt từ 30% trở lên, hai là hàng hóa phải vượt qua khâu gia công đơn giản.
Các sản phẩm nông sản của Việt Nam được đánh giá là thuần túy hàng hóa Việt Nam. |
VAC đạt 30% có nghĩa trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm ít nhất 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa. Trong đó, trị giá nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ Việt Nam gồm trị giá của nguyên liệu mua của nhà sản xuất trong nước hoặc do tổ chức, cá nhân tự sản xuất; chi phí nhân công trực tiếp, chi phí phân bổ trực tiếp, các chi phí khác và lợi nhuận. Còn trị giá xuất xưởng gồm chi phí nguyên liệu cộng với các chi phí nhân công trực tiếp, phân bổ trực tiếp và lợi nhuận của nhà sản xuất.
Ở đây có một câu hỏi đặt ra là tại sao lại đặt ra ngưỡng VAC là 30% mà không phải ngưỡng cao hơn. Giải thích về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ cần đáp ứng VAC 30% là được các nước bạn công nhận là hàng xuất xứ Việt Nam.
Bởi vậy việc đặt ra các ngưỡng cao hơn 30% hoặc bổ sung thêm điều kiện không khó, nhưng nếu vậy sẽ xuất hiện tình huống oái oăm là cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của mình.
Có một hiểu lầm nghiêm trọng là việc viện dẫn xuất xứ hàng hóa của Hoa Kỳ, Thụy Sỹ mà không biết rằng trong đàm phán với Việt Nam, cả Mỹ, Nhật, Thụy Sỹ đều tha thiết đề nghị ta áp dụng quy tắc VAC 30% hay chuyển đổi mã số hàng hóa cho tuyệt đại đa số sản phẩm công nghiệp của họ. Không quốc gia nào đề nghị 50% hay 60%, trừ đối với một vài mặt hàng cực kỳ nhạy cảm như may mặc, ô tô.
Nói rộng hơn, trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC). Tên gọi này đã thể hiện tính chất "khu vực" của quy tắc xuất xứ, tức là cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên. Ví dụ, với RVC 40% trong ASEAN thì 1 sản phẩm có 20% giá trị của Thái Lan, 10% của Philippines, 5% của Lào và 5% của Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D.
So sánh với quy định xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do thì dự thảo Thông tư về Quy định xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam chặt hơn. Cụ thể, tỷ lệ giá trị gia tăng 30% nêu tại thông tư là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam. Bởi vậy, nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam.
Riêng đối với giai đoạn hoàn thành sản phẩm cũng được làm rõ hơn đó là "hàng hóa phải trải qua công đoạn gia công chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa". Đây là quy định rất mới "bịt khe hở" chống lại việc lách luật của các doanh nghiệp khi lắp ráp hoặc sơ chế nguyên liệu rồi gắn nhãn mác hàng Việt Nam hòng lẩn tránh thuế.
Như vậy, có thể nói rằng việc xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng 30% để xác định là hàng Việt Nam đã theo đúng thông lệ quốc tế và được các nước nhập khẩu hàng hóa của nước ta công nhận. Đây là điều kiện cơ bản xác định xuất xứ các sản phẩm hàng hóa Việt Nam mà các doanh nghiệp cần lưu ý khi thực hiện ghi nhãn mác xuất xứ.
Thành Công
-
Giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng do thời tiết xấu
-
“Ngày hội khuyến mại tháng 7”: Kết nối, kích cầu tiêu dùng
-
Gần 100 doanh nghiệp giới thiệu hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2024
-
4 tháng đầu năm, Việt Nam điều tra 18 vụ việc chống bán phá giá
-
VietAd 2024: Cơ hội tiếp cận sản phẩm, công nghệ tiên tiến ngành quảng cáo
-
Chỉ có 01 loại thuế suất thuế GTGT 5% mới được hoàn thuế là không công bằng đối với các doanh nghiệp
-
Nhà đầu tư tích trữ vàng trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ
-
Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý
-
Tin tức kinh tế ngày 25/10: Thu ngân sách cả năm 2024 ước tăng trên 10%
-
[Infographic] Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm